Danh sách Blog của Tôi

Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

Đánh đĩ chính trị

Đánh đĩ chính trị

Đánh đĩ chính trị

NGUYỄN TƯỜNG THỤY

.

Trước hết, cần mở rộng khái niệm đĩ. Không phải cứ bán trôn nuôi miệng mới gọi là đĩ. Phàm những ai bán danh dự để kiếm tiền đều có thể gọi là đĩ cả.

Đĩ theo quan niệm hẹp tạm gọi là đĩ tình. Còn theo khái niệm mở rộng thì có đĩ buôn người, đĩ môi giới (hối lộ, chạy chọt), đĩ báo chí … Có loại đĩ hiến thân không trực tiếp lấy tiền mà là để tiến thân do khát quyền lực (loại này mới kinh) người ta thường gọi là đĩ cao cấp.

Tóm lại có nhiều loại đĩ lắm. Trong đó, loại đĩ dễ kiếm tiền nhất là đĩ chính trị. Loại đĩ này hơn hẳn những loại đĩ khác là không những kiếm bộn tiền mà còn có cả danh vọng nữa.

Vào Đảng CSVN (sau đây gọi tắt là Đảng) là để hy sinh cho lý tưởng cộng sản, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, đó là những đảng viên chân chính, mặc dù tôi chẳng thích phấn đấu cho cái gọi là “lý tưởng cộng sản”. Tuy vậy, tôi vẫn cứ kính trọng thành phần đảng viên này dù không biết họ là ai, ở đâu, có hay không có.

Nhưng vào Đảng với mục đích để thăng quan tiến chức, bóc lột nhân dân, vơ vét cho bản thân, gia đình và họ hàng được nhiều chứ không phải như những gì họ tuyên thệ khi vào Đảng thì gọi là đĩ chính trị.

Dưới đây, tôi không dám nói đến những đảng viên chân chính mà chỉ nói đến đĩ chính trị thôi.

So với đĩ tình thì đĩ chính trị nguy hiểm hơn rất nhiều. Người ta cứ hay nói đến chuyện chân dài với các đại gia. Xét cho cùng thì đám chân dài chỉ vi phạm về đạo đức, về thuần phong mỹ tục thôi. Việc họ làm chẳng chết ai, chẳng ảnh hưởng đến bố con thằng nào. Của họ thì họ cho hay đổi chứ có phải của chính quyền đâu.

Nhưng đĩ chính trị thì có sức tàn phá ghê gớm. Nó làm khánh kiệt ngân sách quốc gia vì tham nhũng; tàn phá đất nước; phá hoại giá trị văn hóa, tinh thần của nòi giống; làm băng hoại đạo đức xã hội; làm suy giảm lòng tin của dân chúng đối với chế độ. Tóm lại, nó làm suy yếu đất nước và có thể dẫn đến mất nước bất cứ lúc nào.

Cứ bảo vào Đảng là để hy sinh, khổ trước nhân dân, sướng sau nhân dân nhưng hãy để ý mà xem, thông thường ai cứ vào Đảng là được đề bạt nhanh, tỉ lệ thuận với số tiền kiếm được. Hy sinh gì.

Vậy trong số 3,6 triệu đảng viên, bao nhiêu phần trăm đảng viên vì lý tưởng cộng sản, bao nhiêu vì động cơ vị kỷ. Điều này mọi người đều có thể đoán được. Nếu có một cái máy thẩm định được chính xác thì kết quả hẳn sẽ cho một con số kinh ngạc.

Có đảng viên cộng sản nào dám trả lời thật những câu hỏi sau:

Đồng chí có tin vào chủ nghĩa Mác – Lê Nin không?

Đồng chí có phấn đấu cho lý tưởng cộng sản không?

Đồng chí vào Đảng có phải để hy sinh nhiều hơn quần chúng, sướng sau quần chúng không?

Vân vân …

Tôi đoán có 99% nói dối. Nếu còn 1% nói thật, tức là bằng 1% x 3600000 = 36000 (ba mươi sáu nghìn đảng viên) cũng là đã quá nhiều. Điều đó đồng nghĩa với việc loại ra một lúc 36 nghìn đảng viên vì Đảng đâu chấp nhận những đảng viên không có lý tưởng cộng sản.  Không có lý tưởng cộng sản thì sao gọi là đảng viên cộng sản.

Vào đảng CSVN không khó mà cũng chẳng dễ.

Không khó là Đảng không kén chọn văn hóa, đại học cũng được, lớp mấy cũng xong. Chỉ cần cứ im im làm việc, chăm chỉ tham gia các phong trào, đừng bày tỏ thái độ gì. Lâu thì vài năm, mau thì một năm, tự dưng người ta cho đi học một buổi rồi bảo viết đơn, thế là vào.

Chẳng dễ tức là khó. Nhất là đối với mấy anh gọi là có học như có bằng đại học là dễ bị soi nhất. Anh nào có chí thì cũng trầy trật lắm mới đạt được nguyện vọng. Họ thường có tật như hay nói thẳng, nhiều lúc mải chuyên môn, không có thời gian hút thuốc lào, tán chuyện vặt thì bị coi là không quần chúng. Cánh này lại ưa sạch sẽ, hay tắm gội, quần áo lúc nào cũng phẳng phiu, đó là nhiễm phong cách tiểu tư sản.

Chả thế mà cơ quan tôi trước đây cứ thấy năm nay kết nạp một cô nhà bếp, năm sau kết nạp một cậu lái xe hay bảo vệ. Không kết nạp thì không đạt chỉ tiêu còn mấy cậu kỹ sư cứ đợi hết đợt nọ đến đợt kia. Thỉnh thoảng tổ chức lại cho anh ta đi học lớp đối tượng do ông bí thư trình độ 4/10 giảng về đường lối của Đảng, về chủ nghĩa duy vật biện chứng, về các cặp phạm trù, về kinh tế chính trị Mác – Lê Nin hay chủ nghĩa xã hội khoa học để nuôi hy vọng cho anh ta cho anh ta đừng phá. Loại này mà vào Đảng là nguy hiểm lắm, vì nó đe dọa cái ghế của sếp.

Có là đảng viên thì mới đề bạt được. Vì vậy mới sinh ra sếp văn hóa lởm khởm chỉ đạo kỹ sư làm việc. Mà cánh này thấy chỉ đạo sai khó mà không cãi nên cứ thế tiếp tục đóng vai quần chúng.

Cuối cùng thì một anh kỹ sư tư chất thông minh với bao nhiêu công lao học hành, tốn bao nhiêu tiền của vẫn không bằng anh nhân viên tạp vụ không cần đi học, không biết viết cái đơn vào đảng mà phải đi nhờ mấy đứa quần chúng. Vì vậy mới có chuyện sếp xuất thân từ công nhân, từ cán bộ phong trào. Đến cỡ nào đó vẫn có đủ bẳng cử nhân, thạc sĩ mặc dù không biết sếp học vào lúc nào và có làm nổi toán cấp 2 không.

Sau này, tình trạng ấy có đỡ đi. Tỉ lệ sếp không biết chữ dần dần co lại. Nhưng về cơ bản vẫn lấy tiêu chuẩn có phải là đảng viên hay không để đề bạt, cất nhắc.

Nói thế để thấy rằng, đầu tư vào chính trị là có hiệu quả nhất, tuy không phải ai cũng làm được vì có người thạo nghề này nhưng không thạo nghề khác hoặc bị con lương tâm nó cắn rứt.

Nhân dịp có cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tôi chỉ đề nghị một việc đơn giản là cứ đảng viên nào không tin vào chủ nghĩa Mác – Lê Nin, không vì lý tưởng cộng sản thì cho ra khỏi Đảng hết. Chỉ e rằng nếu làm đúng như thế thì không biết “Đảng ta” còn lại được người nào không, nếu còn thì mấy người lơ thơ này có đủ số lượng để gọi là một đảng chính trị không.

27/7/2012

NTT

Nhà thơ Nguyễn Duy từng nói:
Đĩ cấp thấp bán trôn nuôi miệng – Đĩ cấp cao bán miệng nuôi trôn.

Cái thời thổ tả này:
Đảng viên nhan nhản – Cộng sản mấy người.

Đọc bài của Bác thật sâu sắc, lột tả được bản chất của đảng viên CS thời nay. Phần lớn chỉ trình độ có hạn-nhưng thủ đoạn vô cùng.

Mãi dâm là bán dâm
Mãi quốc là bán nước!
Xưa LS có câu: Phan, Lâm mãi quốc, triều đình thí dân!”Đánh đĩ CT” NTT dùng rất “đắt”.Ai muốn hiểu thế nào cũng được.

NGUYỄN VĂN THẠNH: NHỮNG NGỘ NHẬN TAI HẠI

NGUYỄN VĂN THẠNH: NHỮNG NGỘ NHẬN TAI HẠI

Posted on  by Bà Đầm xòe

Tư tưởng đúng, hành động đúng

.

Tình hình đất nước hiện nay quả là bi đát và cấp bách nhưng để thay đổi được lại rất khó khăn. Bế tắt không chỉ vì người dân sợ bạo quyền, thờ ơ mà còn vì nhiều người còn ngộ nhận nhiều điều. Chính những ngộ nhận này mà họ không hành động, không ủng hộ hoặc cản trở sự thay đổi. Cần phải giúp mọi người dù là bình dân nhất: xe ôm, cửu vạn đến sinh viên, công chức biết những điều lâu nay họ nghĩ là ngộ nhận, là sai.

 

1. Ngộ nhận về nhân dân, đất nước, chế độ: 

 

Nhiều người có suy nghĩ cho rằng nhân dân, đất nước, dân tộc Việt Nam với chế độ, đảng cộng sản và chủ nghĩa xã hội là một. Yêu nước là yêu chế độ, yêu Đảng cộng sản, yêu chủ nghĩa xã hội. Đây thật ra là chiêu bài tuyên truyền xảo trá của đảng cầm quyền,  mục đích buột chung đảng vào giá trị dân tộc để người dân lầm tưởng là bất cứ ai có hành vi chống lại chúng là chống lại dân tộc. Ngay từ xưa các cụ đã nói “quan nhất thời, dân vạn đại”, đảng cộng sản cũng chỉ là một tổ chức mới có chưa tới 100 năm nay, không phải là dân tộc. ( Ảnh biểu tình tại Hà Nội đầu tháng 7 năm 2012).

ĐCS muốn lãnh đạo dân tộc đi theo đường lối họ cho là đúng đắn: chủ nghĩa cộng sản. CNCS là một chủ thuyết do hai ông Mac-Lenin nghĩ ra, đó chỉ là một chủ thuyết để trị quốc như thuyết thiên tử xưa kia của phong kiến. Một vĩ nhân nước Pháp, tướng De Gaulle đã nói “mọi chủ thuyết rồi sẽ mất đi, chỉ có dân tộc là còn lại”, chủ tịch đảng LDP của Nhật-một đảng lãnh đạo nước Nhật suốt 60 từ nước bại trận đến quốc gia có nền kinh tế số 2 thế giới- nói “vì nhân dân Nhật Bản, tôi sẵn sàng đập vỡ LDP”. Họ là những người hùng dân tộc chân chính, họ đặt đất nước, dân tộc lên trên đảng phái và chủ thuyết.

Một ngộ nhận nguy hại nữa là ngộ nhận việc của đất nước là việc của đảng. Ngộ nhận đó dẫn đến suy nghĩ mọi việc có đảng và nhà nước lo. Đây thật sự là một suy nghĩ sai lầm lớn. Đất nước là của nhân dân, đảng chỉ là một nhóm người được dân ủy quyền đứng ra lo việc chung. Chính xác họ chỉ là những người làm thuê, vì làm thuê nên họ có thể lừa dối, làm sai và phá hoại, thậm chí bán nước. Đảng suy cho cùng là một nhóm người đang nắm quyền. Lịch sử cho thấy nhiều lần đảng đã đặt lợi ích, đặt sự tồn vong của đảng, của chế độ lên trên trên quyền lợi của dân tộc. Như vậy nếu có thay đổi thì họ cũng sẽ thay đổi hướng đi làm sao quyền lợi của đảng vẫn bảo đảm và quyền lợi nhân dân bị hi sinh. Thật tai hại, việc này không khác gì trao tương lai mình, con cháu mình vào tay một nhóm người.

2. Ngộ nhận về công lao ĐCS: Đây là ngộ nhận phổ biến rất tai hại

Công lao giải phóng: Cho rằng thành quả hôm nay là do đảng, nhờ ơn đảng, có đảng mới có độc lập. Đảng có công giải phóng dân tộc thì có quyền lãnh đạo đất nước. Đây chính là lối suy nghĩ của não trạng phong kiến “ơn quan phụ mẫu”. Uống nước nhớ nguồn, bất cứ ai, tổ chức nào có công với dân tộc đều được tưởng nhớ, vinh danh, từ xa xưa, lịch sử dân tộc có rất nhiều vị anh hùng “Hai Bà Trưng, Lê Lợi, Quang Trung,….” được sử sách lưu truyền, ghi công. Ngày nay những vị anh hùng xả thân vì đất nước cũng được vinh danh tưởng nhớ. Ngộ nhận về công lao giải phóng và quyền lãnh đạo của đảng là lối suy nghĩ không hiểu biết lịch sử dân tộc. Dân tộc VN trải qua bao phen nô lệ, bao phen sắp mất nước, những triều đại có công lớn như nhà Trần, Nhà Lê, nhà Nguyễn,…nhưng khi họ đi vào thối nát, mục ruỗng cản trở sự phát triển của dân tộc thì đều phải lật đổ, vứt bỏ. Vận động xã hội luôn luôn đổi mới chứ không phải bất biến, do vậy một đảng phái có thể lãnh đạo tốt cho đất nước ở giai đoạn này nhưng hại ở giai đoạn khác. Vấn đề là nhân dân sống như thế nào chứ không phải độc lập là tất cả, nước nhà độc lập mà dân không thịnh vượng, không tự do thì độc lập là vô nghĩa. Người cũng dòng giống không có nghĩa là không cai trị tàn bạo. Lịch sử nhân loại để lại bài học nhiều dân tộc bị đày đọa khủng khiếp lại do chính người cùng dân tộc cầm quyền gây ra. Nhiều chính quyền do người cùng dân tộc nắm giữ nhưng vô cùng tàn bạo không khác gì ngoại bang (Bắc Triều Tiên là một minh chứng).

 

Công lao xây dựng: Nhiều người cho rằng thành quả hôm nay: đường ta đi, điện ta dùng, cơm ta ăn, áo ta mặc đều do công ơn trời biển của đảng. Đây là não trạng của thân tôi đòi, nô lệ. Tất cả những cái đó muốn có phải trả tiền, phải trao đổi, phải lao động mới có. Đảng chỉ là một tổ chức cầm quyền ăn lương do dân đóng qua thuế, thực tế họ đã không làm tốt bổn phận của họ, rất nhiều tệ hại do họ sai lầm hoặc thành viên của họ tham nhũng rút ruột. Đúng ra họ phải bị truất phế chứ không phải ngồi chễnh chệ trên đầu, trên cổ nhân dân như vậy. Nếu không vì cái độc đoán của họ thì nhân dân, đất nước đã không làm những việc điên khùng: ngăn sông cấm chợ, tiêu diệt tư bản như thời bao cấp để rồi đói kém vàng cả mắt. Đói kém dẫn đến giống nòi suy kiệt, chấp nhận lao động cực nhọc lương thấp (đảng lại ca ngợi cần cù, lao động giá rẻ). Thể trạng người VN hiện nay rất kém: thấp bé, nhẹ cân.

 

Công lao giữ ổn định: Nhiều người cho rằng đảng đã cực khổ lo cho dân, đó là niềm tin mù quáng vào một kẻ vừa ăn cướp vừa la làng. Lãnh đạo là một nghề như vạn nghề và nghề này rất béo bở, một người làm quan cả họ được nhờ. Thực tế là nhân dân đóng góp nuôi họ rất nhiều nhưng họ lãnh đạo không hiệu quả, ngày càng đưa đất nước tụt hậu so với mức phát triển chung của nhân loại. So với thế giới và lân bang, Việt Nam tụt hậu rất xa về mọi mặt. Rất nhiều chính sách họ đưa ra lại kiềm hãm sự phát triển của dân tộc. Đảng đã không ngăn được các quốc nạn tham nhũng, rút ruột, lãng phí. Rất nhiều công trình, dự án chủ yếu là để lấy tiền dân, hiệu quả rất thấp. Hãy xem quan chức giàu có còn dân nghèo mạt thế nào để biết. Nếu họ không độc tài, tiếm quyền và khư khư ôm lấy quyền thì đất nước này thịnh vượng và ổn định ngàn lần hiện nay.

 

Ngộ nhận về vai trò lãnh đạo không thể thay thế của đảng: Nhiều người cho rằng không cá nhân, không tổ chức nào có đủ tài năng để lãnh đạo đất nước. Suy nghĩ này thật là sai. Dân tộc này không thiếu người cầm quyền, lãnh đạo, cầm lái để đưa dân tộc tiến bộ. Nhiều người nói “mong đảng sửa mình để lãnh đạo nhân dân” điều này không khác gì các quan ngu trung thời xưa “mong vua sửa mình để chăn dắt dân chúng”, ngày nay không còn Vua, không mong gì hết, làm không nên thì đi chỗ khác để người khác làm. Điều này giống như việc có một tên tài xế tồi và ẩu cầm lái, cần phải thay đi. Nó thối nát nên dẹp bỏ.

 

3. Ngộ nhận về lực lượng, phong trào canh tân đất nước:

Ngộ nhận về động cơ: Cho rằng tất cả những cá nhân, tổ chức hoạt động chính trị với chủ trương giải thể ĐCS để thực hiện nền chính trị dân chủ ở VN là những âm mưu chính trị nguy hiểm, là hoạt động chống phá đất nước. Họ bêu xấu cá nhân đó là có tham vọng chính trị, phá hoại đất nước. Sự thật là gì? Là có rất nhiều cá nhân thấy được thực trạng đất nước kiệt quệ, mắc nạn trong tay ĐCS, họ muốn thay đổi. Họ lên tiếng riêng lẻ hoặc hình thành nên tổ chức. Việc này giống như Lê Lợi năm xưa đã làm để đánh đuổi quân Minh ra khỏi đất nước. Nên nhớ là quân Minh cũng để cho nước ta có Vua nhưng đó là vua bù nhìn. Ở các nước văn minh nếu đảng nào nắm quyền nhưng làm không tốt thì bị dân phế truất và đưa đảng đối lập lên thay, đây là một hoạt động bình thường chứ không phải là chống phá. ĐCS VN tiếm quyền, xưng vương, xưng bá nên khi làm sai không ai nói được, vì ai lên tiếng thì bị nó chụp cho cái mũ là phản động và chống đối. Trong trường hợp này muốn cứu dân, cứu nước phải hoạt động bí mật, âm thầm, đó là điều hợp lý chứ không phải là âm mưu. Dân hay ngộ nhận âm mưu đồng nghĩa với bất minh, xấu xa. Trong trường hợp này không đúng. Chúng ta nên hoan nghênh ủng hộ những “âm mưu” này, hoan nghênh bất cứ cá nhân nào có tham vọng giải tỏa độc tài toàn trị để nước nhà tiến lên dân chủ, thịnh vượng. Lật được ĐCS là mở ra trang sử dân chủ cho nước. Xưa dân tộc ta kém phát triển, mất cơ hội canh tân vì đã có nhiều ngộ nhận những bậc anh hùng vì dân vì nước là giặc là làm loạn (trường hợp Nguyễn Trường Tộ), bài học này hôm nay toàn dân phải cảnh giác.

Ngộ nhận tính pháp lý: Họ cho rằng bất cứ hoạt động gì mà không được sự cho phép của đảng, của chính quyền là phi pháp, cần phải xin phép đảng, chính phủ mới làm. Suy nghĩ này mà làm cách mạng thì giống như việc cải lương, làm sao mà họ cho phép những việc làm dẫn đến dẹp bỏ họ, dù có thối nát, khốn nạn đến mấy con người không thể lấy búa ghè vào chân. Suy nghĩ đúng là: Đảng như một băng nhóm cầm quyền, họ làm sai, làm hại đất nước cần phải dẹp đi. Mưu cầu sự tồn vong, mưu cầu hạnh phúc, hưng thịnh của dân tộc là việc làm chính nghĩa nhất, có tính pháp lý cao nhất.

4. Ngộ nhận về thay đổi đất nước:

Bạo động và lật đổ: đây là từ ngữ đảng cầm quyền hiện nay dùng để dọa dân chúng về viễn cảnh loạn lạc. Họ kêu gọi giữ ổn định để phát triển. Đây là lối nói ngụy biện giống như việc cơ thể có bệnh cần phải nhận diện điều trị thì lờ đi, uống thuốc giảm đau, bệnh sẽ ngày càng nặng và đến lúc không cứu được phải chết. Đảng cộng sản tuyên truyền viễn cảnh bạo loạn, giết chóc xảy ra do để dân chúng sợ loạn lạc mà không hành động nhằm củng cố sự cai trị bất hợp pháp, duy trì sự thối nát, duy trì quyền lợi của chúng. Trên thực tế có rất nhiều cuộc thay đổi chính trị ở các nước đã diễn ra trong hòa bình, sự sụp đổ của thành trì cộng sản Liên Xô, Đông Âu là một minh chứng, gần đây là sự sụp đổ độc tài ở Tunisia sau 7 ngày dân xuống đường là mở ra tương lai cho đất nước. Chỉ có đảng cộng sản với thuyết đấu tranh giai cấp man rợ nên luôn nhầm tưởng bất cứ thay đổi gì cho đất nước, cho nhân dân là bạo lực là đấu tranh giai cấp, là giết chóc. Lịch sử VN và thế giới cho ta nhiều bài học đổi ngôi xảy ra trong trật tự, hòa bình. Nếu kẻ cầm quyền ngoan cố thì chúng ta quyết không sợ. Dân tộc này, tổ quốc này mang ơn những người con dũng cảm hy sinh để mở ra tương lai tươi sáng. Độc tài và độc ác như Gaddafi hay Assad thì cuộc chiến này cũng chỉ hy sinh một số dân không nhiều hơn số người chết vì tai nạn giao thông ở nước ta trong một năm. Còn độc tài toàn trị chúng ta chết vì giao thông vì ngộ độc thực phẩm, vì đói nghèo còn nhiều hơn hàng chục lần. Hãy xem có đến hơn 3 triệu người Triều Tiên đã chết thật uổng phí: chết đói; trong khi triều đại nhà Kim đã tồn tại đến 3 đời.

Ngộ nhận về hướng đi: Nhiều người có suy nghĩ rằng ai, tổ chức nào lên cũng thế thôi, khi vận động nhân dân quần chúng thì hứa ngon ngọt nhưng nắm quyền thì cũng tham lam, rút ruột, độc tài. Không thể tin được “bố con thằng nào”. Suy nghĩ là đúng với thực tế thời gian qua, rất nhiều phe cánh trong đảng đấu đá nhau, hạ bệ nhau để ngoi lên và kết quả cuối cùng thì không có gì thay đổi có lợi cho dân. Đó là một thực tế. Tuy nhiên người dân không thấy được bản chất bên trong. Với chủ trương hướng đến chính trị đa nguyên, tự do báo chí, kinh tế dân doanh. Sự thay đổi này không chỉ là hình thức người lãnh đạo mà là sự thay đổi căn bản của cấu trúc chính trị, kinh tế. Sự thay đổi này sẽ đưa đất nước biến đổi từ độc đài đến dân chủ. Trong môi trường chính trị này, những cá nhân xấu xa, tham lam, bất tài sẽ bị loại bỏ.

Ngộ nhận về vai trò cá nhân: Nhiều người cho rằng: chính trị là việc lớn, thay đổi đất nước là việc vô cùng khó khăn. Một mình họ có quan tâm thì cũng không giải quyết được gì. Đây là lối suy nghĩ của nhiều người. Họ không biết rằng tất cả những cơn đại hồng thủy khủng khiếp nhất đều bắt nguồn từ những hạt nước nhỏ bé. Quyền lực chính trị to lớn đến từ sự ủng hộ của người dân. Từng người dân thì nhỏ bé, yếu nhưng tập hợp lại thì rất mạnh. Nếu ta tránh việc thì ai làm? Từng tiếng nói lẻ tẻ hợp lại thành sức mạnh, từng hành động nhỏ nhặt: truyền tin, giới thiệu bạn bè, tham gia xuống đường, hô khẩu hiệu,…là những hành động ai cũng có thể làm được để giúp đất nước thay đổi. Tình hình đất nước hiện nay là cực kỳ bi đát và nguy cấp, tất cả người dân Việt Nam hãy quan tâm đến tình hình đất nước để lo lắng, lên tiếng, ủng hộ những phong trào do những cá nhân tâm huyết phát động, ngõ hầu tập trung sức mạnh cộng đồng để giải quyết. Xưa Thánh Gióng lớn mạnh là nhờ ăn cơm của dân, uống nước của làng. Không có sự ủng hộ thì mọi phong trào, dù có tính khoa học cũng bị chết từ trong trứng nước.

Ngộ nhận về những đức tính xấu của dân tộc: Nhiều người cho rằng người Việt Nam có nhiều thuộc tính xấu: tư lợi, bè phái, tham quyền cố vị, tranh giành quyền lực,….Nhiều người còn lấy lý do dân trí còn thấp. Chấp nhận mọi cái xấu, cái dở, cái tệ hại của xã hội, của đất nước là do bản chất dân tộc. Câu cửa miệng hay nghe là “Việt Nam là thế”. Từ nhận định đó nên nhiều người suy nghĩ là thay đổi cũng không ích gì “ai lên cũng vậy” và dân chủ sẽ sinh loạn lạc. Thật là sai lầm trong việc này. Con người ở đâu cũng có những đức tính trên. Liên Xô, Đông Âu, Cuba thậm chí một dân tộc văn minh như người Đức nhưng khi nằm dưới chế độ CS thì người dân vẫn bị bần cùng và giả dối. Vấn đề là thiết chế, là môi trường tốt thì cái tốt sẽ tự đến, cái xấu sẽ bị diệt. Hãy so sánh thái độ bán hàng của cô mậu dịch viên thời bao cấp với nhân viên siêu thị hiện nay để biết nguyên nhân của sự khác biệt.

Ngộ nhận về sự tiến bộ của đất nước: Cho rằng đất nước ta hiện nay là giàu nhất trong lịch sử, từ đói kém nô lệ lần than, nhà tranh, vách đất, tăm tối đến điện đường sáng choang, ăn ngon, mặc đẹp, đường xá, nhà cửa bê tông khang trang. So với xưa đói kém, giặt giã nay hòa bình vậy là tiến bộ, hạnh phúc quá nhiều. Những bất cập hiện nay chỉ là nhỏ lẻ và đảng sẽ khắc phục để đất nước tiến lên. Đây là lối suy nghĩ phổ biến ở những người tầm 50 tuổi trở lên, họ là lớp người kinh qua giai đoạn khổ đau nhất của dân tộc: chiến tranh, bao cấp nên họ thấy thành quả ngày nay quả là như mơ. Và đặc biệt nữa là họ là những người bị ảnh hưởng đến tuyên truyền mạnh nhất về sự tốt đẹp của đảng và họ cũng là lớp người có uy tín, địa vị, sức mạnh về kinh tế nhất hiện nay, và cũng oái ăm là họ cũng là lớp người ít tiếp xúc với mạng nhất hiện nay. Nếu thế hệ con cháu mở mang trí tuệ, tiếp xúc thông tin đa chiều  mà có ý kiến khác về các hình tượng như HCM, ĐCS thì họ sẽ bị rầy la và cho là nhiễm tư tưởng phản động, bị thế lực nước ngoài âm mưu và giật dây. Họ có niềm tin là bất cứ ai nói đảng sai, chính sách không đúng làm phản động. Những điều họ thấy, họ nghĩ, họ nhìn nhận là đúng. Điều ngộ nhận xảy ra là do họ chưa thấy được cái toàn cục, so ta với ta mà không thấy lân bang đã giàu mạnh thế nào? Họ thấy thành quả nhưng họ không thấy công sức bỏ ra của toàn dân. Nếu nước nhà dân chủ thì thành quả còn nhiều lần hơn thế. Họ không thấy sự cản trở phát triển của chế độ chính trị độc đảng toàn trị. Họ bị vẻ bề ngoài làm lóa mắt mà không thấy thực trạng bên trong.

5. Kết luận:

Đất nước là của nhân dân, hoàn toàn không phải của đảng, họa mất nước nhân dân phải gánh chịu. Đất nước này không chỉ của chúng ta mà còn của con cháu mình. Sinh hoạt chính trị là một hoạt động của con người văn minh thể hiện sự quan tâm đến mọi người, đến cộng đồng chứ không phải việc xấu xa. Từng ủng hộ nhỏ sẽ tạo nên sức mạnh để làm được việc lớn chứ đừng nghĩ rằng có quan tâm cũng không được gì. Hãy tiếp xúc thông tin đa chiều để tránh là con cừu ngây thơ trong cuộc chơi bịt mắt của đảng. Không ai thương mình bằng chính mình, công ơn trời biển, nỗi lo của đảng cho dân cho nước chỉ là chiêu bài tuyên truyền mị dân.

Trước hãy vì quyền lợi mình và con cháu mình, sau vì quyền lợi cộng đồng, giống nòi mà lên tiếng, ủng hộ phong trào chính nghĩa để giúp thay đổi đất nước. Nước Pháp huy hoàng, cường quốc trong Hội đồng bảo an Liên hợp Quốc dù dân số chỉ 60 triệu người là nhờ ơn những người dũng cảm đã nổi dậy cướp ngục Baxti năm xưa. Những hành động của chúng ta hôm nay, không chỉ thay đổi vận mệnh cho chúng ta mà còn thay đổi số phận con cháu chúng ta. Nhiều bậc ông bà, cha mẹ đã âm thầm hy sinh cho tương lai con cháu không ngại khó khăn, gian khổ; hành động thay đổi đất nước chính là hành động mang lại tương lai tươi sáng, vững bền nhất cho con, cho cháu.

K.s Nguyễn Văn Thạnh

Email: bdhsvn2012@gmail.com

 

ĐẢNG LÀ VUA

ĐẢNG LÀ VUA


                                                                                          KS Nguyễn Văn Thạnh                                                                 
                                                                               Tôi thấy ở đảng là hình ảnh của Vua.
Thời phong kiến: Nếu ngày nay có một phép lạ là vị anh hùng dân tộc Lê Lợi sống dậy, nói với muôn dân rằng “xưa nước nhà bị quân Minh xâm chiếm, toàn dân tộc phải sống kiếp nô lệ với thảm cảnh “nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống hầm tai vạ”, ta có công đánh đổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, quyền lãnh đạo đất nước này muôn đời của ta và con cháu ta. Các ngươi phải bàn giao chính quyền lại cho con cháu ta” thì sẽ thế nào?


Ngày xưa khi nước ta còn có vua, người dân chưa biết đến các quyền cơ bản của con người. Vì vậy họ tin đất nước này là của vua – vì vua là con trời (thiên tử) sai xuống để cai trị. Họ chấp nhận cho vua quyền lãnh đạo, quyền sinh sát và Vua bắt mọi người phải phục vụ mình. Chẳng hạn như vua có quyền đem dân chúng và đất đai cho bất kì ai để có được một cái lợi nào đó như lấy được công chúa con vua khác. Ngày nay người dân đã biết đến các quyền cơ bản của con người. Cho nên dù là anh hùng dân tộc, có công lớn đánh đuổi ngoại xâm, nhưng chắc chắn là điều trên không ai ủng hộ và chấp nhận.
Tư tưởng chính trị hiện đại: Ngày nay, ai cũng biết quyền lực nhà nước đến từ sự ủy quyền của người dân, không còn kiểu Vua, cha truyền con nối nữa. Bất cứ ai muốn nắm quyền phải vận động tranh cử, phải có chương trình hành động mang lại lợi ích cho người dân, trên cơ sở đó thuyết phục họ bỏ phiếu bầu mình. Đây là sinh hoạt chính trị thành nếp ở các nước văn minh. Và gần như dân xứ nào hết chế độ vua chúa cũng biết và thực hiện như vậy.
Nghệ thuật biến hóa của đảng: Một điều thực tế là hiện nay nếu một cá nhân hay một tổ chức nào đứng ra cai trị nhân dân đời đời kiếp kiếp, “cha truyền con nối” mà không có sự ủy quyền của người dân đều là phi pháp dưới con mắt người dân cũng như thế giới. Vậy ĐCS muốn cai trị mãi mãi và muốn hợp thức hóa điều trên, họ làm thế nào?
Trước hết vấn đề phải hợp pháp hóa vị trí Vua của họ: ghi vào hiến pháp điều 4 để khẳng định quyền lãnh đạo độc tôn, toàn diện, mãi mãi không ai được quyền thay thế họ. Nên nhớ là hiến pháp này được quốc hội thông qua trên 99% đồng ý và điều đặc biệt ở đây là đến hơn 95% các đại biểu là đảng viên ĐCS. Đây là một điều phi pháp chưa có quốc hội nước nào làm trừ nước Đức dưới thời phát xít Hitler. Sẽ như thế nào nếu các nước dân chủ, khi đảng nào đó nắm quá bán ở quốc hội tiến hành bỏ phiếu sửa đổi hiến pháp điều tương tự. Thật nực cười đúng không? Rõ ràng đây là hành vi tiếm quyền phi pháp. Điều này cho thấy sự láo xược và phi pháp hiện nay của điều 4 hiến pháp. Đó là lý do vì sao ông Nguyễn Minh Triết phải hốt hoảng “bỏ điều 4 là tự sát”.

Điều biến hóa tiếp theo là: ĐCS không thể nhân danh thánh thần, thiên tử để đứng ra cai trị nên họ cần lập bình phong cho việc này. Họ lập ra các tổ chức hợp pháp: quốc hội, chính phủ, chủ tịch nước. Và họ đạo diễn việc bầu cử cho có tính dân chủ nhưng kỳ thực rất mị dân. Bởi lẽ: người được bầu là người họ cử ra (đảng cử-dân bầu), dân bầu ai không quan trọng vì cuối cùng thắng cử vẫn là người của đảng. Còn điều này nữa: đó là người tổ chức bầu, người giám sát, người kiểm phiếu, người công bố, truyền thông kết quả đều là người của đảng. Với vở kịch bầu cử này thì họ muốn có một con bò ra lãnh đạo cũng được: chỉ việc cử hai con bò ra ứng cử, thế nào cũng có một con trúng cử. Rõ ràng việc bầu bán là một trò hề, tốn thời gian, tiền của nhân dân. Họ đã ảo thuật việc nắm quyền phi pháp qua một vở kịch bầu cử. Đó là lý do vì sao có những  đại biểu quốc hội ngồi vào ghế chỉ để ngủ trong khi dân ở mọi miền lầm than.
Lãnh đạo cái xứ sở nhỏ bé, còn nghèo nàn này không phải một hệ thống quyền lực mà có hai hệ thống chạy song song từ trung ương đến địa phương: hệ thống đảng và hệ thống nhà nước. Cao nhất hệ thống đảng là bộ chính trị với vị tổng bí thư, cao nhất bên nhà nước là chính phủ với vị thủ tướng và buồn cười là vị thủ tướng cũng có chân ở bộ chính trị, dưới quyền vị tổng bí thư. Dân nghèo khổ nhưng phải è cổ đóng thuế để nuôi hai hệ thống cai trị này. Tại sao cần đến hai hệ thống? Vì một thực quyền nhưng phi pháp: đảng, một ảo nhưng hợp pháp và bù nhìn: chính phủ. Dân Việt thật sự bị nạn một cổ hai tròng.
Xưa khi nước ta dưới chế độ phong kiến tài sản đất nước: đất đai, rừng, biển là của Vua. Vua tuyển quan lại giúp việc mình, cấp bổng lộc cho họ, vua muốn lấy đất nơi nào, cấp cho ai là quyền của Vua, toàn bộ nguồn sống của một đất nước là của Vua. Vì vậy nhân dân ăn gì, uống gì, làm gì cũng nghĩ là ơn Vua. Ngày nay chuyện như vậy rõ là chuyện ngu muội. ĐCS đã biến điều ngu muội đó thành hiện thực thế nào?
Cũng giống như vua, họ cần có quyền hành với mọi tài sản, mọi kế sinh nhai trên đất nước. Tất nhiên không thể tuyên bố đất của đảng, nước của đảng, trời của đảng như Vua được. Vậy họ làm cách nào? Một ảo thuật tuyệt vời cho vấn đề này: sở hữu toàn dân, nhà nước quản lý. Cái thực thì họ nắm, cái danh thì dân giữ. Nghe đến sở hữu toàn dân “người dân ai cũng có phần ở nhà máy, sân bay, bến cảng, rừng vàng, biển bạc,….”, họ có vẻ vui sướng vì điều đó. Đó chỉ là cái danh hão, dù họ là kẻ hành khất xin ăn qua ngày cũng chẳng vì sở hữu đó mà khá hơn. Thực tế thì mọi nguồn sống, nguồn lực nằm trong tay đảng, vì sao vậy? Vì tất cả các cán bộ điều hành, quản lý từ chính quyền đến doanh nghiệp đều là người của đảng. Vì vậy mới có chuyện nực cười đảng muốn lấy đất của ai thì lấy, bồi thường mức nào do đảng quyết dù có phi lý đến mức không tưởng “bồi thường 5.000 m2 đất giá 2 triệu, giao cho chân tay bán lại giá vài tỷ”, nếu dân không tuân lệnh đảng sẽ dùng công an, quân đội cưỡng chế. Nếu có khiếu nại hoặc kiện cáo thì người điều tra, xét xử cũng là người của đảng. Nếu cần tranh luận thì đảng dùng bộ máy truyền thông khổng lồ của mình từ trung ương đến địa phương để lu loa hoặc bưng bít. Nên chú ý là tất cả các việc làm đó đảng sẽ dựa vào các bình phong “chính phủ, nhà nước” để hợp pháp hóa. Rõ ràng đảng khôn ngoan và thâm sâu.
Tất cả kế sinh nhai là nằm trong tay Đảng. Đất đai thì bị thâu tóm bởi chiêu bài sở hữu toàn  dân. Nhà máy, cơ sở công nghiệp thì chiêu bài quốc hữu hóa. Nếu ai đã trải qua giai đoạn bao cấp thì biết sự kinh hoàng khi nguồn sống nằm trong tay đảng với cái tem phiếu mua gạo. Còn nghiệt ngã hơn thời vua chúa. Hiện nay có nới lỏng hơn chút nhưng nguyên lý trên vẫn còn: đất đai, điện, xăng dầu, cảng biển, nhà máy, xí nghiệp quan trọng, viễn thông, truyền thông,….đều nằm trong tay điều khiển của đảng. Ai chống đảng trong cái xứ sở này là có nguy cơ không có đất dung thân. Đảng cai trị đất nước này đến mức mà nhiều người mẹ vì thương con mà phải răn “mẹ cấm con nói đến Hoàng Sa, Trường Sa hay Trung Quốc, hãy nghe theo đảng để sống yên ổn”.
Tính pháp lý của chức tổng bí thư: Chúng ta thấy một thực tế ở nước ta nguyên thủ đảng là nguyên thủ đất nước. Thực tế đó tồn tại là dựa trên sự dối trá, tiếm quyền bất hợp pháp của ĐCS hiện nay. Đúng lý ra nguyên thủ đất nước phải là do dân bầu vì quyền lực nguyên thủ đến từ sự ủy quyền của dân, họ phải do dân chọn. Ông Nguyễn Phú Trọng chỉ được các nước cùng phe nhóm: Cuba, TQ, Bắc Hàn xem là nguyên thủ, còn tất cả các nước có nền dân chủ đa nguyên không xem là nguyên thủ, chỉ xem như đảng trưởng của một nhóm người...
Trên đây là vài nét để quí độc giải nhận thấy tính dối trá, phi pháp hiện nay của ĐCS trong việc nắm quyền đất nước. Họ là một hình ảnh của chế độ phong kiến xưa kia: độc tôn, cha truyền con nối, nắm hết tài sản-sinh kế người dân trong tay. Chỉ khác là họ biến hóa một chút từ vài thủ đoạn xảo trá: bầu cử trò hề, lập quốc hội bù nhìn, lập chính phủ tay sai để họ điều khiển. Mọi quyền lực thực của đất nước nằm ở bộ chính trị mà cái bộ này chẳng do người dân bầu, nó là một nhóm chóp bu của một băng đảng mang tên ĐCS.
Kết luận: Lịch sử Việt Nam vẫn chưa qua chế độ phong kiến thối nát mà còn tệ hơn chế độ phong kiến. Chỉ có một sự khác biệt nhỏ là thay vì một vị là làm Vua, chúng ta có Vua tập thể với 14 vị. Điều cay đắng là 14 vị này lại không có trách nhiệm với giang sơn đất nước như đấng thiên tử xưa kia, thưa đồng bào!
K.s Nguyễn Văn Thạnh( tác giả gởi bài đên blog nầy)

KINH TẾ THỊ TRƯỜNG-TÀN BẠO VÀ NHÂN ĐẠO

KINH TẾ THỊ TRƯỜNG-TÀN BẠO VÀ NHÂN ĐẠO


       Cơ chế thị trường, Nhà nước pháp quyền, Định chế dân chủ là hệ thống vận hành xã hội của loài người văn minh. Hệ thống đó là kết quả dò tìm và đấu tranh bằng xương máu của nhân loại qua hàng trăm năm mới hình thành nên. Nó là sự chắc lọc bằng thực tiễn qua nhiều thế kỷ bởi bao nhiêu quốc gia, nên nó là giải pháp vận hành ưu việt nhất của nhân loại hiện nay và chưa có giải pháp nào hay hơn để thay thế. (Con Đường của chúng ta) .
 Vì sao cơ chế thị trường phải đi đôi với định chế dân chủ, bài viết sau đây của KS Nguyễn Văn Thạnh giúp chúng ta hiểu rõ ra điều ấy. 
  
 KINH TẾ THỊ TRƯỜNG-TÀN BẠO VÀ NHÂN ĐẠO                                                                    
                                   KS Nguyễn Văn Thạnh
Ai cũng nói tư bản là xấu xa, mấy ai hiểu nó thực chất là gì?

Kinh tế thị trường: Là một mô hình kinh tế dựa trên sự thừa nhận sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, thừa nhận quyền tự do sản xuất và kinh doanh. Quyền này được xem như một quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của con người. Tất cả những quyền trên được xã hội bảo vệ về mặt luật pháp. Kinh tế thị trường là lối làm ăn thuận mua vừa bán và dùng tiền là vật trung gian để trao đổi. Tiền trở thành vật có đầy quyền năng; có tiền nghĩa là có thể mua tất cả những gì người khác muốn bán. Hoạt động kinh tế là hoạt động kiếm tiền và tiêu tiền.
Lịch sử kinh tế thị trưởng manh nha thời phong kiến khi con người làm ra sản phẩm ngoài tự tiêu còn dư đem bán. Kinh tế thị trường xác lập và phát triển mạnh mẽ khi chủ nghĩa tư bản ra đời. Trong guồng máy kinh tế thị trường, mọi hoạt động kinh tế hướng đến một mục tiêu duy nhất: lợi nhuận. Mọi nhà máy trên địa cầu này: từ sản xuất đơn giản như cây kim sợi chỉ đến phức tạp như máy bay Boeing đều giống nhau một điểm duy nhất: chế tạo lợi nhuận. Lợi nhuận là mục tiêu tối thượng của tất cả doanh nghiệp, của guồng máy kinh tế. Lợi nhuận với doanh nghiệp như hơi thở của con người. Mọi hoạt động kinh tế không tạo ra lợi nhuận sẽ bị phá sản, chấm dứt, dẹp tiệm. Một nền kinh tế sôi động, trăm ngàn ngành nghề, doanh số hàng năm lên đến 15.000 tỷ USD như Hoa Kỳ chỉ có một định hướng duy nhất: lợi nhuận (tất nhiên là lợi nhuận hợp pháp).
Tàn bạo: Nền kinh tế thị trường là một cuộc chơi của đồng tiền. Có lợi nhuận là có tiền, có tiền là có tất cả, là ông chủ, là ông hoàng, có kẻ hầu người hạ, có quyền uy, có sự tôn trọng; ngược lại không có lợi nhuận là phá sản, là nghèo mạt, là ăn mày, sống vất vưởng đầu đường xó chợ. Trong nền kinh tế thị trường không tạo ra lợi nhuận là thất bại, là thảm họa cho bản thân và gia đình. Đã làm ăn thì phải tính đến lợi nhuận, nếu không có lợi nhuận là tự treo cổ mình. Lợi nhuận là tối thượng là trên hết trước cả tình người. Nó giống như việc một người lính ra chiến trường, không có sự lựa chọn khi bóp cò súng: tôi không bắn anh thì anh bắn tôi. Kinh tế thị trường là một cuộc chơi lạnh lùng và khốc liệt. Câu nói “thương trường là chiến trường” nói lên tất cả. Kinh tế thị trường là một cuộc chơi lạnh lùng buộc người chơi phải nghĩ đến mình trước tiên. Vì sự sống còn của lợi nhuận mà các hành vi sau được áp dụng: trả lương nhân viên thấp nhất có thể, bán hàng giá cao nhất có thể, gây ô nhiễm môi trường nhiều nhất có thể để tiết kiệm chi phí, thay thế nguyên liệu có giá thành thấp hơn, chấp nhận nguy cơ độc hại, bán hàng lừa đảo, xả thải ô nhiễm,…..cho đến cấu kết với công quyền để trục lợi, chèn ép người nghèo, người yếu thế,…..Chính động lực có tiền làm phát sinh các quốc nạn: tham nhũng, hối lộ, bẻ cong luật pháp, lọc lừa công lý,…..thậm chí là chiến tranh: cầm súng giết nhau giữa các phe nhóm và dân tộc. Nạn mafia, buôn người,…..cũng do đồng tiền thúc đẩy. Nếu liệt kê các hành vi tội ác, tàn bạo gây hại con người, xã hội do động cơ tiền bạc thì không thể kể xiết. Con người có xu hướng hành động vì quyền lợi cá nhân hơn là quyền lợi cho cộng đồng. Đặt quyền lợi nặng hơn đạo đức. Vì lợi ích của mình, kẻ khôn lanh có thể đẩy cả xã hội vào khốn đốn, điêu tàn.
Nhân đạo: Kinh tế thị trường phải đi liền với nền chính trị “dân chủ tự do, đa nguyên, tam quyền phân lập, báo chí tư nhân”. Trong môi trường chính trị đó luật pháp nghiêm minh, mọi hành vi giả dối sẽ bị nghiêm trị, mọi hành vi mua chuộc, bẻ cong công lý đều bị phanh phui đến nơi đến chốn. Và một điều đặt biệt nữa là kinh tế thị trường phát minh ra một công cụ tự kiểm soát nó: tính thương hiệu. Nền kinh tế thị trường với nền chính trị dân chủ như hai chân của con người. Hai chân đó không đi với nhau sẽ sinh ra khập khiễng nghiêm trọng hoặc tạo ra thảm họa. Trường hợp kinh tế thị trường có đuôi định hướng XHCN của chế độ độc đảng cộng sản là một minh chứng sẽ bàn ở bài viết sau.
Về mặt chính trị & luật pháp:: Chính trị phải phục vụ kinh tế, phục vụ cho việc làm ăn, cho nên không có những kiểu đánh tư sản éo le, tàn phá kinh tế. Mọi chính sách phải phục vụ mục tiêu tối thượng là phát triển kinh tế. Vì người dân nắm kinh tế, nắm kế sinh nhai nên một chính sách ban ra phải đạt được sự đồng thuận cao, nếu bị ảnh hưởng họ sẽ phản đối mạnh mẽ. Chính điều này và thiết chế chính trị đa nguyên, đa đảng và nền báo chí tự do, tư nhân nên nền dân chủ bảo đảm giữ vững mà không bị phe nhóm nào thao túng, lũng đoạn. Chính vì có kinh tế trong tay, không phụ thuộc bao cấp từ nhà nước nên người dân có tự do, có tiếng nói mà không phải sợ chính quyền như dân các nước cộng sản bị chính quyền nắm yết hầu kinh tế. Nền chính trị dân chủ đã tạo ra luật pháp nghiêm minh, tính thượng tôn luật pháp rất cao. Trên nền luật pháp đó lòng tham về lợi nhuận chỉ có thể được thỏa mãn qua những hoạt động kinh doanh đúng luật, mang lại ích lợi cho xã hội. Tất cả những hành vi kiếm tiền bẩn thỉu, lợi mình hại người đều bị trừng phạt thích đáng.
Về mặt sản xuất: Kinh tế thị trường đã tạo ra một cơ chế để con người nỗ lực lao động, làm việc kiếm tiền làm giàu, không ngại khó khăn gian khổ, thức khuya dậy sớm, lên rừng, xuống biển để đi kiếm tiền. Suy nghĩ tìm tòi, phát hiện những nhu cầu, dù nhỏ nhặt nhất trong xã hội để thỏa mãn thị trường. Từ động cơ kiếm tiền dưới sự đảm bảo của một luật chơi minh bạch, công bằng như một mảnh đất nhiều dinh dưỡng giúp cho trăm hoa đua nở, trăm ngàn dịch vụ ra đời, trăm ngàn sản phẩm được nghiên cứu chế tạo, chuyên chở buôn bán. Hệ quả là của cải vật chất làm ra dồi dào, dịch vụ tận nơi, cuộc sống con người luôn được bảo đảm thoải mái nhất, tốt nhất, miễn là có tiền để chi trả. Mạch máu của nền kinh tế-ngân hàng trung ương-độc lập với chính phủ không bị lũng đoạn bỡi kẻ nắm quyền. Do điều này nên nạn lạm phát được khống chế tối đa. Nền kinh tế không bị giật dây tạo thành tích theo ý lãnh đạo rồi để lại hậu quả lạm phát kinh hoàng.
Về giáo dục: nền kinh tế tư nhân cạnh tranh mạnh mẽ, chính trị đa nguyên cạnh tranh lãnh đạo nên đòi hỏi một nguồn nhân lực thực chất, một con người thật sự tài năng, nếu không sẽ bị xã hội đào thải. Môi trường đó không có chỗ dung thứ cho kẻ dốt mà có bằng cấp cao. Chính điều này buộc người học thực học, nỗ lực cho việc học. Nền giáo dục tư nên trường ra sức giảng dạy, nghiên cứu, trao học bổng khuyến khích nhân tài nhập học để xây dựng giá trị thương hiệu cho trường. Tất cả những điều trên giúp cho ngành giáo dục phát triển rực rỡ, giáo viên thu nhập thỏa đáng, yêu nghề, tận tâm tận lực với nghề. Các quốc nạn học giả, sính bằng cấp, người học gian dối, giáo viên lương bổng chết đói, sống ngoắc ngoải không có đất để tồn tại.
Công bằng xã hội: Kinh tế thị trường ban đầu có cảm giác tạo ra sự khốc liệt, sự bất công nhưng kỳ thực chính nó là công cụ giúp tạo ra công bằng xã hội tốt nhất. Công bằng ở đây là công bằng về cơ hội, về năng lực, về khả năng lao động và thụ hưởng chứ không phải kiểu công bằng quái thai: cào bằng như CNCS. Môi trường chất lượng giáo dục tốt, con người có cơ hội được phát triển kỹ năng. Nền kinh tế tự do khai sinh hàng trăm ngành nghề, hàng ngàn xí nghiệp tạo nhiều cơ hội nghề nghiệp cho người lao động (trí lực, sức lực). Sự cạnh tranh nguồn nhân lực giữa các doanh nghiệp làm cho thị trường lao động tiến đến điểm có lợi cho người làm công ăn lương (được trả lương cao, môi trường làm việc tốt hơn). Cũng vì sự cạnh tranh làm cho thị trường hàng hóa tiến đến điểm có lợi cho người tiêu dùng (hàng hóa chất lượng, giả cả rẻ). Điều đặc biệt là nền kinh tế tự do đã phát minh ra một kiểu hợp tác làm ăn mới: công ty cổ phẩn. Với hình thức cổ phiếu đã cho phép những người công nhân với số vốn ít ỏi vẫn có thể tham gia sở hữu công ty để cùng chia lợi nhuận. Một điều nữa “có thực mới vực được đạo” khi nền kinh tế mạnh thì vấn đề nhân đạo hoặc các chính sách an sinh xã hội có điều kiện thực thi tốt. Xã hội an toàn và nhân văn cao. Môi trường sống được bảo vệ tốt nhất. An toàn thực phẩm được bảo đảm.
Khoa học & động lực sáng tạo: chính sự cạnh tranh của các thành phần kinh tế để thúc đẩy sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, sáng tạo ra sản phẩm mới lạ có tính cạnh tranh cao đã thúc đẩy khoa học phát triển. Rất nhiều sản phẩm công nghệ cao, rất nhiều lĩnh vực kỹ thuật tân kỳ được chính các công ty tư nhân phát minh và ứng dụng: máy tính, máy bay, phim ảnh,….Một điều nữa là chính nền hành pháp nghiêm minh, tôn trọng bản quyền, tôn trọng thương hiệu đã không phá hỏng sân chơi sáng tạo như bên các nước CS. Bất kỳ công dân nào có thể từ tay trắng cũng có thể phút chốc thành tỷ phú nếu họ có phát minh sáng kiến giúp ích cho cộng đồng.
Kinh tế phát triển nó tự khắc thúc đẩy các ngành khác phát triển: nghệ thuật, phim ảnh, âm nhạc, hội họa, thơ ca,…...Phú quý sinh lễ nghĩa, khi kinh tế thịnh vượng, luật pháp nghiêm minh thì xã hội chan chứa tình người. Sống các nước như Canada, Bắc Âu, Úc,…bạn sẽ thấy điều trên.
Kết luận: Kinh tế thị trường tự do đã có một cuộc hành trình ngoạn mục, đi từ hình thức tưởng chừng tàn bạo sang nhân đạo. Ban đầu vì thiết chế chưa theo kịp nên tạo ra nhiều hậu quả từ lối làm ăn tự do, loài người cứ ngỡ đây là mô hình xã hội xấu xa, tàn bạo. Theo thời gian nó dần điều chỉnh để mang lại hoa thơm quả ngọt cho đời, cho nhân loại. Chính cái quyền được làm ăn tự do đã đưa đến kết quả thịnh vượng, xóa đói giảm nghèo lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
Chúng ta lại nhớ đến vị thủ tướng lập quốc của một đảo quốc nhỏ bé-Singapore-nhưng thịnh vượng hàng đầu thế giới: ông Lý Quang Diệu. Ban đầu ông muốn xây dựng Singapore thành quốc gia XHCN theo chủ nghĩa Mác nhưng ông đã đổi ý. Trả lời cho nhà báo về sự đổi ý trên ông nói ngắn gọn: làm ra rồi mới có cái để cho. Đây vừa là điều đơn giản vừa là điều vĩ đại đã bẻ lái đưa dân tộc Singapore đến phồn vinh hôm nay.
Tất cả những điều chúng ta vừa bàn đến chính là nền kinh tế của một mô hình xã hội bị các đảng cộng sản trên thế giới bêu riếu là xấu xa, giãy chết: CHỦ NGHĨA TƯ BẢN.
blog huynhngocchenh va KS nguyenvanthanh

Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

Báo chí cách mạng: hồng và chuyên

Báo chí cách mạng: hồng và chuyên


Bài viết nhân ngày Báo chí cách mạng, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng:Việt Nam phải có tập đoàn truyền thông mạnh và chủ trương Xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên.

Như các ngành khác nói chung đòi hỏi 2 yếu tố Hồng và Chuyên, ngành báo chí tuyên truyền còn yêu cầu sâu sắc hơn thế. Báo chí phương Tây, là "quyền lực thứ 4" tương đối độc lập với chính quyền, chỉ là một phương tiện chuyên nghiệp, không có yếu tố Hồng. Trước đây, hệ thống truyền thông này được xem là lực lượng phản động quốc tế, ngày nay được gọi nhẹ nhàng hơn thành "các thế lực thù địch".

Sinh thời, Bác Hồ đã nói báo chí là một mặt trận; nhà văn nhà báo là các chiến sĩ; ngòi bút của họ là vũ khí; từng câu chữ là những viên đạn bắn vào quân thù.



Những ngày đầu, khi cách mạng còn trong trứng nước, Đảng ta đã xem báo chí là mặt trận quan trọng nhất. Hai công tác khẩn trương đó là Tổ chức và Tuyên truyền. Tổ chức đảng và tổ chức quần chúng đấu tranh, tổ chức tới đâu tuyên truyền tới đó. Rồi trên cơ sở tuyên truyền mà phát triển tổ chức, trên cơ sở tổ chức mở rộng mà phát triển tuyên truyền, cứ thế như là một phản ứng dây chuyền. Trước cách mạng Tháng tám chỉ có 4 ngàn đảng viên, ngày nay Tổ chức đã phát triển thành một hệ thống chính trị đến tận cơ sở tổ khóm mà nòng cốt là hơn 3 triệu đảng viên. 

Khẳng định Tuyên truyền bao giờ cũng là một mặt trận đấu tranh tư tưởng ngay từ khi đảng ta còn chưa nắm quyền lực cai trị. Từ yêu cầu không tách rời hai tiêu chuẩn Hồng và Chuyên, đảng ta kiên quyết không bao giờ chia sẻ lĩnh vực truyền thông công cộng và xuất bản báo chí cho tư nhân.

Phương châm của báo chí cách mạng: phải trung thành tuyệt đối với đường lối của đảng đồng nghĩa với việc khẳng định đường lối của đảng luôn luôn đúng và tốt đẹp; các thế lực thù địch luôn luôn xấu và sai.

Tiêu chuẩn Hồng: là chiến sĩ trên mặt trận văn hoá, lựa chọn tốt nhất là những đảng viên. Nếu chưa là đảng viên, người làm công tác báo chí phải tâm niệm rằng anh được đảng trả lương, anh phải làm những việc đảng yêu cầu như là một đảng viên thực thụ.

Báo chí phanh phui những việc lợi dụng chính sách để trục lợi, chẳng hạn như độc quyền trong nhập khẩu thuốc tân dược tức là đã đi ngược lại với chủ trương tất yếu sẽ bị đình chỉ công tác, bị khởi tố trong trường hợp phóng viên Lan Anh. Hoặc việc gài bẫy để tố cáo việc CSGT tống tiền mãi lộ của phóng viên Hoàng Khương, hậu quả là đã bị tống giam và khởi tố vụ án hình sự.

Tiêu chuẩn Chuyên: tức chuyên môn, có đào tạo chuyên nghiệp. Như là, người lính biết bắn súng; phi công biết lái máy bay; kỹ sư biết lập đồ án công trình etc. Trong ngành báo chí tuyên truyền, nhà báo phải biết thủ thuật để đánh lạc hướng dư luận; sớm phát hiện được những đồng nghiệp đi chệch lề; lèo lái dư luận quần khỏi những bức xúc về quyền lợi của họ; hướng bức xúc của dư luận vào những điểm có lợi cho mục tiêu trường kỳ cai trị của đảng. 

Từ trước đến nay, lợi dụng tính chất khó dự trữ của lúa gạo, VFA hay dùng chiêu ngưng xuất khẩu để dìm giá thu mua gạo. Cộng với chính sách không hỗ trợ tín dụng cho nông dân trồng lúa, nông dân buộc phải bán lúa vừa thu hoạch với giá thấp để trả nợ. Nay một hướng mới là bán cho thương nhân Trung Quốc được giá cao hơn. Lập tức báo chí lên án các thương nhân nước ngoài như là hành vi gian thương.


Nói gọn hơn đó là đường lối tô hồng bôi đen của báo chí cách mạng.

Khách của Ngân hàng và nền kinh tế xe máy

Khách của Ngân hàng và nền kinh tế xe máy


Dân ta vốn yêu chuộng tự do, nhất là tự do đi lại bằng xe gắn máy. Tình cảm này được hun đúc từ thời mà chiếc xe đạp Phượng Hòang là một gia tài. Ngày nay nó càng được củng cố bởi các công ty cung cấp xăng dầu.

Ở những thành phố đông dân, có hai phương tiện đi lại là công cộng và cá nhân.Tuy số lượng doanh nghiệp kinh doanh vận tải tiện công cộng không nhiều hơn số lượng nhà cung cấp xăng dầu nhưng họ lại có khả năng đấu tranh đòi hỏi mức giá nhiên liệu công bằng. Trái lại, chủ phương tiện cá nhân có số lượng hàng triệu lại không đòi hỏi về giá mà chỉ có mong muốn tột cùng là có đủ xăng để đi lại. Loại khách hàng thứ hai sẽ bảo đảm lợi nhuận cho các công ty cung cấp xăng dầu nên sẽ được ưu tiên trong chính sách về quy hoạch giao thông.

***



Cuộc họp khẩn cuối tháng 5 của Chính phủ với nội dung vực dậy nền kinh tế đang có nguy cơ đình đốn. Mấu chốt là chủ trương hạn chế đầu tư vào BĐS đã trở thành quá đà, cần phải quay ngược 180 độ.

Tình trạng hiện nay là "ế vốn" được các chuyên gia đem ra mổ xẻ. Ngân hàng không muốn cho các DN BĐS vay vốn để hoàn thiện công trình mà định hướng cho cá nhân vay tiền dài hạn rồi dùng tiền đó đóng cho doanh nghiệp BĐS (hay còn được gọi là chủ đầu tư).

Kinh nghiệm xương máu của giới chủ ngân hàng, khi món nợ trở thành xấu thì việc buộc phải xiết nợ là vấn đề của ngân hàng chứ không phải của các doanh nghiệp BĐS. Nhưng đối với cá nhân người mua nhà thì khác, bị xiết nhà là cơn ác mộng. Ở đây ngân hàng đã khéo léo chuyển vấn đề của ngân hàng thành vấn đề của người mua nhà trong viễn cảnh tình hình kinh tế bấp bênh như hiện nay.

Bơm tiền cứu ai

Bơm tiền cứu ai


Sau một năm thực hiện, Nghị quyết 11 về siết đầu tư BĐS và siết chặt tín dụng đã phát huy tác dụng. Lãi suất cao làm hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa, cầu tín dụng giảm, ngân hàng thừa tiền. DN đóng cửa, người lao động mất việc làm, tổng thu nhập xã hội giảm, hàng hóa tồn kho nhiều tới mức không dám tăng giá, chỉ số CPI chựng lại. Siết BĐS gây ứ đọng vật tư đồng nghĩa với không có khả năng tăng giá, lạm phát giảm.

Trái với nền kinh tế hàng hóa thông thường, cung vượt cầu gây ra giảm phát, ở Việt Nam cung giảm mà cầu cũng giảm trong đó cầu giảm nhiều hơn cung, tạo ra "dư cung" do giảm sức mua. Hiện tượng đó gọi là đình đốn, rất dễ chuyển thành lạm phát khi mức cung giảm hơn mức cầu tối thiểu.

Trước viễn cảnh đình đốn, gói hỗ trợ trị giá 29 ngàn tỷ được bộ Tài chính đề xuất. Để tiện so sánh, tổng mức đầu tư tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu trị giá 22 ngàn tỷ đồng. Lập tức phản ứng của "các chuyên gia" là gói 29 ngàn tỷ chưa đủ mức hoặc chưa đủ tầm hoặc quá yếu ớt.

Nắm bắt cơ hội, chính phủ quyết định "bơm thêm" mỗi tháng 25 ngàn tỷ trong suốt 8 tháng còn lại của năm từ nay đến cuối năm. Nguồn chi được thuyết minh là từ khoản chiết giảm đầu tư công 240 ngàn tỷ.

Nếu chỉ để hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách miễn giảm thuế thì không cần phải "bơm" mà chỉ cần cắt giảm đầu tư công để cân bằng ngân sách. Bên cạnh hỗ trợ thuế, chính phủ chủ trương hạ lãi suất và đặc biệt là, xin trích "bơm thêm 25.000 tỷ đồng từ nay đến cuối năm, giải quyết tình trạng ngân hàng thừa tiền", hết trích.

Mấu chốt là ở chỗ, trong khi ngân hàng thừa tiền mà nhà nước lại bơm thêm có ý nghĩa gì?
Một là, "hỗ trợ" lợi nhuận cho ngân hàng,
Hai là, giải quyết vấn đề thanh khoản cho ngân hàng.

Những khoản đầu tư có ích như xây dựng giao thông lại bị cắt giảm hoặc bị tống tiền bằng phí lưu hành và phí bảo trì đường bộ trong khi tiếp tục "bơm tiền" cho ngân hàng mà thực chất là cứu nợ xấu.

Cứu lạm phát bằng cách "bơm tiền", nay cứu giảm phát cũng bằng cách "bơm tiền". Điều gì đang chờ đợi chúng ta ở phía trước? 

Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2012

Tiền đi đâu thời lạm phát

Tiền đi đâu thời lạm phát

Tiền ở đây không phải tiền chung chung như vàng hay đô la, mà là tiền cụ thể - nội tệ. Lạm phát xứ ta, khỏi chứng minh ai cũng biết. Chỉ số CPI năm, tháng 4 vừa rồi là 17.5%. Nguyên nhân lạm phát là do nhà nước phải in tiền để bù phần bội chi, để trả nợ đậy cho những tập đoàn kinh tế nắm quyền chủ đạo.

Trong điều kiện tiền mất giá hàng tháng hàng ngày, không ai muốn giữ tiền mà náu thân vào những thứ tiền được bảo đảm giá trị khác như là vàng hay đô la. Tiền mặt là thứ có tính thanh khoản mạnh nhất nhưng ai cũng muốn tống khứ nó đi. Vậy nó đi đâu khi mà thị trường luôn luôn khan hiếm tiền mặt, ngân hàng phải nâng cao lãi suất huy động vượt trần. Ai là người giữ tiền? Câu trả lời là: chính chúng ta - những nạn nhân của nạn lạm phát.

Chuyện kể cách nay không lâu lắm, khoảng cuối thập niên '70 cho tới '80, thời ấy máy thu truyền hình gọi bằng ti vi (chữ là TV - television) là một tài sản có giá trị đến mức không phải gia đình nào cũng có. Có thể cả một khu phố mới có một chiếc tivi đen trắng mua từ Đông Âu về. Sau 75 nguồn tivi từ miền Nam dồi dào hơn nhưng khác hệ phải điều chỉnh linh kiện đôi chút.

Khi đó tivi là một gia tài, chỉ những gia đình khá giả, nhà rộng, làm nghề có thu nhập cao như buôn bán hoặc lái xe mới mua được. Nhà nào có tivi đến chương trình chiếu phim hay văn nghệ cả xóm già trẻ lớn bé kéo nhau sang xem đông vui như ở đình làng. Đi xem nhờ tivi nhà hàng xóm là một quyền đương nhiên được dư luận thừa nhận, ai cũng có thể đến lót dép ngồi mà không cần xin phép.

Ảnh dựng, thực tế đông hơn

Tuy nhiên tivi là một máy điện tử có tuổi thọ nhất định và thường hay hỏng vặt. Sắm được cái tivi tốn một mớ bạc nên chủ nhân phải quan tâm đến tuổi thọ của nó. Có người đi học ở Đông Âu về đưa ra lập luận Nếu một người xem tivi bền tới 10 năm thì 10 người xem tivi chỉ thọ được một năm. Với trình độ nhận thức như hiện nay, ai cũng biết không phải như vậy, tất nhiên tuổi thọ tivi không phụ thuộc vào số người xem nó.

Việc sử dụng tiền trong xã hội cũng giống như xem tivi vậy. Tiền biến thành vốn tức là được ký thác ở ngân hàng, hiệu quả sử dụng của nó sẽ được tăng lên gấp bội, tức là cùng lúc được nhiều doanh nghiệp sử dụng. Một quá trình đơn giản nhất từ nguyên vật liệu đến tiêu dùng trải qua các công đoạn cơ bản sau: Mua vật liệu - Chế tạo sản phẩm - Bán buôn - Bán lẻ - Người tiêu thụ cuối cùng, quá trình trên gồm 5 giao dịch. Nếu không có tín dụng, tức là phải dùng vốn tự có, cả 5 giao dịch trên mỗi giao dịch sẽ phải chuẩn bị một lượng tiền mặt tương đương giá trị sản phẩm, nghĩa là số tiền mặt cần thiết gấp 5 lần giá trị hàng hóa. Mặt khác nếu có tín dụng, ở đây có thể là vay bảo lãnh hoặc trả chậm, số tiền mặt cần thiết là số tiền mà người mua cuối cùng phải trả, chỉ bằng 20% so với giả thiết ban đầu. Trên thực tế, chuỗi vận động của hàng hoá cần phải có sự tham gia của nhiều hơn 5 chủ thể.

Do tác động của yếu tố lãi suất cao, các bạn hàng không cho nhau trả chậm, mà bắt buộc phải tiền trao cháo múc. Nói theo thuật ngữ của dân tài chính là Tiền không chịu biến thành Vốn, cho nên hiểu theo đúng nghĩa là Vốn thì thiếu nhưng Tiền thì quá nhiều (không hề thiếu tiền, mà chỉ là Tiền không thành Tư bản).

Tiền dằn túi

Mặt khác, do giá cả hàng hóa tăng, người tiêu thụ phải giữ trong tay một lượng tiền nhiều hơn trước, số lượng tiền cần thiết phải có trong tay nhiều hơn cả số giấy bạc mà nhà nước đã in ra vô tội vạ.

Ngày trước, đi xem nhờ tivi nhà hàng xóm, ai cũng cảm thấy như thế là đủ. Ngày nay, không nhà nào không có tivi nhưng hầu như ai cũng thấy thiếu, sao không đặt tivi ở nhà bếp, thiếu tivi ở nhà tắm.

CPI âm nhưng lạm phát chưa được loại trừ

CPI âm nhưng lạm phát chưa được loại trừ


Chỉ số giá hàng tiêu dùng CPI được dùng để đo lường lạm phát. Chỉ số Lạm phát thường so sánh với lãi suất tiền gửi ngân hàng để cân nhắc có nên ký thác tiền mặt vào ngân hàng hay mua vàng cất trữ để bảo toàn vốn. Do đó cũng như lãi suất tiền gửi, chỉ số Lạm phát cũng được tính theo năm.

Theo đó, từ đầu năm đến nay mức độ tăng của chỉ số CPI theo năm giảm dần lần lượt là 17.23% trong  tháng Giêng, 15.96% tháng Hai, 13.68% tháng Ba, 10.08% tháng Tư, 7.89% tháng Năm và còn 6.45% trong tháng Sáu.



Để giảm nhẹ tỷ lệ lạm phát, cục thống kê thường công bố chỉ số CPI là giá của kỳ hiện tại so với giá tháng trước. Theo đó, CPI từ tháng Giêng đến tháng Năm lần lượt là +0.97%, +0.98%, +0.16%, +0.05% và +0.18%. Riêng tháng Sáu giá bình quân giảm 0.26% so với giá bình quân tháng 5. Điều này đang được bộ máy tuyên truyền ngợi ca như là một kỳ tích về thành quả của công cuộc chống lạm phát và cảnh báo nguy cơ giảm phát.

Tiết lộ về chi tiết tính toán chỉ số CPI cho thấy: 
- Mặt hàng ăn uống (trọng số 40%) giảm 0.23% bao gồm lương thực giảm 0.78%, thực phẩm giảm 0.31% nhưng giá nhà hàng tăng 0.6%.
- Giá nhà ở giảm 1.21%
- Vật liệu xây dựng giảm 1.64%
- Viễn thông giảm 0.02%
- Văn hóa giải trí giảm 0.27%
- Giày dép, quần áo tăng 0.64%

Lạm phát có giảm nhưng chưa phải âm

Ta cùng phân tích những yếu tố tạo ra giá giảm trong bối cảnh từ đầu năm số doanh nghiệp đóng cửa lên đến vài chục ngàn, chỉ riêng tháng 5 đã có 4100 doanh nghiệp đóng cửa kéo theo đội quân mất việc làm, mất thu nhập làm giảm đáng kể lượng Cầu.

Tuy lạm phát nhưng giá lúa mấy năm gần đây hầu như không tăng. Hiện VFA chưa cho xuất khẩu để ghìm giá nên giá lúa tươi tại ruộng không quá 4000 đ/kg và những người trữ lúa khô còn không bán được.

Lương thực thực phẩm giảm giá do không tiêu thụ được chứ không phải do giá thành hạ. Thực tế nếu nhà nông phải mướn ruộng để canh tác thì giá thành sẽ cao hơn giá bán.

Số lượng khách giảm làm tăng giá thành của nhà hàng nên tuy giá nguyên liệu giảm nhưng giá dịch vụ ăn uống không giảm mà còn tăng.

BĐS đóng băng do tác dụng của Nghị quyết 11 làm giá BĐS giảm làm giảm nhu cầu tăng tồn kho VLXD kéo theo giá VLXD giảm là điều tất nhiên. Tuy nhiên, BĐS là tài sản chứ không phải hàng tiêu dùng, nên đưa giá BĐS vào rổ hàng hóa để tính CPI là không hợp lý.

Quần áo giày dép là hàng tiêu dùng công nghiệp, giá lại tăng chứng tỏ năng suất lao động không được cải thiện, hàng sản xuất có giá thành còn cao. Đồng thời, lãi suất cao trong thời gian vừa qua phối hợp với sức Cầu giảm làm sản xuất càng bị thu hẹp.

Vậy giá hàng hóa giảm do kiệt quệ sức mua chứ không phải do dư Cung, nên nguy cơ lạm phát sẽ bùng nổ khi hàng hóa cạn nguồn hàng tồn kho.

Nguồn tham khảo:
49 ngàn doanh nghiệp giải thể trong 9 tháng (DV)
4100 DN giải thể trong tháng 5 (cafef)
CPI giảm lần đầu tiên sau 2 năm (vnex)
CPI lần đầu tiên ở mức âm sau 38 tháng (vnex)
Doanh nghiệp tắc thở vì hàng tồn kho (TN)
Kinh Tế VN Giảm So Với 2011: Xuất Khẩu Bằng 1/4 Năm Cũ; Sản xuất công nghiệp bằng 1/2 cùng kỳ năm trước, tồn kho 34,9% (vietbao)

Nợ xấu đe dọa ai

Nợ xấu đe dọa ai


Nợ xấu đang được báo chí nâng tầm quan trọng lên như một cao trào. Số liệu về nợ xấu ngày hôm nay khác với số liệu ngày hôm qua và cũng số liệu đó sẽ trở nên lạc hậu vào ngày mai.
Theo báo cáo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tốc độ tăng trưởng nợ xấu là một con số đẹp, bình quân 8.6% mỗi tháng và nợ xấu hiện nay chiếm 8.6% tổng dư nợ.

Nợ xấu là cái gì mà đem lại mối bận tâm cho toàn bộ hệ thống chính trị?
Với một người nội trợ, nợ xấu có ảnh hưởng bằng lạm phát hay không?

Nợ là nghĩa vụ phải trả gắn liền với một khoản vay. Một giáo sư Kinh tế học của Việt Nam đã từng nói đại ý Một doanh nghiệp không có nợ thì không phải là một doanh nghiệp. Quy trình vay là Vay - Kinh doanh - Trả nợ vay. Quy trình này không thực hiện được đến cuối cùng thì được gọi là nợ xấu.

Muốn vay ngân hàng một khoản tiền, doanh nghiệp phải thế chấp cho ngân hàng một tài sản có giá trị lớn hơn món tiền vay đó. Thông thường ngân hàng cho vay số tiền tối đa bằng 70% giá trị tài sản thế chấp, giá trị tài sản thế chấp này do ngân hàng định giá với sự đồng ý của người đi vay, thông thường bằng 70% giá trị thực tế giao dịch trên thị trường.

Theo khế ước vay, khi đáo hạn mà không trả cả vốn lẫn lãi thì người vay phải chịu bị phạt quá hạn, quá thời hạn ghi trong khế ước mà người vay không trả thì ngân hàng có quyền tịch biên tài sản thế chấp, phát mãi để thu hồi vốn, quyết toán công nợ với người vay. Rõ ràng là ngân hàng hoàn toàn nắm đằng chuôi, nợ xấu không phải là vấn đề của ngân hàng mà là vấn đề của người đi vay.

Đối với người gửi tiền, ký thác cho ngân hàng một số tiền để hưởng một khoản tiền lãi định kỳ mà vẫn giữ được giá trị món tiền gốc. Vậy kỳ vọngcủa người gửi tiền là tiền lãi chứ không phải tiền gốc. Và lợi ích của người gửi tiền gắn liền với lợi ích của ngân hàng. Ngân hàng bảo toàn được vốn đồng nghĩa với tiền của người gửi được bảo toàn. Thực tiễn, những người gửi tiền bình chân như vại, ung dung hưởng lãi tiền gửi mà không e sợ nguy cơ nhận tiền bồi thường của bảo hiểm tiền gửi. Cho đến nay chưa thấy có dấu hiệu người gửi rút tiền hàng loạt.

Một chủ thể khác là Nhà nước, Nhà nước xem Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) không phải là doanh nghiệp quốc doanh mà là DN Trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV). Theo đó, nợ của DNNN do DN đó chịu trách nhiệm, không phải là nợ công. Việc nợ xấu cao hay thấp không ảnh hưởng gì đến sự điều hành của chính phủ hay nói cách khác Chính phủ không có can dự trong việc nợ nần của DNNN.

Về phần doanh nghiệp, các doanh nghiệp đóng cửa hàng loạt không phải vì nợ xấu mà vì chịu tác động đồng thời hai yếu tố vừa chi phí cao vừa sức mua giảm. Lạm phát làm sức mua của dân chúng giảm sút và lãi suất của ngân hàng cao dẫn đến tăng chi phí sản xuất.

Phải chăng, nợ xấu là yếu tố nhập khẩu từ bên ngoài làm cho giới truyền thông hốt hoảng. 

Kỳ tới: Nợ xấu (nếu có) thì giải quyết thế nào 

Loại tài sản thế chấp phổ biến nhất