Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

Cuộc chiến giữa hai ‘trùm sỏ’ Boris Berezovsky - Roman Abramovich

Cuộc chiến giữa hai ‘trùm sò’ Boris Berezovsky - Roman Abramovich (Kì 1): Bố già Boris và đàn em Roman

Cuộc chiến pháp lý của Boris Berezovsky và Roman Abramovich dự kiến kéo dài khoảng 3 tháng. Nhưng trước khi châm ngòi cho cuộc chiến pháp lý này tại tòa án London, đa số cho rằng, phần thắng sẽ thuộc về ông chủ
Chelsea.

Bóng tối lúc bình minh

Roman Abramovich khẳng định ông không có quan hệ đồng chí hay bạn bè thân thiết gì với một kẻ lưu vong như Boris Berezovsky. Về vấn đề này thì ông chủ
Chelsea đúng. Bởi ngay cả khi ông Vladimir Putin bước vào Điện Kremlin thay quyền Boris Yeltsin năm 2000, Boris Berezovsky - nhân vật từng vỗ ngực hô lớn “sở hữu nửa nền kinh tế Nga” còn chẳng coi ông Putin ra gì, thì Roman Abramovich “tuổi gì mà làm bạn thân” với Berezovsky!

Berezovsky tên đầy đủ là Boris Abramovich Berezovsky, sinh năm 1946. Ông là nhân vật đáng ngờ nhất trong số hàng trăm nhân vật đáng ngờ nổi lên tại nước Nga vào những năm 1990, sau khi Nhà nước Liên bang Xô-Viết sụp đổ, thời kỳ mà trong tác phẩm “The Rise of the Russian Criminal State” nổi tiếng năm 2003, David Satter - nhà báo Mỹ chuyên trách mảng nước Nga đã gọi là “Darkness at dawn” (Bóng tối lúc bình minh).
Roman Abramovich

Trong cái thời kỳ “Darkness at dawn” ấy, Berezovsky là một doanh nhân có tiếng trong các lĩnh vực xe hơi, dầu mỏ, truyền hìnhnhưng quan trọng hơn tất thảy, ông là người bạn thân thiết của cựu Tổng thống Nga, Boris Yeltsin và Đệ nhất phu nhân Naina Iosifovna Girin, ông giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia, thành viên BLĐ Cộng đồng các quốc gia độc lập. Tóm lại, thời Boris Yeltsin, Berezovsky dưới một người nhưng đứng trên tất cả ở cái quốc gia rộng lớn nhất trên thế giới.

Bố già ở Điện Kremlin

Biện hộ cho Roman Abramovich ngày hôm qua, Jonathan Sumption đã đưa nữ thẩm phán Gloster cùng bồi thẩm đoàn tòa tối cao London trở lại với thời kỳ “Bóng tối lúc bình minh” ở Nga. Ông Sumption không ngần ngại nói rằng thân chủ Abramovich từng “hối lộ” và ông lý giải: “Không ai có thể làm ăn yên ổn nếu không có sức mạnh chính trị đỡ đầu. Xin thưa, khi luật pháp là giả tạo, cảnh sát chỉ khác tội phạm ở chiếc áo. Người đỡ đầu về chính trị, đó là các bố già (godfather), đó là ngài Berezovsky, ông đã “ăn” 2,3 tỉ bảng từ chính ông chủ Chelsea cùng bộ sậu dưới quyền”.

Thực ra trong thời kỳ “Bình minh nước Nga”, không phải kẻ nào cũng quy phục bố già trong Điện Kremlin. Nhưng có điều, tất cả những kẻ làm ăn riêng rẽ, coi thường Berezovsky đều phải nhận chung một kết cục: mất danh dự, tài sản và cao nhất là tính mạng, điển hình như vụ một ông chủ nhà băng và truyền hình bị sát hại năm 1995. Nhưng tất cả những vụ giết người theo kiểu xã hội đen nhằm vào các nhân vật cỡ bự đều… không thể điều tra. Chẳng phải vì thời ấy cảnh sát Nga không giỏi nghiệp vụ điều tra, mà vì họ có “lương tâm với nghề nghiệp” nên không dám “hỗn” với người thân Điện Kremlin.
Boris Berezovsky (giữa) đến tòa cùng luật sư

Và Roman Abramovich

Đầu những năm 1990, doanh nhân trẻ Roman Abramovich bắt đầu phất lên nhờ “Chương trình tư nhân hóa các công ty Nhà nước”. Nhưng ông chủ
Chelsea là một người thức thời, mà cái thời của ông là thời của Boris Berezovsky.

Chính trị là sân sau của kinh tế và Roman Abramovich xem Boris Berezovsky là hình mẫu để ông vươn lên. Bằng những món trang sức, những bức tranh đắt giá, Abramovich nhanh chóng lấy lòng được bà Anna Gelman, vợ Boris Berezovsky. Thế là từ “bà chị Boris”, Abramovich - từ thân phận của một anh “khôn lỏi” trong “Chương trình tư nhân hóa các công ty Nhà nước”, nhanh chóng trở thành một chân tay thân tín, được ngài Boris Berezovsky đỡ đầu trong các mối làm ăn cũng như vị thế chính trị. Bù lại, trước và sau mỗi “quả đậm”, Boris Berezovsky đều nhận được những khoản tiền lớn của Abramovich và bộ sậu, mà theo tài liệu của luật sư Jonathan Sumption thì khoảng 2,3 tỉ bảng (chưa kể bất động sản tại Pháp). Còn tiền trang sức và quà cáp cho “bà chị Boris” thì không biết đâu mà kể.

Khoảng những năm 1995-1997, mối quan hệ của Boris Berezovsky và Roman Abramovich được nâng thêm một bậc, khi Berezovsky cho “đàn em” Abramovich tham gia sở hữu cổ phần tại Sibneft - công ty dầu mỏ lớn thứ 6 tại Nga. Cứ thế, càng gần Berezovsky, túi tiền và vị thế chính trị của Abramovich càng phình to.

Ngày nay thì ông chủ Chelsea đã trở thành “phú gia địch quốc” thứ 5 ở Nga và thứ 53 trên thế giới với khối tài sản hơn 11 tỉ bảng. Còn Boris Berezovsky - hình mẫu mà Abramovich muốn vươn tới lại trở thành kẻ tị nạn chính trị ở Anh. Vì trò cao thủ hơn thầy, và quan trọng hơn, ông chủ Chelsea đã tránh được sai lầm lớn nhất trong cuộc đời của “đầu sỏ chính trị” Boris Berezovsky, đó là thờ thịnh, không thờ suy, đó là phải biết “phản bội” khi lòng “trung thành” đồng nghĩa với tự sát…(phù thịnh không phù suy)

Cuộc chiến giữa hai ‘trùm sò’ Boris Berezovsky - Roman Abramovich (Kì 2): Abramovich thờ thịnh, không thờ suy
Trên lộ trình từ một đứa trẻ mồ côi trở thành phú gia địch quốc, Roman Abramovich học được rất nhiều điều từ “đại ca” Boris Berezovsky, đồng thời tránh được 2 sai lầm chết người của đầu sỏ chính trị này: kiêu ngạo và trung thành.
Bước vào Kremlin

Chính trị là sân sau của kinh tế, đó là bài học đầu tiên mà Roman Abramovich học được từ Boris Berezovsky và “bố già chính trị” Boris Berezovsky (cách nói của luật sư Jonathan Sumption tại tòa án London) là hình mẫu duy nhất mà ông chủ Chelsea muốn vươn lên vào những năm 1990 ở Nga. Xin nhắc lại, thời kỳ mà nhà báo David Satter gọi là “Darkness at dawn” (Bóng tối lúc bình minh). Theo một cựu nhân viên KGB: “Mỗi bước chân của Boris Berezovsky, Roman Abramovich đều theo sau, lặng lẽ quan sát và học hỏi”.
Boris Berezovsky

“Bước chân” quan trọng nhất mà Abramovich - một doanh nhân trẻ theo sau “bố già” Berezovsky trong tư cách Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia là vào Điện Kremlin để gặp Tổng thống Nga khi đó là ông Boris Yeltsin. Những “bước chân”, những cái “bắt tay” ấy là hình mẫu tiêu biểu nhất cho thời kỳ “Darkness at dawn” ở Nga: chính khách - bố già - doanh nhân.

Bắt đầu từ thời điểm đó, ý thức chính trị và vị thế chính trị của Abramovich được nâng thêm một bậc, dù trước đó, ông chủ
Chelsea luôn xem “chính trị là một trò chơi bẩn thỉu” trong cái thời buổi “tranh tối, tranh sáng”. Và cũng nhờ Berezovsky, nhờ dấu giày in ở Điện Kremlin, mà Viện công tố Nga đã phải hủy điều tra Roman Abramovich về những tội danh liên quan đến hoạt động tội phạm, biển thủ tài sản Nhà nước, rửa tiền, giả mạo giấy tờ… từ thời Mikhail Gorbachov kéo dài cho đến giai đoạn Boris Yeltsin.

Kremlin thời Putin

Năm 2000, ông Vladimir Putin bước vào Điện Kremlin thay cho Boris Yeltsin. Về chính sách đối nội, ông Vladimir Putin đã làm gì để khôi phục nền kinh tế Nga sau 8 năm hỗn loạn, khủng hoảng nghiêm trọng dưới thời người tiền nhiệm, để lấy lại niềm tin cho nước Nga?

Nếu như sau công cuộc “Cải tổ” (perestroika) của Mikhail Gorbachov, cũng như giai đoạn Nhà nước Nga thời Boris Yeltsin, chính sách tư hữu hóa tài sản Nhà nước khiến cho các nhà tài phiệt đáng ngờ nổi lên như nấm, mà “công dụng vĩ đại” của chính sách ấy là kéo tụt nền kinh tế Nga xuống đáy, thì Vladimir Putin đã mạnh tay thực hiện chính sách “Quốc hữu hóa tài sản nhà nước”. Kết quả là nền kinh tế Nga vượt qua được khủng hoảng, niềm tin nước Nga được khôi phục mà nói hơi bóng bẩy một chút như “các cụ nhà ta” thì “Mặt trời Nga lại bừng sáng ở phương Đông”. Nhưng chính sách kinh tế của ông Putin đã đánh thẳng vào lợi ích của các nhà tài phiệt, các bố già, các “đầu sỏ chính trị”, trong đó có Boris Berezovsky và Roman Abramovich…
Đứa con của Điện Kremlin

Khi ông bạn thân Boris Yeltsin rời Điện Kremlin, đương nhiên quyền lực của Boris Berezovsky chỉ còn biệt dựa vào “thế giới ngầm”. Và khi lợi ích bị đụng chạm, Boris Berezovsky công khai chống lại Vladimir Putin. Thậm chí, năm 2007, khi đang tị nạn tại Anh, Berezovsky còn công khai kế hoạch lật đổ Nhà nước Nga của Vladimir Putin. Ngược lại, Berezovsky là “cái gai” phải “nhổ” trong con mắt của giới cầm quyền Nga.

“Mỗi bước chân của Boris Berezovsky, Roman Abramovich đều theo sau, lặng lẽ quan sát và học hỏi”. Nhưng không phải bài học nào từ “ông thầy” Berezovsky, “cậu học trò” Abramovich cũng ghi chép một cách cứng nhắc. Tầm nhìn của Abramovich chỉ ra cho ông: thời buổi nào thì cái thuyết “chính trị là sân sau của kinh tế” cũng đúng.

Hay! Ai nghĩ ra cái thuyết ấy? Ông chủ Chelsea không cần biết, nhưng muôn năm người đó, vạn tuế người đó! Vậy thì tại sao phải tôn thờ và trung thành với 2 ông Boris, một đã về hưu, một đang bị đánh tả tơi vì đi ngược lại với lợi ích kinh tế của cả một dân tộc vĩ đại? Thế là “đàn em” Roman Abramovich dạy cho “đại ca” Boris Berezovsky một bài học đau đớn không có trong “giáo án” của bố già này: phải biết phản bội khi lòng trung thành đồng nghĩa với tự sát.
Abramovich và ngài V.Putin ở Kremlin

Roman Abramovich ủng hộ Putin và chẳng hiểu bằng cách nào, ông lại đàng hoàng đi vào Điện Kremlin thời ông Putin, đúng như cái cách Boris Berezovsky từng bước vào nơi ấy thời Boris Yeltsin. Thậm chí ở Nga, mối quan hệ của Abramovich và ông Putin được miêu tả là “như cha với con”. Kết cục là, khi luận tội về những nhà tài phiệt từng làm lũng đoạn nền kinh tế Nga những năm 1990 thời Boris Yeltsin, giới phân tích cho rằng những kẻ ấy chết 2 lần không hết tội, thì Boris Berezovsky bị xử, phải chạy sang Anh tị nạn. Trái lại, ông chủ của
Chelsea được tung hô như một người anh hùng, có công lớn với nền kinh tế Nga và thể thao Nga…

Muôn năm, muôn năm những bài học của Boris Berezovsky! Nhưng đau cho “bố già” này, bởi Abramovich đã dùng chính những bài học của Berezovsky để… chơi Berezovsky.
Cuộc chiến giữa hai ‘trùm sò’ Boris Berezovsky - Roman Abramovich (Kì 3): Abramovich 'trả bài' cho thầy
Roman Abramovich đã kết thúc thời oanh liệt của Boris Berezovsky bằng chính bài học “cây gậy thật và củ cà rốt ảo” mà gã “đầu sỏ chính trị”, gã “mafia Kremlin” đã dạy cho ông chủ Chelsea...
Cây gậy thật..

Ngày 1/3/1995, tức 1 năm sau “cuộc gặp định mệnh” của doanh nhân 28 tuổi, Roman Abramovich và bố già Boris Berezovsky trên chiếc du thuyền đầy rượu ngon và gái đẹp ở biển Carribe, thì bố già Berezovsky đã dạy cho Abramovich bài học bổ ích đầu tiên trên con đường làm giàu bằng cách tạo ra một… đám ma lớn nhất nước Nga, vì kẻ chết có vinh dự nhận được những giọt nước mắt của đương kim Tổng thống Boris Yeltsin cùng hàng triệu người dân Nga. Đám ma ấy của ngôi sao truyền hình Vladislav Listyev, giám đốc Đài truyền hình ORT (Channel One).
Abramovich và bố già Berezovsky những năm 1990

ORT là đài truyền hình nổi tiếng nhất nước Nga thời đó. Chính phủ sở hữu 51% cổ phần, còn lại tư nhân sở hữu. Năm 1995, nhận được sự hậu thuận của Tổng thống Boris Yeltsin, Boris Berezovsky trở thành cổ đông lớn nhất trong phần còn lại với 16% cổ phần (320.000 USD).

Doanh thu quảng cáo của ORT thu trung bình 80 triệu USD mỗi năm. Nhưng quyền khai thác quảng cáo được bán cho công ty Premier SV của doanh nhân Sergei Lisovsky. Berezovsky rất thèm miếng bánh 80 triệu USD của Premier SV, nhưng không dám “manh động”, bởi công ty kia được anh em Victor - Alexander Averin của băng đảng khét tiếng Solntsevo “bảo kê”.

Theo cuốn sách có nhan đề “Godfather of the Kremlin” (Bố già ở Điện Kremlin) của nhà báo Paul Klebnikov (tạp chí Forbes, bị sát hại năm 2004 tại Moscow), thì bố già Berezovsky có một “đội quân đánh thuê” ở Chechnya. Mỗi khi cần trấn áp bọn rắn mặt cản trở công việc làm ăn, Berezovsky sẽ gọi băng
Chechnya “làm cỏ sạch”. Nhưng vụ ORT, bố già Berezovsky không dùng bọn đánh thuê ở Chechnya mà dùng… cảnh sát. Thế là Victor và Lisovsky bị bắt vì tội tham gia hoạt động băng đảng và rửa tiền.

Premier SV “sập” mà Berezovsky không tốn một viên AK47 của giang hồ
Chechnya. Khi bố già đang định mở champagne ăn mừng, thì bỗng nhiên ngôi sao truyền hình Vladislav Listyev - lấy tư cách Giám đốc đài tuyên bố quyền khai thác quảng cáo sẽ thuộc về công ty của ông ta (có trụ sở ở Thụy Sỹ). Bố già bị “nẫng tay trên”.

Bố già im lặng, nhưng một người bạn của Listyev lo ngại lên tiếng trên báo Nga: “Tội sợ Listyev sẽ bị tội phạm ám sát”. Ông bạn ấy đúng là “thầy tướng số” đại tài, bởi 2 tuần sau, người ta phát hiện ra ngôi sao truyền hình nổi tiếng Listyev chết trong phòng làm việc với một lỗ thủng trên đầu. Cảnh sát không thể điều tra, nhưng cả dân Nga đều biết kẻ nào ra tay. Còn miếng bánh quảng cáo 80 triệu USD nghiễm nhiên thuộc về bố già Berezovsky. Lần này thì tốn một viên K59 của bọn du đãng
Chechnya. Cũng trong năm 1995, một kẻ chống đối Berezovsky khác là ông chủ nhà băng Ivan Kivelidi phải chịu chung kết cục như Listyev, song ông này bước lên “thiên đàng” nhẹ nhàng hơn, với một ly cà phê buổi sáng thơm phức có đường, có sữa và có cả độc.
Bố già Berezovsky đến tòa cùng luật sư và cô bạn gái Yelena Gorbunova

“Củ cà rốt ảo”

Triết lý “cây gậy thật” của Berezovsky rất đơn giản: kẻ nào rắn mặt chống đối sẽ nhận được một viên đạn vào đầu. Nhưng “cây gậy” tạo ra những đám ma khiến “Moskva không tin vào những giọt nước mắt” cũng phải rơi lệ kiểu như Vladislav Listyev chỉ là hạ sách, bị dồn vào bước đường cùng bố già mới dùng. Thường thì Berezovsky đưa cho đối thủ những “củ cà rốt”, mà thực chất là chẳng có “củ cà rốt” nào cả. Nói thẳng ra là dùng quyền lực Kremlin để lừa đảo và ăn cướp.

Điển hình như năm 1993, Berezovsky lập dự án thành lập công ty Automobile Alliance (AVVA). Lấy tư cách pháp nhân là AVVA, Berezovsky đã “vay” cổ phiếu của các nhà tài phiệt tầm như Abramovich thời kỳ đó rồi bán được 50 triệu USD. Berezovsky nói sẽ dùng số tiền 50 triệu USD ấy để đầu tư nâng cấp công ty xe hơi AvtoVAZ (nổi tiếng thế giới với thương hiệu Lada), rồi trả lại cho các nhà tài phiệt bằng những chiếc xe hơi đời mới bán chạy như tôm tươi. Nhưng trên thực tế, AvtoVAZ chẳng nhận được xu đầu tư nào, vì số tiền trên được bố già đổ cả vào bất động sản ở
Moscow để thu lãi 300 triệu USD.

Sau khi làm những quả đậm nhờ truyền hình và bất động sản, Berezovsky nhảy vào lĩnh vực dầu mỏ. Berezovsky từng sở hữu tới 80% cổ phần công ty dầu mỏ Sibneft. Nhưng trong phiên xử ngày thứ 3 tại tòa London ngày 6/10 vừa qua, Abramovich cho rằng, cũng giống như dự án AvtoVAZ, thực chất Berezovsky không đầu tư một xu nào vào Sibneft. Vậy 80% cổ phần kia cũng là những “củ cà rốt ảo”?

Theo lý giải của nhà báo quá cố Paul Klebnikov, các nhà tài phiệt không phải những kẻ ngu đần. Nhưng họ không còn cách lựa chọn nào khác khi “củ cà rốt ảo” được Berezovsky gí tận vào mồm. Nếu kẻ tài phiệt nào không “ăn”, lập tức cảnh sát - cánh tay phải đắc lực của “Bố già ở Điện Kremlin” sẽ ập tới và lập tức những kẻ ấy bị tịch biên tài sản, rũ tù vì các tội hoặc tham gia hoạt động băng đảng, hoặc rửa tiền, hoặc giả mạo giấy tờ, hoặc buôn lậu. Nham hiểm hơn, bố già trên chiếc ghế Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia có thể khép kẻ chống đối là cộng sản, đang thực hiện âm mưu lật đổ Nhà nước Liên bang Nga. Khi ấy thì… vào nhà tù mà cãi.

Và “củ cà rốt” trị giá 1,3 tỉ USD

Như đã đề cập ở 2 kỳ trước, năm 2000, khi ông Vladimir Putin vào Điện Kremlin thay thế cho ông Boris Yeltsin và thực hiện chính sách “Quốc hữu hóa tài sản nhà nước” để khôi phục nền kinh tế khủng hoảng, hỗn loạn của Nga trong 8 năm cầm quyền của người tiền nhiệm. Chính sách ấy đánh thẳng vào lợi ích của Berezovsky, nên bố già tuyên bố đang cùng với “6 chiến hữu đức cao vọng trọng” khác sở hữu tới nửa nền kinh tế Nga, đủ sức chống lại ông Putin. Lúc ấy, bố già cần sự ủng hộ của những “đàn em” có gan lớn trong thiên hạ như Roman Abramovich hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, ông chủ
Chelsea ngày ấy lại bất ngờ ủng hộ Tổng thống vừa đắc cử Vladimir Putin.
Roman Abramovich 'trả bài' cho thầy

Berezovsky lại tuyên bố Abramovich là kẻ phản bạn, phản bội. Nhưng lời kết tội ấy của Berezovsky không còn sức nặng đè chết người như trước kia nữa, bởi vào thời điểm đó, “bố già” ở Điện Kremlin đã là doanh nhân trẻ Roman Abramovich. Và đến Abramovich còn “phản” Berezovsky, thì còn kẻ tài phiệt nào máu mặt hơn dám theo bố già hết thời này? Lập tức, những lời kết tội Berezovsky về các tội danh “lừa đảo, rửa tiền, giết người, liên hệ với mafia
Chechnya, ủng hộ phiến quân Chechnya” trong cuốn sách của Paul Klebnikov mới được mang ra xét.

Trong cơn bĩ cực của Berezovsky, “đàn em” Abramovich bỗng xuất hiện như một kẻ bề trên. Ông chủ
Chelsea yêu cầu “bố già” phải bán toàn bộ cổ phần Sibneft. Trên bàn đàm phán, Abramovich đã nhắc khéo tới ông Putin, hệt như cái cách bố già nhắc đến ông Yeltsin khi đàm phán với các “đối tác” năm xưa. Bài học về “củ cà rốt ảo”.

Nhưng nhớ cái ơn đỡ đầu trên chính trường trong quá khứ, ông chủ Chelsea không nỡ cho bố già ăn “củ cà rốt ảo”, mà “củ cà rốt” của Abramovich có trị giá 1,3 tỉ USD. Đấy! Cầm lấy, rồi bước khỏi Sibneft, biến khỏi nước Nga sống cuộc đời tị nạn, nếu không, bằng quyền lực của mình, ông chủ Chelsea sẽ “trả bài cây gậy thật” và khi đó nước Nga sẽ lại có một đám ma lớn, nhưng không có những giọt nước mắt của Điện Kremlin, như Vladislav Listyev năm nào…

Cuộc chiến giữa hai ‘trùm sò’ Boris Berezovsky - Roman Abramovich (Kì 4): Abramovich một tay gây dựng cơ đồ
Năm 2000, tại Moscow, Roman Abramovich tự mình phủ nhận “công lao” của bố già Boris Berezovsky, vì “đế chế này do ta gây dựng”
Cũng giống như Napoleon Bonaparte giật lấy Vương miện từ tay Đức Giáo hoàng Pius VII trong lễ tấn phong Hoàng đế tại Nhà thờ Đức bà Paris ngày 2/12/1804 cùng câu nói: không ai trao Vương miện cho ta, giang sơn này do Bonaparte giành được... thì năm 2000, tại Moscow, Roman Abramovich tự đặt mình ở địa vị của Bonaparte, phủ nhận “công lao” của bố già Boris Berezovsky, vì “đế chế này do ta gây dựng”.

Roman, anh là kẻ phản bội!

“Abramovich là thiên tài, tôi tin anh ta, từng coi anh ta như con. Nhưng Abramovich đã phản bội tôi”
- bố già Boris Berezovsky đã nói như thế trên tòa thương mại trị giá 3,2 tỉ bảng tại
London trong ngày xử thứ 5 (8/10/2011) vừa qua.
Abramovich rời tòa ngày 9/10 bằng chiếc Mercedes bạc

Đúng là trong số hàng trăm nhà tài phiệt đáng ngờ nổi lên ở Nga vào những năm 1990, sau khi Nhà nước Xô-Viết sụp đổ, doanh nhân trẻ Abramovich được Berezovsky tin tưởng nhất, muốn đưa vào “guồng máy” của mình nhất. Vì theo lời khai của bố già trên tòa: “Khi gặp Abramovich lần đầu tiên năm 1994 tại Carribe, tôi đã bị anh ta gây ấn tượng. Đó là một doanh nhân trẻ, có tầm nhìn rộng, có tham vọng và dám làm”. Chính “Bố già ở Điện Kremlin” đã đưa Roman Abramovich đến với dầu mỏ, nguồn thu chính giúp Roman Abramovich gây dựng nên “đế chế Chelski” ngày nay bằng cách bán cho cổ phần công ty dầu mỏ Sibneft năm 1995. Cũng chính bố già trong vai trò Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia là người đầu tiên đưa Abramovich vào Điện Kremlin, gặp Tổng thống Boris Yeltsin để “lắp biển số chính trị” cho công việc kinh doanh của ông chủ Chelsea ở Nga. Vì: “Vào những năm 1990, Abramovich chưa đủ thông minh để kinh doanh bằng ảnh hưởng chính trị”.

Và cho đến năm 2000, khi bị “đàn em” Roman Abramovich “ép” phải bán toàn bộ cổ phần Sibneft vào thời điểm Boris Berezovsky gặp nạn thời Vladimir Putin, bố già này nói gì? Trong cuốn sách “Godfather of the Kremlin” (Bố già ở Điện Kremlin), cố nhà báo Paul Klebnikov tiết lộ: bố già thường im lặng cả ngày hoặc cả ngày lảm nhàm điều gì đó trong miệng mà đàn em không thể hiểu nổi, giống như những babka Nga (bà già lắm mồm). Nhưng Roman Abramovich thì nói lớn: xin lỗi ngài Boris, đế chế này do tôi xây dựng.

Luận tội phản nghịch, xét thưởng công thần

Dù muốn hay không, Abramovich cũng chẳng thể chối cãi, rằng “cái biển số chính trị” của ông vào những năm 1990, khi Abramovich vẫn là một nhà tài phiệt “thừa tiền nhưng thiếu lực” là do bàn tay Berezovsky lắp đặt. Tuy nhiên, bố già Berezovsky cũng không thể sống thiếu Roman Abramovich.

Vì để có được cái “biển số chính trị” ấy cho công việc làm ăn, theo luật sư Jonathan Sumption trên tòa London, thân chủ ông, ngài Roman Abramovich cùng các doanh nhân dưới quyền đã phải cung cấp cho bố già tổng cộng 2,3 tỉ bảng trong thập niên 1990. Trơ trẽn hơn cả là vào năm 1995, bố già đã lệnh cho Abramovich phải “bơm” gấp khoản tiền 8 triệu USD (5,1 triệu bảng) để “bôi trơn chính trị”, nhưng ông chủ Chelsea chỉ cung cấp 5 triệu USD (3,2 triệu bảng) và số tiền này được các trợ lý của Abramovich trao tận tay Berezovsky ở trụ sở LogoVaz, một công ty của bố già.

Berezovsky có ý tốt gì khi bán cổ phần Sibneft cho Abramovich vào năm 1995? Đây là thời điểm Berezovsky “khát tiền” nhất, vì bố già cần huy động một khoản lớn cho “canh bạc chính trị”, cụ thể là lập quỹ ủng hộ cho chiến dịch tái tranh cử Tổng thống của ông Boris Yeltsin vào năm 1996 cũng như chống lại “các thế lực thù địch cũ, âm mưu lật đổ Nhà nước Liên bang Nga non trẻ”. Và nhờ số tiền 160 triệu USD của Berezovsky, chiến dịch tái tranh cử của ông Yeltsin thắng lớn. Từ thời điểm ấy, Boris Berezovsky không chỉ thân với Tatyana Dyachenko, cô cháu gái cưng của Tổng thống, mà trở thành người bạn vĩ đại nhất của Tổng thống tái đắc cử Boris Yeltsin. Thế là ở Điện Kremlin, trong một ngày “luận tội phản nghịch, xét thưởng công thần”, ông Boris Phó (Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia) nói với ông Boris Tổng (Tổng thống tái đắc cử) đại khái rằng: Thưa Tổng thống, anh Roman Abramovich không phải người tầm thường đâu…

Thế thì ai cần ai trên con đường quan lộ của bố già Berezovsky và con đường kinh doanh của Abramovich? Ông chủ
Chelsea đã chơi đúng luật chơi của cái thời kỳ mà nhà báo David Satter gọi là “Darkness at dawn” (Bóng tối lúc bình minh) ở Nga: Chính khách - bố già - doanh nhân.

Một tay gây dựng cơ đồ

Trong ngày xử thứ 4 tại tòa
London (7/10/2011) vừa qua, bố già Berezovsky vỗ ngực: “Tôi là người đầu tiên nhận ra rằng, công việc kinh doanh chỉ ổn định và thuận lợi, nếu có sự ổn định về chính trị”.
Người đẹp Yelena Gorbunova luôn bên cạnh bố già Berezovsky trên tòa London

Bố già Berezovsky có phải là người đầu tiên phát hiện ra “chân lý vĩ đại” ấy hay không thì chẳng ai biết, nhưng Abramovich đã học rất tốt bài học ấy của bố già bằng những khoản tiền tỉ cho việc “bôi trơn chính trị”, để bắt đầu xây những viên gạch đầu tiên cho “đế chế Chelski” dưới sự “bảo trợ” của “Bố già ở Điện Kremlin” và phát triển huy hoàng ở Nga dưới thời ông Vladimir Putin.

Năm 2000, Abramovich được bầu làm Toàn quyền Chukotka. Đến năm 2005, khi hết nhiệm kỳ, ông chủ
Chelsea tuyên bố không tham gia tái tranh cử vì tốn kém (hay vì đã bán Sibneft nên không cần Chukotka làm nơi lách thuế?). Lập tức Điện Kremlin ra sắc lệnh xóa bỏ bầu cử khu vực này và bổ nhiệm luôn Abramovich. Ở cái khu tự trị “chó ăn đá, gà ăn sỏi” đầy những “quan tham” ấy, ông chủ Chelsea đã đầu tư hàng trăm triệu USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, Cái “Huy chương Danh dự” vì sự phát triển nền kinh tế ở khu tự trị Chukotka mà Toàn quyền Roman Abramovich nhận được ở Kremlin cũng đồng nghĩa với một tấm “biển số chính trị” mới cho công việc kinh doanh của ông chủ Chelsea ở Chukotka cũng như nước Nga.

Thế nên bố già Berezovsky mới khẳng định ông chủ Chelase là “thiên tài”. Thế là khi “bình minh” nước Nga sáng hẳn, không còn “bóng tối”, bố già có 2 mối thù phải trả. Một là ông Vladimir Putin, với chính sách “Quốc hữu hóa tài sản nhà nước”, giúp nên kinh tế Nga vượt qua khủng hoảng nhưng lại khiến bố già phải chạy khỏi nước Nga như một kẻ “chính trị đầu sỏ” chết 2 lần không hết tội, sống cuộc đời tị nạn. Hai là “đệ tử”, “con trai” Roman Abramovich phản bội, khiến bố già mất tiền tỉ trong vụ Sibneft.

Kế hoạch trả thù ông Putin, tức là lật đổ Nhà nước Liên bang Nga do ông Putin lãnh đạo được bố già công khai không lâu sau thời điểm chạy sang Anh tị nạn năm 2001. Nhưng kế hoạch ấy vẫn còn đang nằm trên bàn giấy. Còn kế hoạch trả thù “đứa con phản bội” Abramovich thì đã được bố già khai chiến ở tòa án thương mại
London.

Ai sẽ chiến thắng? Câu trả lời sẽ có sau hơn 2 tháng nữa, nhưng có điều, chẳng ai đơn độc trong cuộc chiến trị giá hơn 3 tỉ bảng này, dù bố già Berezovsky đã thất thế…


Cuộc chiến giữa hai ‘trùm sò’ Boris Berezovsky - Roman Abramovich (Kì 5): Abramovich bị đe dọa bởi những phần tử lưu vong
Boris Berezovsky đã tạo ra "vòng tròn London” bao gồm những phần tử cộm cán lưu vong như Akhmed Zakayev - cựu Ngoại trưởng phiến quân Chechnya, Trung tá Alexander Litvinenko - cựu quân nhân tình báo Nga KGB...
Boris Berezovsky đã thất thế từ khi ông bạn vĩ đại Boris Yeltsin rời Điện Kremlin. Nhưng “đứa con phản bội” Roman Abramovich quá hiểu những mánh khóe và sức mạnh của bố già tưởng như đã hết thời này...

Con kiến không sợ củ khoai

Ông chủ
Chelsea, Roman Abramovich đang sở hữu khối tài sản 11 tỉ bảng theo bản công khai tài chính được tiến hành hồi tháng 2/2011 tại Anh. Còn bố già Boris Berezovsky, theo báo chí Anh thì tài sản chỉ còn lại vỏn vẹn 500 nghìn bảng, tức chỉ bằng khoảng 3 tuần lương mà ông chủ Abramovich trả cho đội trưởng Chelsea, John Terry. Cứ theo cái lý về tài chính cùng vị thế chính trị của cả hai mà suy, thì phiên tòa thương mại trị giá 3,2 tỉ bảng ở London kia là cuộc chiến của “Con kiến và Củ khoai”. Nhưng nếu “kiến” sợ, kiến đã chẳng kiện “củ khoai”. Hơn nữa, “con kiến” trong vỏ bọc của bố già khét tiếng Boris Berezovsky đã âm thầm chuẩn chị cho cuộc “đại chiến London” được 4 năm, bắt đầu từ ngày 5/10/2007.

Đó là một ngày đẹp trời ở
London mà tờ Daily Mail đã bình luận là “cuộc chiến của các Titan”. Hôm ấy, ông chủ Chelsea trong trang phục quần Jeans, áo sơ mi bụi bặm được hộ tống bởi 3 cựu quân nhân S.A.S đến mua sắm tại cửa hàng Hermes trên phố Sloane (London). Đúng lúc ấy, bố già Berezovsky trong trang phục vest D&G lịch lãm cũng vô tình bước xuống từ chiếc Maybach limousine trị giá 300.000 bảng cùng 3 “đàn em”. Thế là 7 năm sau cuộc “ép giá” Sibneft năm 2000, ông chủ Chelsea gặp lại “đại ca” cũ của mình.

Khi bố già định bước vào cánh cửa Hermes, 3 đàn em của ông chủ Chelsea chặn lại, dẫn đến cuộc “đụng độ” nhỏ giữa đàn em của 2 “Titan”. Lúc ấy, bố già mới tiến vào Hermes để… chọn hàng. Ông chủ
Chelsea thể hiện sự “vui mừng” bằng câu chào quen thuộc của những người bạn thân lâu ngày mới gặp lại theo đúng chất của dân Nga: “Ô! Sờ-côn-cơ-liết! Sờ-côn-cơ-dim!” (Ô, Bao nhiêu mùa Hạ, bao nhiêu mùa Đông rồi!). Bố già Berezovsky cũng “Sờ-côn-cơ-liết! Sờ-côn-cơ-dim!” rồi nở một nụ cười nham hiểm: “Roman, tôi có quà cho anh. Chỉ cho anh thôi, từ tôi!”.
Berezovsky và Abramovich gặp lại nhau tại London năm 2007

“Vòng tròn London”

Khi bố già nói với Abramovich, “tôi có quà cho anh”, tức là sẽ kiện ông chủ Chelsea, đòi bồi thường trị giá 3,2 tỉ bảng trong vụ Sibneft, vụ “đe dọa và ép giá” mà trong phiên xử ngày thứ 5 vừa qua tại tòa London, luật sư của bố già Berezovsky đã gọi là “không có pháp luật, không có đạo đức”.

Dĩ nhiên, để tặng cho Abramovich “món quà” trị giá 3,2 tỉ bảng tại tòa thương mại London sau 4 năm chuẩn bị, bố già đã “tính đâu ra đấy” và đằng sau Berezovsky trong cuộc chiến chống lại Abramovich, nhân vật mà bố già gọi là “đứa con phản bội” là “Vòng tròn London” (The London Circle).

Những năm 1990, đặc biệt là sau khi có công lớn trong chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Boris Yeltsin năm 1996, Berezovsky đã tạo ra cái gọi là “Vòng tròn Kremlin” (The Kremlin’s inner Circle) để “làm mưa làm gió” ở nước Nga. Thì bắt đầu từ năm 2001, khi chạy sang Anh tị nạn, bố già đã tạo ra một vòng tròn mới gọi là “The London Circle” bao gồm những “phần tử cộm cán lưu vong” như Akhmed Zakayev - cựu Ngoại trưởng phiến quân Chechnya, Trung tá Alexander Litvinenko - cựu quân nhân tình báo Nga KGB (bị ám sát năm 2006, sẽ đề cập ở kỳ sau), Alexander Goldfarb - nhà hoạt động xã hội và chính trị…

“The London Circle” có nhiệm vụ lật đổ Nhà nước Liên bang Nga do ông Vladimir Putin lãnh đạo và người ta tin rằng từ năm 2007, cái “Vòng tròn London” được bố già sử dụng vào mục đích thiết thực hơn, khôn ngoan hơn, vừa tầm hơn: đánh ông chủ Chelsea, Roman Abramovich.
“Vòng tròn London” được bố già sử dụng vào mục đích thiết thực hơn, khôn ngoan hơn, vừa tầm hơn: đánh ông chủ Chelsea, Roman Abramovich


Ông Rupert Murdoch, bạn tôi!

Trên tòa thương mại London, bố già Berezovsky phủ nhận mọi cáo buộc “đầu sỏ chính trị”, quan hệ với mafia… mà phe Roman Abramovich đưa ra. Tại phiên xử ngày
7/10/2011 vừa qua, bố già cho biết chẳng biết tay mafia nào hay khái niệm “bôi trơn chính trị” là gì. Trái lại, bố già chỉ nói về những mối quan hệ làm ăn đàng hoàng, với những nhân vật mà ai nghe cũng phải nể, ấy là ông trùm truyền thông, nhà tỷ phú Rupert Murdoch, nhân vật đứng trên Roman Abramovich 20 bậc trong danh sách “phú gia địch quốc” của tạp chí Forbes.

Bố già Berezovsky khoe trên tòa, ông và Murdoch đang hợp tác làm ăn trong một công ty truyền thông và rằng: “Với tôi, Murdoch là một doanh nhân vĩ đại”. Câu nói ấy cũng đồng nghĩa với một thông điệp gửi thẳng đến Abramovich: “Ông đây không thiếu đạn để chiến đến cùng”. Người ta cũng đồn rằng, nhà tỉ phú Hungary, George Soros là nhân vật ủng hộ ngấm ngầm về tài chính cho “The London Circle” của bố già Berezovsky.

Bố già và “Vòng tròn
London” không hề tầm thường trong “Cuộc chiến của những Titan”. Vậy nếu ông chủ Chelsea lâm nguy? Người hâm mộ The Blues cứ yên tâm, bởi lúc ấy sẽ có một người quá hiểu bố già Berezovsky từ Điện Kremlin bay tới London. Nhân vật đó là ai?

Cuộc chiến giữa hai ‘trùm sò’ Boris Berezovsky - Roman Abramovich (Kì 6): ‘Người đàn ông mạnh nhất nước Nga’ cứu Abramovich
Phi Alexander Voloshin - “Người đàn ông mạnh mẽ nhất nước Nga”, không ai có thể giúp Roman Abramovich đập tan được “Vòng tròn London” của bố già Boris Berezovsky...
Người đàn ông mạnh nhất nước Nga

Alexander Voloshin sinh năm 1956, là nhân vật quyền lực đứng đằng sau chính quyền Boris Yeltsin và sau này là Vladimir Putin với tư cách Chánh văn phòng Tổng thống. Voloshin được coi là “công thần” trong việc giúp ông Vladimir Putin trở thành ông chủ Điện Kremlin vào năm 2000. Với đầu óc siêu việt của mình, từ văn phòng Kremlin, Voloshin giúp cho nền kinh tế Nga không thể sụp đổ trong bối cảnh hỗn loạn chưa từng thấy trong giai đoạn nhiệm kỳ II của Tổng thống Boris Yeltsin và phục hồi nhanh chóng khi ông Vladimir Putin đắc cử Tổng thống năm 2000.
Roman Abramovich cùng đoàn luật sư

Tatyana Dyachenko, cô con gái quyền lực của cựu Thổng thống Boris Yeltsin miêu tả: “Khi làm việc, ông ta (Voloshin) là một chiếc máy tổng hợp, hoạt động hiệu quả và không biết mệt mỏi. Đôi khi, tôi không thể hiểu vì sao ông ta có thể trụ vững được”.

Năm 2003, do mâu thuẫn với Điện Kremlin vì vụ bắt doanh nhân Mikhail Khodorkovsky trong vụ Yukos gây chấn động nước Nga và thế giới, Voloshin đệ đơn từ chức. Nhưng rồi năm 2008, khi cuộc khủng hoảng tài chính tín dụng làm nền kinh tế toàn cầu nói chung cũng như nước Nga nói riêng chao đảo, Điện Kremlin lại phải mời Voloshin về làm Chủ tịch “gã khổng lồ” Norilsk Nickel, tập đoàn chiếm tới 1/3 sản lượng niken trên toàn thế giới.

Hiện nay, khi những đầu tàu khinh tế như Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản đang lao đao vì khủng hoảng, nhiều chuyên gia dự báo bức tranh kinh tế thế giới vào năm tới sẽ còn xám xịt hơn, thì ở Kremlin, một kế hoạch táo bạo được phê chuẩn: Biến Moscow trở thành Trung tâm Tài chính của thế giới. Ai đủ sức mạnh lãnh đạo kế hoạch táo bạo trên? Vào tháng 5/2011 vừa qua, Tổng thống Nga, Dmitry Medvedev đã bổ nhiệm Alexander Voloshin.

The Family

Boris Berezovsky không lạ gì cái đầu siêu việt của Alexander Voloshin từ thời còn ở Điện Kremlin. Mùa Xuân năm 1998, khi nước Nga rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị nặng nề, khiến Tổng thống Boris Yeltsin bị các Đảng Dân chủ và Cộng sản phản đối dữ dội trong Duma Quốc gia, thì cùng với lệnh ái Tatyana Dyachenko của ông Yeltsin, Boris Berezovsky và các “đầu sỏ chính trị” khác lập nên một “Bộ tham mưu” riêng nhằm bàn cách giúp đỡ Tổng thống. Tuy nhiên, nhóm này chẳng bàn bạc được chuyện đại sự quốc gia gì cho ra hồn mà chỉ bàn về chuyện gia đình của Tổng thống, nên thiên hạ mới đặt cho nhóm này một cái tên rất tếu táo nhưng đúng bản chất là “The Family” (Gia đình).
Voloshin và bố già Berezovsky

Quốc gia thì lộn xộn, mà “Bộ tham mưu” chỉ biết luyên thuyên chuyện “gia đình” thì hỏng bét, thế nên năm 1999, bố già mới quyết định “kết nạp” Alexander Voloshin - đối tác trong công ty Automobile Alliance (AVVA) và “đàn em” Roman Abramovich - nhân vật cũng có đóng góp lớn trong chiến dịch tái tranh cử của Boris Yeltsin năm 1996 vào “The Family”. Từ ấy, kinh tế quốc gia thì có Alexander Voloshin lo nên Tổng thống đánh bại được những nỗ lực buộc tội của các đảng đối lập trong Duma Quốc gia. Kinh tế gia đình lại càng vững mạnh vì có người lo về mặt tài chính là Roman Abramovich. Nhưng cũng từ ấy, trong “Gia đình”, Alexander Voloshin và Roman Abramovich - 2 cái đầu vĩ đại đã bắt tay nhau, đã thì thầm nói về tương lai của nước Nga là Vladimir Putin sau lưng lệnh ái Tatyana và bố già Berezovsky. Nhưng không chỉ nói, họ hành động vì tương lai của nước Nga mà “Bố già ở Điện Kremlin” cùng ái nhữ nhà Yeltsin - những người chỉ biết bàn chuyện “gia đình” không hề hay biết.

Thế nên năm 2000, khi ông Vladimir Putin trở thành Tổng thống thứ 2 của Nhà nước Liên bang Nga, khi “Bố già ở Điện Kremlin” hết thời phải rời bỏ tổ quốc, thì vụ Sibneft phải đến như một lẽ đương nhiên.

Nhân chứng Voloshin

Diễn biến của phiên tòa xử Boris Berezovsky kiện Roman Abramovich 3,2 tỉ bảng vì vụ “đe dọa và ép giá” Sibneft tại tòa thương mại ở London nằm trong tầm quan tâm đặc biệt của Điện Kremlin. Và dĩ nhiên, người Nga thừa hiểu bố già Berezovsky không đơn độc, mà có sự hỗ trợ của “Vòng tròn
London” được bố già tạo ra cùng các “phần tử cộm cán lưu vong”, tiêu biểu là Akhmed Zakayev - cựu Ngoại trưởng trong Chính phủ của phiến quân Chechnya.
Voloshin và ngài V.Putin

Theo một số nguồn tin từ Nga, trong trường hợp cần thiết, từ
Moscow, Alexander Voloshin sẽ bay thẳng sang London để dự phiên tòa với tư cách nhân chứng cho Roman Abramovich. Dư luận Nga cho rằng, với “Người đàn ông mạnh nhất nước Nga”, “Vòng tròn London” của nhà chính trị lưu vong Berezovsky chẳng có nghĩa lý gì. Bởi Voloshin không lạ những thủ đoạn, mánh khóe của Berezovsky cũng như nắm trong tay hàng mớ chứng cứ chứng minh bố già là kẻ lừa đảo trong khuôn khổ của một tòa án thương mại. Vì từng là đối tác của Berezovsky trong AVVA cũng như “Gia đình”, nên Voloshin quá rõ bố già đã lừa 50 triệu USD tiền cổ phiếu của các nhà tài phiệt Nga năm 1993 ra sao. Nhưng quan trọng hơn, ở vụ Sibneft, Voloshin có thể chứng minh Berezovsky không đóng góp bất cứ đồng vốn nào vào Sibneft, mà số cổ phần của bố già có được trong công ty dầu mỏ này là… ăn cướp như lời cáo buộc của phe luật sư Abramovich trong phiên xử hôm thứ Hai, ngày 10/10 là đúng.

Con người không phải là Thánh, nên dù gan to đến đâu, ai cũng có những nỗi sợ cho riêng mình để không biến thành… Thánh. Berezovsky cũng vậy, bố già này luôn coi trời bằng vung, không sợ trời sập. Nhưng giờ này, có lẽ đã xuất hiện một nhân vật khiến bố già phải sợ: Alexander Voloshin, kiến trúc sư của nền kinh tế Nga.

Nếu Voloshin đến
London, thì sự xuất hiện ấy không chỉ vì ông chủ Chelsea. Lớn hơn, vì “cái gai phải nhổ” trong con mắt của Điện Kremlin…

Cuộc chiến giữa hai ‘trùm sò’ Boris Berezovsky - Roman Abramovich (Kì 7): Kẻ cắp kiện kẻ trộm
Trước khi “tặng quà” cho Abramovich tại tòa London, Berezovsky cũng đã “tặng quà” sinh nhật cho cựu Tổng thống Nga, Vladimir Putin tại Moscow bằng cái chết của nữ nhà báo nổi tiếng Anna Politkovskaya.
Quà sinh nhật cho Điện Kremlin

Ngày
7/10/2006 là một ngày buồn của Nước Nga. Hôm ấy, người ta phát hiện ra bà Anna Politkovskaya chết trong thang máy ở tòa nhà có căn hộ của bà tại Moscow với 3 lỗ thủng trên người được tạo bởi những “viên kẹo đồng” Makarov. Bà là nhà báo, nhà văn, nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng với những phóng sự điều tra về tình hình ở Chechnya, ở Nga và đặc biệt là cuốn sách được xuất bản năm 2004 mang tên Putin's Russia (Nước Nga của Putin).

Vì "Nước Nga của Putin” cũng như hàng loạt bài phóng sự trước đó trên báo Novaya Gazeta có chỉ trích những chính sách của Tổng thống Nga thời đó là ông Vladimir Putin, nên cái chết của Politkovskaya gây bất lợi cho Điện Kremlin trong con mắt của dư luận phương Tây, khiến Tổng thống Putin cũng phải lên tiếng “làm cho ra nhẽ”.
Cái chết của Politkovskaya là “quà sinh nhật” Berezovsky “tặng” cho ông V.Putin

Những kẻ liên quan đến cái chết của bà Politkovskaya sau đó lần lượt sa lưới. Đó là sát thủ Rustam Makhmudov và Trung tá cảnh sát Dmitry Pavlyuchenkov - kẻ chỉ huy âm mưu giết Politkovskaya ở
Moscow. Nhưng đằng sau Pavlyuchenkov là ai? Năm 2007, Công tố viên Yury Chaika đã nghi ngờ bố già Berezovsky.

Quả nhiên, trung tuần tháng 9 vừa qua, viên cựu Trung tá Pavlyuchenkov đã xác nhận: Bố già Berezovsky sai Lom-Ali Gaytukaev - một phần tử Chechnya cộm cán bậc nhất trong “Vòng tròn London” (The London Circle) đến Moscow “đặt hàng” vụ Anna Politkovskaya để làm… quà tặng sinh nhật lần thứ 54 của ông Vladimir Putin.

Làm loạn ở Downing

Món quà của bố già Berezovsky tặng ông Vladimir Putin mặn chát, vì nó lại tạo ra một đám ma lớn nhất nước Nga, khiến ông Putin và “Moskva không tin vào những giọt nước mắt” một lần nữa phải rơi lệ, hệt như cái đám ma mà bố già đã tạo ra cho ngôi sao truyền hình nổi tiếng Vladislav Listyev trong vụ ORT ngày 1/3/1995.

Ngày 1/11/2006, tức chưa đầy 1 tháng sau vụ Anna Politkovskaya, thì Alexander Litvinenko, cựu Trung tá KGB, một kẻ chống đối Nhà nước Nga của ông Putin, cùng theo Berezovsky chạy sang Anh tị nạn năm 2001 và dĩ nhiên có tên trong danh sách “Vòng tròn London” của bố già, dính độc trong một nhà hàng kiểu Nhật tại London rồi… lăn đùng ra chết trong bệnh viện ngày 23/11 năm đó.

Một vụ đầu độc hèn hạ, một vụ trả thù từ
Moscow. Bố già Berezovsky đã phát đi thông điệp ấy ở London, khiến ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên Điện Kremlin phải lên tiếng: Kremlin không liên quan gì đến cái chết của cựu điệp viên KGB Alexander Litvinenko.

Ngày
13/4/2007, trên The Guardian, bố già tuyên bố “chuẩn bị một cuộc cách mạng Nga bằng bạo lực”, qua đó, chính thức tuyên chiến với Điện Kremlin. Tuy nhiên, tháng 9 năm đó, bố già lại tổ chức một cuộc họp báo tại London. Một điểm họp báo khôn ngoan, vì nó chỉ cách số 10 Downing của Thủ tướng Anh chính xác là 182,88m. Cuộc họp báo ấy được bố già cho tới 200 tên đàn em bảo vệ.

Nội dung của cuộc họp ấy, Berezovsky tố cáo ông Vladimir Putin đã cho người giết mình vào tháng trước nhưng không thành để bịt đầu mối trong vụ Alexander Litvinenko bị đầu độc. Akhmed Zakayev - cựu Ngoại trưởng phiến quân Chechnya, phó tướng của bố già trong “Vòng tròn London” còn kêu gọi “số 10 Downing” phải có trách nhiệm bảo vệ những “người Nga ở London” khỏi sự truy sát của “người Nga ở Nga”.

Kẻ cắp la làng

Moscow hiểu rằng, bố già Berezovsky kiện Roman Abramovich trong vụ “đe dọa và ép giá” Sibneft không đơn giản vì món tiền khổng lồ 3,2 tỉ bảng. Thế mới nói, “Người đàn ông mạnh nhất nước Nga”, “Kiến trúc sư” của nền kinh tế Nga, Alexander Voloshin nếu đến London để làm chứng cho Roman Abramovich, thì hành động ấy được xem là “nhất cử lưỡng tiện”: giúp ông chủ Chelsea thắng kiện bạc tỉ và giúp cho những ông chủ Điện Kremlin giáng thêm một đòn nặng nữa vào “Vòng tròn London” của bố già…
Berezovsky đến tòa cùng người tình Yelena Gorbunova và luật sư

Vì ngoài bị đơn Roman Abramovich, Alexander Voloshin quá hiểu bố già Berezovsky đã lợi dụng chính sách “Tư hữu hóa tài sản Nhà nước” để biến Sibneft - công ty dầu mỏ lớn thứ 6 tại Nga thành tài sản riêng ra sao. Bằng thủ đoạn và quyền lực chính trị của mình ở Kremlin dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin, bố già đã chiếm Sibneft bằng cái giá “rẻ như bèo” rồi bán dần cổ phần đút túi cho đến năm 2001 mới kết thúc. Abramovich có được cổ phần Sibneft của bố già cũng theo con đường đó.

Cụ thể, trong khoảng thời gian từ năm 1996 đến 1998, ông chủ Chelsea đã “bơm” cho bố già 300 triệu USD (180 triệu bảng), số tiền này được bố già mua du thuyền, 2 biệt thự tại Cap D’Antibes (Pháp), trong đó có biệt thự Clocher de la Garoupe cùng đồ trang sức cho bạn gái Elena Gorbunova. Thế nên, ngay trong phiên xử kiện ngày 6/10 vừa qua trên tòa
London, luật sư Jonathan Sumption của ông chủ Chelsea mới khẳng định: Berezovsky không đóng góp bất cứ đồng xu cổ phần nào vào Sibneft, vậy là ăn cướp?

Nếu Alexander Voloshin xuất hiện ở tòa London và chứng minh được cáo buộc của phe Abramovich là đúng, thì nghiễm nhiên, Boris Berezovsky trở thành một kẻ “ăn trộm” đi kiện ông chủ Chelsea “ăn cướp” tài sản do bố già “trộm” được. Khi ấy quả thật, bồi thẩm đoàn tòa thương mại
London hẳn sẽ đau đầu, vì họ chưa từng xử một phiên nào kỳ quái đến như vậy…

Cái tên Alexander Voloshin được xướng lên từ
Moscow khiến bố già hoang mang. Nhưng bố già đã có cách. Trong phiên xử ngày 11/10 vừa qua, Berezovsky bất ngờ tố cáo ông chủ Chelsea là “gangster”, là “mafia”. Bố già cũng bóng gió đề cập đến khả năng, nếu thua Abramovich trên tòa thương mại, thì sẽ lôi tiếp ông chủ Chelsea lên tòa hình sự vì “hoạt động mafia”.

Hành động này của bố già được hiểu là một thông điệp gửi tới
Moscow: dù Alexander Voloshin có làm trời sập, thì vẫn có một lỗ thoát cho bố già?

Cuộc chiến giữa hai ‘trùm sò’ Boris Berezovsky - Roman Abramovich (Kì 8): Ông chủ Chelsea là mafia?
Phiên tòa Commercial Court ở London quả thực đã vượt qua tính chất thương mại, khi bố già Boris Berezovsky lên tiếng khẳng định Abramovich là mafia.
Roman Abramovich chưa cầm dao giết người, nhưng bàn tay của ông chủ Chelsea tanh ngòm mùi máu, vì ông chủ Chelsea là “mafia”!?

“KGB đen” thời phương Đông hoang dã

Nước Nga những năm 1990 dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin, như đã nói, nền kinh tế hỗn loạn chưa từng thấy, vì lợi ích kinh tế của cả một đất nước kéo dài từ Á sang Âu bị đặt dưới lợi ích của một nhóm các nhà tài phiệt, được “bảo kê” bởi các “chính trị đầu sỏ”, mà Boris Berezovsky được gọi là bố già của cả tất cả các thế lực: chính khách, doanh nhân, xã hội đen. Xin nhắc lại, thời kỳ ấy được nhà báo David Satter gọi bằng thuật ngữ nổi tiếng “Darkness at dawn” (Bóng tối lúc bình minh).
Ông chủ Chelsea và bạn gái Daria Zhukova

Ngày 31/12/1999, Tổng thống Boris Yeltsin từ chức, sự kiện này có thể xem là cột mốc kết thúc giai đoạn “Darkness at dawn” ở Nga và tạo cho ông Vladimir Putin (Tổng thống tạm quyền theo Hiến pháp Nga) rất nhiều vấn đề lớn cần giải quyết để “Mặt trời Nga lại bừng sáng ở phương Đông”, trước khi chính thức trở thành Tổng thống sau cuộc bầu cử ngày 26/3/2000. Nước Nga giai đoạn ấy được người phương Tây bình luận là xã hội hỗn loạn, không có luật pháp và họ gọi bằng thuật ngữ là “Wild East” (Phương Đông hoang dã).

Dĩ nhiên, một gã “chính trị đầu sỏ” lưu vong như Berezovsky ủng hộ quan điểm của phương Tây và bố già đã nói về nước Nga trong thời kỳ “Wild East” trên phiên tòa kiện Abramovich ở London.

Theo Berezovsky, “Wild East” nghĩa là gì? Bố già cho biết, “Phương Đông hoang dã” đã “đẻ” ra “Những chiến dịch đen” (Black Ops) hay “KGB đen” (KGB black) kiểu cổ điển. Berezovsky nói trên tòa: “Nếu từ chối đàm phán với họ, lập tức bị đe dọa. Nó giống như một kiểu KGB đen cổ điển mà chúng ta có thể đọc trên sách”. Và bố già kết luận, rằng mình là nạn nhân của “Black Ops”, mà vụ Sibneft là một minh chứng điển hình, vì ông chủ Chelsea là “một bộ phận quan trọng của Những chiến dịch đen”.

Ngục tù, máu hay câu chuyện hoang đường?

Ngoài vụ Sibneft, cũng năm 2000, theo Berezovsky, Abramovich còn ép bố già này từ bỏ mọi lợi ích của mình trong Rusal - công ty nhôm khổng lồ ở Nga và Đài truyền hình ORT (Channel 1).
Nikolai Glushkov trong nhà tù ở Nga

Nhưng để Berezovsky gật đầu trên bàn đàm phán, thì ngoài việc dựa vào thế lực “Black Ops”, bố già này cho biết, Abramovich còn thực hiện hành vi lừa đảo. Câu chuyện này có liên quan đến một nhân vật nổi tiếng khác có tên Nikolai Glushkov.

Glushkov là một doanh nhân cỡ bự ở Nga những năm 1990, từng là Phó GĐĐH hãng hàng không Aeroflot. Glushkov là chiến hữu thân cận nhất của Boris Berezovsky. Trong quan hệ làm ăn, Glushkov là đối tác của bố già trong công ty xe hơi AvtoVAZ, Andava (đặt trụ sở ở Thụy Sỹ) và cùng nắm cổ phần lớn trong ORT. Năm 2000, khi “Bố già ở Điện Kremlin” gặp nạn thì Glushkov bị bắt với tội danh biển thủ tiền của Aeroflot.

Ngay sau khi Glushkov bị bắt, Berezovsky cho biết, Abramovich đưa ra lời đề nghị rằng, Glushkov sẽ được thả tự do nếu ông này và bố già phải bán toàn bộ cổ phần ở ORT. Nhưng, bố già nói: “Ông bạn Glushkov tội nghiệp của tôi không được thả tự do như lời hứa của Abramovich. Không những thế, sau vụ ORT, ông chủ
Chelsea tiếp tục ép Berezovsky vụ Sibneft. Nếu bố già từ chối thì: “Abramovich bảo, hãy nhìn tấm gương của Glushkov”. Lại một kết luận nữa được bố già khét tiếng trong giới đưa ra trước tòa: “Abramovich không phải sát thủ, nhưng ông ta nắm đầu một bè lũ giết người, để đoạt được mục đích bằng máu hoặc ngục tù. Xin lỗi quý tòa, tôi phải nói ra câu này, Roman Abramovich là một tay gangster, một gã mafia đích thực”.

Luật sư Jonathan Sumption của ông chủ
Chelsea vỗ tay: “Câu chuyện của ngài (Berezovsky) rất hay, hay lắm! Nhưng đó là một câu chuyện hoang đường”.

Cuốn băng trị giá 50 triệu USD

Nhưng bố già nói, câu chuyện thú vị của mình không phải là hoang đường, mà là thực tế, thực tế ấy được đảm bảo bằng con số 50 triệu USD.

Cảng hàng không Le Bourget, Paris vào một ngày đẹp trời tháng 12/2000, theo đúng lịch hẹn của bố già Boris Berezovsky, Roman Abramovich có mặt tại đó để giải quyết dứt điểm mọi mâu thuẫn, trong đó có Sibneft. Nhưng ông chủ Chelsea không ngờ hôm đó, Badri Patarkatsishvili, doanh nhân người Georgia - nhân vật nắm lượng lớn cổ phần Sibneft cũng đáp máy bay tới Le Bourget theo lời mời của bố già.
Doanh nhân Patarkatsishvili

Theo Berezovsky, hành động ép giá, đe dọa của Roman Abramovich đối với bố già đã được Patarkatsishvili bí mật ghi âm và bố già sẵn sàng chi ra 50 triệu USD để mua lại cuốn băng nhằm chứng minh cáo buộc Abramovich đã “đe dọa và ép giá” trong vụ Sibneft cũng như ông chủ Chelsea là gangster, là mafia.

Nhân chứng của bố già là “cuốn băng trị giá 50 triệu USD” (nếu có), nó được xem là đối trọng khá cân bằng với một nhân chứng sống của ông chủ The Blues là “Người đàn ông mạnh nhất nước Nga” - Alexander Voloshin.

Nhưng Roman Abramovich trở thành một gangster như lời bố già là nhờ ai và dựa vào thế lực nào để “san bằng tất cả”? Bố già Berezovsky lại tuyên bố gây sốc, mà từ tòa thương mại
London, tuyên bố ấy vang xa tới tận Moscow. Xa hơn nữa, nó vang đến tận Bắc Kinh…
Cuộc chiến giữa hai ‘trùm sò’ Boris Berezovsky - Roman Abramovich (Kì 9): Bắc Kinh rung động
Sau Điện Kremlin và Downing Street, thì từ ngày 11/10, dù muốn hay không, người ở Trung Nam Hải cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho phiên tòa kiện ông chủ Chelsea tại London.
Bố già không “đẻ” ra mafia

Ngày 11/10/2011, ở tòa thương mại London, như đã đề cập ở kỳ trước, Boris Berezovsky - bố già khét tiếng trong giới mafia và “đầu sỏ chính trị” Nga vào những năm 1990 đã chỉ tay vào mặt Roman Abramovich để tố cáo ông chủ Chelsea là gangster, hoạt động mafia. Cũng phải nhắc lại lời Berezovsky, là ngay trong lần gặp nhau đầu tiên trên du thuyền ở biển Caribbe năm 1994, bố già đã “kết” Roman Abramovich - một doanh nhân có tham vọng ở tuổi 28 và từ ấy, bố già “coi Roman Abramovich như con”. Tức là, Boris Berezovsky muốn xác tín với nữ thẩm phán Gloster cùng bồi thẩm đoàn một “tín điều”: Bố già giúp đỡ và hợp tác làm ăn với Abramovich như cha với con, chứ bố già không “đẻ” ra một “đứa con” Abramovich-gangster để rồi bị phản bội. Vậy ai biến doanh nhân Abramovich thành gangster?

Ngày 26/3/2000, ở Moscow, ở St. Petersburg, ở Siberia, ở khắp hang cùng ngõ hẻm nước Nga, những “anh Ivan” nghèo nhất cũng móc hầu bao ra mua một chai vodka để chúc mừng sự kiện ông Vladimir Putin chính thức trở thành ông chủ Điện Kremlin. Ngược lại, Bố già Berezovsky giống như một con chó dữ, nhưng đã bị người ta “cắt cụt đuôi”.
Roman Abramovich

Lần lượt những nhân vật có máu mặt trong “Vòng tròn Kremlin” (The Kremlin’s inner Circle) bị bắt, điển hình nhất là vụ bắt Nikolai Glushkov vào ngày
7/12/2000. Bản thân bố già dĩ nhiên cũng bị luận tội “lừa đảo, giết người, hoạt động mafia, liên hệ với phiến quân Chechnya…”. Trong bối cảnh ấy, một đàn em mà bố già “coi như con” là Abramovich lại bình yên vô sự. Và bố già lờ mờ nhận ra rằng, Abramovich không còn là “người” của mình nữa. Bố già tuyên bố: Abramovich đã phản bội.

Ván bài lật ngửa

Nhưng Berezovsky chỉ nhận ra, “đứa con phản bội” Abramovich có sức mạnh thực sự sau khi Nikolai Glushkov - một chiến hữu lớn của bố già bị tống vào nhà tù Moscow với tội “biển thủ” tiền của Aeroflot.

Theo quan điểm của bố già, sở dĩ ông bạn khốn khổ Glushkov bị bắt vì đã nói không với hội “KGB đen” (KGB Black) hay “Những chiến dịch đen” (Black Ops) trong vụ ORT, mà Roman Abramovich là một “bộ phận quan trọng của Black Ops”. Đến vụ “đe dọa và ép giá” Sibneft, Berezovsky lại nhận ra rằng, trên cả Black Ops, Roman Abramovich là “người của Vladimir Putin”. Ngày 11/10/2011, bố già khẳng định trên tòa: “Abramovich có Putin đứng ở đằng sau. Anh ta hiểu mình nguy hiểm thế nào. Anh ta nói: Tôi là người có ảnh hưởng đến những quyết định của Putin”.

Bố già choáng váng. Nhưng Berezovsky khẳng định, ngay sau khi Abramovich chơi ván bài lật ngửa ấy, bố già đã trở lại Điện Kremlin để “mặt đối mặt” với Tổng thống Vladimir Putin. Ở Điện Kremlin, theo bố già, lại một ván bài nữa được lật ngửa: Boris Berezovsky phải từ bỏ mọi lợi ích của mình ở ORT và Sibneft. Bố già tức mình chỉ trích lại Tổng thống Putin là người có lỗi trong vụ tàu ngầm hạt nhân
Kursk bị đắm vào tháng 8/2000 rồi từ chối và “lại bị đe dọa”.

Bố già kết luận: “Trong tất cả các vụ Rusal, ORT và Sibneft, Abramovich đều mang Vladimir Putin ra để đe dọa và chúng tôi không thể làm gì. Xin lỗi quý tòa, Abramovich là gangster, Vladimir Putin là tấm lá chắn của anh ta, không phải tôi. Tôi nhắc lại, đó là Putin, không phải tôi”.

Gió bay qua Tử Cấm Thành


Kể từ khi chạy sang Anh tị nạn năm 2001, người ta chẳng lạ gì những lời công kích, chỉ trích dữ dội của Berezovsky nhằm vào ông Vladimir Putin. Nhưng lần này, lời cáo buộc của Berezovsky gây sự chú ý hơn cả, bởi bố giá đã khéo léo dùng ông chủ
Chelsea để buộc tội ông Vladimir Putin. Một thủ thuật trong thi ca và hội họa mà người Trung Quốc vẫn gọi là “Vẽ mây, nẩy trăng”. Hơn nữa, “thủ pháp nghệ thuật” ấy được bố già sử dụng rất đúng thời điểm, nên nó làm cho dân Bắc Kinh phải xôn xao: ngày 11/10/2011.
Chủ tịch Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào (phải) và Thủ tướng Nga, V.Putin

Hôm ấy, Thủ tướng Vladimir Putin chính thức đặt chân đến Bắc Kinh, thăm Trung Quốc 2 ngày theo lời mời của Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Ngoài vấn đề tăng cường hợp tác mối quan hệ song phương Nga - Trung, trong đó hợp tác năng lượng là trọng tâm, thì chuyến công du của Vladimir Putin có ý nghĩa rất lớn cho cá nhân ông.

Nên nhớ, chuyến công du của Thủ tướng Putin đến Trung Quốc chỉ diễn ra sau đúng 2 tuần ông tuyên bố sẽ tranh cử Tổng thống Nga vào ngày 4/3 năm tới, còn Tổng thống Dmitry Medvedev cũng đã loại trừ khả năng tái tranh cử ở Đại hội Đảng Nước Nga Thống nhất và để cử ông Putin, người tiền nhiệm của mình. Dư luận xứ Bạch dương cho rằng, ông Putin sẽ không có đối thủ và 12 năm tới, nước Nga sẽ lại của Putin.

Giới quan sát cho rằng, những cuộc hội đàm của ông Putin với Thủ tướng Trung Quốc, Ôn Gia Bảo và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vượt trên ý nghĩa của một cuộc công du cấp Thủ tướng, nó được hiểu là một hành động “thăm dò” xem Trung Nam Hải nghĩ gì về ông chủ trong tương lai của Điện Kremlin. Liệu sau cái bức tường cao vời vợi của Tử Cấm Thành kia, người ở Trung Nam Hải còn xem “Putin là người bạn cũ của nhân dân Trung Hoa” hay không trong bối cảnh ông Putin không nhận được cái nhìn thiện cảm của Nhà Trắng ở Washington D.C, vì nhiều bất đồng, nổi bật là mâu thuẫn chung quanh về “Hệ thống phòng thủ tên lửa chung châu Âu” (AMD).

Đúng vào thời Vladimir Putin cần sự ủng hộ, cần cái nhìn thiện cảm ở Bắc Kinh, thì ở London, bố già Berezovsky lại đưa tên ông Putin vào hoạt động mafia của Roman Abramovich. Và câu chuyện bên lề ấy xem ra được dư luận ở Bắc Kinh bàn tán xôn xao hơn là đề tài “năng lượng”, “vũ khí”, “quân sự”, “khoa học”… mà ông Putin hội đàm với ông Hồ Cẩm Đào tại Trung Nam Hải. Vẫn biết, tường Tử Cấm Thành rất… cao, nhưng những lời ong tiếng ve vẫn theo “gió” lọt vào Trung
Nam Hải, khiến người ta không khỏi suy ngẫm.

Suy ngẫm về cái bắt tay hướng tới tương lai Nga - Trung của ông Putin và ông Hồ Cẩm Đào tại Trung Nam Hải mà người ở ngoài Tử Cấm Thành chẳng biết chặt hay lỏng. Suy ngẫm về cái bắt tay của ông Putin và Roman Abramovich ở Điện Kremlin trong quá khứ, mà theo lời trăng trối trước khi chết (đầu độc) của cựu điệp viên KGB, Alexander Litvinenko thì: cái bắt tay ấy chặt lắm.

Bố già chỉ cần thế...
Cuộc chiến giữa hai ‘trùm sò’ Boris Berezovsky - Roman Abramovich (Kì 10): Điện Kremlin và câu chuyện điệp viên Litvinenko
Ngày 1/11/2006, Litvinenko bị dính độc phóng xạ tại một quán rượu ở London. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, điệp viên này khẳng định, cũng giống như vụ Politkovskaya, ông Putin đứng sau vụ đầu độc mình...
Tòa thương mại London ngày 11/10/2011, Boris Berezovsky dùng ông chủ Chelsea tố cáo Vladimir Putin, khi Thủ tướng Nga công du Bắc Kinh. Hành động này nhằm 2 mục đích. Thứ nhất, hạ uy tín của ông Putin ở Trung Nam Hải. Thứ hai, gợi lại vụ điệp viên KGB Alexander Litvinenko, vụ án từng khiến quan hệ giữa số 10 Downing và Điện Kremlin mâu thuẫn và nguội lạnh...

Đâm lao và trúng đích

Alexander Litvinenko biết Boris Berezovsky năm 1994. Thời điểm ấy, bố già chưa có vai vế gì trong “Vòng tròn Kremlin” mà chỉ được biết đến như một gã tài phiệt, dựa nhiều vào giang hồ Chechnya để làm ăn. Cũng vì những mâu thuẫn trong công việc làm ăn nơi “giang hồ hiểm ác”, mà đầu năm 1994, chiếc xe Mercedes 600 của Berezovsky bỗng nhiên… “bùm” trên đường phố
Moscow. Một vụ đánh bom, tay tài xế chết không kịp ngáp còn bố già may mắn thoát nạn.

Rất nhiều nhà tài phiệt bị mưu sát vào thời điểm đó mà Berezovsky là một vụ điển hình. Cục An ninh Liên bang Nga (FSB) vào cuộc và Alexander Litvinenko được giao nhiệm vụ lãnh đạo kế hoạch điều tra về những vụ mưu sát nhằm vào các nhà tài phiệt cũng như hoạt động mờ ám của chính các nhà tài phiệt ấy. Tuy nhiên, Litvinenko lại hợp tác với Berezovsky và trở thành nhân vật “bảo kê về mặt an ninh” cho bố già.
Đằng sau Berezovsky và Abramovich không chỉ có bóng hồng...

Ai đánh bom bố già?

Moscow thời gian ấy, ngoài băng Solntsevo, chẳng có thế lực nào dám “vuốt râu hùm”? Thế là ở ngay ngoài showroom ô tô Logovaz của bố già, nơi gần rạp hát Kazakhstan có ngay một cuộc đụng độ bằng súng giữa băng Solntsevo và một đội quân kéo tới từ Chechnya, khiến 4 tên Solntsevo cùng 6 tên Chechnya bỏ mạng. Điều đáng nói là, có người nhìn thấy bố già trong cuộc đụng độ ấy.

Hành động bao che của Litvinenko cho Berezovsky là bất hợp pháp. Điện Kremlin biết, nhưng người ta vẫn lờ đi, vì nếu điều tra hoặc bắt Berezovsky cũng đồng nghĩa với việc nguồn thu nhập của những sĩ quan cao cấp, ưu tú nhưng nhận lương thấp như Litvinenko sẽ bị cắt.

Năm 1996, khi bố già Berezovsky trở thành công thần số 1 trong chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Boris Yeltsin, Litvinenko mới gặp Roman Abramovich. "Gã mặt non choẹt này là ai?" - Litvinenko hỏi và bố già trả lời: "Người của tôi!"

Nhưng càng ngày, Litvinenko lại nhận thấy Roman Abramovich càng nguy hiểm. Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ The Time năm 2004, Litvinenko cho biết: “Tôi biết đội ngũ của Vladimir Putin từ năm 1991 ở St Petersburg và từng gặp ông Putin năm 1998. Nhưng đến năm 1999, tôi mới biết mình và Abramovich không đi chung đường”. Cũng theo Litvinenko, vào khoảng năm 1997-1998, các nhà tài phiệt đều chọn cho mình một nhân vật mà họ tin sẽ trở thành Tổng thống để phò tá và ủng hộ. Roman Abramovich đã chọn Putin và bí mật lập nên quỹ tranh cử cho ông Putin sau lưng bố già. Kết quả là Abramovich đã “phóng một mũi lao” trúng đích, còn những kẻ “không đi chung đường” với ông chủ
Chelsea như Berezovsky hay Litvinenko phải nhận những kết cục không như mong đợi.
Litvinenko giới thiệu cuốn sách “Thổi tung nước Nga: khủng bố từ nội bộ” (Blowing up Russia: Terror from Within) trong thời gian tị nạn ở Anh

Ngựa vào đường hẹp làm sao quay đầu!

Nếu như bố già Boris Berezovsky là công thần của Boris Yeltsin ở nhiệm kỳ II, thì theo Litvinenko, Roman Abramovich cũng đóng vai trò tương tự ở Điện Kremlin khi ông Vladimir Putin chính thức trở thành Tổng thống. Và dĩ nhiên, nhờ mối quan hệ như cha con với ông Putin, công việc kinh doanh của ông chủ Chelsea ở Nga ngày càng phát đạt rồi trở thành tỉ phú thứ 6 ở Nga và 53 trên thế giới với số tài sản khổng lồ lên tới 11 tỉ bảng.

Nhưng mối quan hệ của Abramovich và Putin, theo Litvinenko là khác hẳn mối quan hệ giữa Berezovsky và Yeltsin. Vì, “Roman Abramovich không phải một nhà chính trị hay triết gia, anh ta chỉ là một nhà kinh doanh đơn thuần, luôn biết nhẫn nhịn và tuyệt đối tuân lệnh Putin”.

Chơi với vua như đùa với hổ. Cựu sĩ quan cao cấp của Cục An ninh Liên bang Nga (FSB) và Cơ quan Tình báo Nga (KGB) khẳng định: “Abramovich không thể thoát được vòng kiểm soát của Vladimir Putin và luôn có khả năng bị bỏ tù, bị giết, bị ép từ bỏ một lợi ích kinh tế nào đó dù muốn hay không. Nhiệm vụ kiểm soát Abramovich được Putin giao cho một đội ngũ vây quanh gọi là Lực lượng Đặc biệt Nga (
Russia Special Service). Abramovich có nhiều công ty thương mại tại Nga, nếu ông chủ Chelsea ôm tiền chạy trốn ở bất cứ nơi đâu, Lực lượng Đặc biệt sẽ cử người đến tận nơi đó để thanh toán”.

Năm 2005, Abramovich bất ngờ bán toàn bộ cổ phần Sibneft - nguồn thu chính của Abramovich cho công ty dầu mỏ nhà nước Gazprom. Ở vụ này, Litvinenko khẳng định trên The Times: “Không có giải pháp nào khác cho Roman Abramovich, nếu chống đối, anh ta sẽ nhận được những bài học kiểu như nhà tỉ phú Mikhail Khodorkovsky hay Boris Berezovsky”.

Hiểu theo cách của Litvinenko, Abramovich đã theo Vladimir Putin thì phải theo đến cùng, nó cũng giống như con chiến mã lạc vào đường hẹp, chỉ có tiến, không thể quay đầu. Nhưng nếu nhìn một cách tích cực hơn, Roman Abramovich biết đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích của cá nhân mình, một điểm khác biệt của ông chủ Chelsea trong quan hệ với Kremlin so với bố già Boris Berezovsky vào những năm 1990.

Đoạn kết buồn của một điệp viên

Litvinenko “không đi chung đường” với Roman Abramovich, rồi bị bắt, rồi chạy sang Anh tị nạn năm 2000. Tại London, viên sĩ quan nổi tiếng một thời trong KGB và FSB tiếp tục chống phá chính quyền Liên bang Nga của Putin. Ông tung ra 2 cuốn sách gây chấn động
Moscow có tên “Thổi tung nước Nga: khủng bố từ nội bộ” (Blowing up Russia: Terror from Within) và “Băng Lubyanka” (Gang from Lubyanka).
Litvinenko những ngày cuối đời trong bệnh viện

Sau sự kiện nữ ký giả nổi tiếng của tờ Novaya Gazeta, Anna Politkovskaya bị bắn chết tại
Moscow ngày 7/10/2006, Litvinenko lên tiếng tố cáo Điện Kremlin nhúng tay vào vụ mưu sát này. Ông tuyên bố: “Không cần biết anh là ai, anh ở đâu, anh mở miệng chống Kremlin, người ta sẽ tìm tận nơi để bắt anh im miệng”. Chưa đầy 1 tháng sau, ngày 1/11/2006, Litvinenko bị dính độc phóng xạ polonium-210 tại một quán rượu ở London, sau khi “đàm đạo” với 2 cựu điệp viên KGB là Dmitry Kovtun và Andrei Lugovoi. Trước khi trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện ngày 23/11/2006, Litvinenko một mực khẳng định, cũng giống như vụ Politkovskaya, ông Putin đứng sau vụ đầu độc mình.

Nhưng Litvinenko chết quá sớm để biết được rằng, vào tháng 9 vừa qua, cựu trung tá cảnh sát ở Moscow, Pavlyuchenkov đã khai nhận anh ta là kẻ chỉ huy âm mưu giết Politkovskaya, theo “đơn đặt hàng” từ chính bố già Boris Berezovsky để làm “quà sinh nhật cho ông Putin”, món quà nhằm hạ thấp uy tín của Kremlin.

Vậy ai giết Litvinenko
? Andrei Lugovoi phủ nhận mọi cáo buộc từ phía cảnh sát Anh cho rằng mình và Kremlin có liên quan đến cái chết của Litvinenko, đồng thời khẳng định, cũng giống như nữ ký giả tờ Novaya Gazeta, cái chết của cựu điệp viên KGB là “món quà cho Putin” từ bố già Berezovsky.

Còn Roman Abramovich? Nếu nói như Litvinenko, “con chiến mã lạc vào đường hẹp” Abramovich đến
London và trở thành ông chủ vĩ đại của Chelsea không đơn thuần chỉ là tình yêu bóng đá
http://www.bongda.com.vn/Hau-truong-san-co/176461_Cuoc_chien_giua_hai_%E2%80%98trum_so%E2%80%99_Boris_Berezovsky_Roman_Abramovich_Ki_10_Dien_Kremlin_va_cau_chuyen_diep_vien_Litvinenko.aspx
Cuộc chiến giữa hai ‘trùm sò’ Boris Berezovsky - Roman Abramovich (Kì 11): Moscow bên bờ sông Thames
Có khoảng 300.000 người Nga ở London và người ta tin rằng, Roman Abramovich đến với Thủ đô của nước Anh vào năm 2003 với tư cách ông chủ hào phóng của Chelsea không hẳn chỉ vì tình yêu bóng đá...
Dòng Thames không êm đềm

Khi Nhà nước Liên bang Xô-Viết sụp đổ năm 1991, rất nhiều người Nga đã chạy tới các thành phố lớn ở châu Âu để định cư như Berlin, Paris hay New York. Riêng London, vào năm đó chỉ có đúng 1 công dân Nga được cấp quốc tịch Anh. Nhưng bắt đầu từ năm 2000, số người Nga đổ về London không ngừng tăng mạnh và hiện tại, người Nga ở London đã lên tới 300.000 người, tất cả đều coi London là ngôi nhà mới của mình và họ gọi bằng biệt danh rất thân thương là “Londongrad” (tiếng Nga grad là thành phố) hay London on the Thames (London bên bờ sông Thames). Theo thống kê của tạp chí Hermitage Capital, vào khoảng thời gian từ 1998 đến 2004, số tiền chảy từ “Londongrad” về Moscow lên tới con số 102 tỉ USD.

Ai xây dựng nên “
Moscow bên bờ sông Thames”? Theo báo chí Anh, người mở đầu cho trào lưu người Nga đến London chính là Boris Berezovsky vào năm 2001, khi bố già gặp nạn vào thời điểm ông Vladimir Putin trở thành Tổng thống Nga. Khi đến London, Berezovsky tậu ngay một căn biệt thự trị giá 10 triệu bảng ở Chelsea và tư dinh có giá trị tương tự của DJ Chris Evans ở Surrey. Nhưng nhà chính trị lưu vong 65 tuổi này đến London xin tị nạn không phải để khoe tiền bạc, mà như đã đề cập ở những kỳ trước, Berezovsky đã tạo ra một “Vòng tròn London” ở “Moscow bên bờ sông Thames” để chống phá chính quyền ở Moscow xứ Bạch dương.
Berezovsky và bạn gái Yelena Gorbunova

Ông chủ Chelsea và sứ mệnh ở London

Nhưng trước khi bố già tuyên bố lật đổ Nhà nước Nga bằng một cuộc “cách mạng bạo lực” trên tờ Guardian năm 2007, Điện Kremlin đã nhận ra sự nguy hiểm của các phần tử lưu vong ở London do Berezovsky cầm đầu. Thế nên một số nguồn tin từ Nga đã hơn một lần khẳng định: Điện Kremlin đã cử Tỉnh trưởng Chukotka, Roman Abramovich đến “
Moscow bên bờ sông Thames” vào năm 2003.

Ở Tây London, cuộc cách mạng kim tiền của Roman Abramovich đã biến
Chelsea trở thành một thế lực lớn tại Anh và châu Âu. Và dĩ nhiên, trong con mắt của người hâm mộ The Blues nói riêng cũng như người London nói chung, Abramovich là một nhân vật đáng ngưỡng mộ hoặc kính trọng. Ngoài ra, Abramovich còn khiến cho người đời phải chú ý đến mình (dù ông luôn im lặng và hành động im lặng) bằng những khoản chi bạc triệu cho những tư dinh kiểu “Sa hoàng” ở Knightsbridge (5 triệu bảng), ở Kensington (70 triệu bảng)... đặc biệt là thú chơi du thuyền.

Tháng 9/2010, Roman Abramovich cho hạ thủy Eclipse - con du thuyền lớn và đắt giá nhất trên thế giới (1,12 tỉ USD) ở cảng
Hamburg. Sự kiện này gây xôn xao dư luận hơn cả “tuyên bố London” của bố già 3 năm trước đó. Nhìn chung, từ Moscow cho đến “Moscow bên bờ sông Thames”, danh tiếng của Roman Abramovich lớn hơn hẳn so với bố già Berezovsky. Thế nên, người ta mới tin rằng, ngoài việc hoàn thành tâm nguyện cá nhân là biến Chelsea trở thành một thế lực tại xứ Sương mù, vị cựu Tỉnh trưởng Chukotka còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “để mắt” và kiềm chế sự lớn mạnh “Vòng tròn London” của bố già ở “Moscow bên bờ sông Thames”, nơi có khoảng 300.000 dân Nga sinh sống? Quả thật, ngoài Chelsea, nếu có một điệp vụ nào khác ở London, thì phi Abramovich, Điện Kremlin không thể tìm ra nhân vật nào hoàn hảo hơn ông chủ Chelsea, người mà bố già từng “tin và coi như con” vào những năm 1990 ở Nga.
Abramovich và bạn gái Daria Zhukova

Bà góa Litvinenko

Lại phải nhắc đến Alexander Litvinenko. Việc bố già Boris Berezovsky đâm đơn kiện Roman Abramovich ra tòa thương mại London, rồi chỉ trích chính quyền Nga, nhắc lại vụ cựu điệp viên KGB bị đầu độc năm 2006 làm cho bà Marina Litvinenko nhớ tới ông chồng xấu số Sasha (tên thân mật trong gia đình của Alexander Litvinenko) và bà quyết định kêu gọi những lòng hảo tâm trong xã hội ủng hộ một số tiền dự kiến khoảng vài trăm ngàn bảng để nhờ tòa án Anh can thiệp một lần nữa, nhằm tìm ra thủ phạm đích thực.

Theo báo chí Anh, từ ngày Litvinenko chết, bà
Marina vẫn sống tại London bằng tiền bảo trợ của Berezovsky. Và cũng giống như bố già, bà Marina tin rằng cựu điệp viên KGB, Adrey Lugovoi là người đã sát hại Litvinenko bằng phóng xạ polonium-210. Cơ quan điều tra ở Anh cũng liệt Adrey Lugovoi vào danh sách nghi phạm số 1 và yêu cầu dẫn độ sang Anh, nhưng phía Nga từ chối, bởi theo Điều 61 Hiến pháp Liên bang Nga, công dân Nga không bị dẫn độ ra nước ngoài xét xử. Thậm chí, bầu không khí trong cuộc hội đàm ở Điện Kremlin giữa Thủ tướng Anh, David Cameroon và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev vào ngày 12/9 vừa qua cũng trở nên… ngột ngạt đôi chút khi nhắc tới Adrey Lugovoi. Bởi Tổng thống Nga khẳng định: “Mọi công dân Nga đều phải tuân thủ theo Hiến pháp”.

Về phần Adrey Lugovoi, ông cho rằng, Boris Berezovsky có quan hệ mật thiết với Alexander Litvinenko, từng “bảo kê an ninh” cho Berezovsky trong những hoạt động phi pháp tại Nga năm 1994, từng từ chối lệnh “thủ tiêu” Berezovsky năm 1997. Ở Anh, Litvinenko tiếp tục là cánh tay phải đắc lực của Berezovsky trong việc chống đối chính quyền Putin. Tuy nhiên, chính sự tin tưởng và tích cực hoạt động giúp đỡ bố già của Litvinenko đã biến vợ ông, bà Marina Litvinenko trở thành… bà góa năm 2006. Vì mục đích của bố già là muốn dùng cái chết của cựu điệp viên KGB để bôi nhọ hình ảnh của Điện Kremlin…

Dư luận Anh cho rằng, việc bà góa
Marina quyết gõ cửa tòa án Anh một lần nữa hẳn sẽ khiến Berezovsky phân tâm, tạo điều kiện cho ông chủ Chelsea tấn công bố già ở tòa thương mại
Cuộc chiến giữa hai ‘trùm sò’ Boris Berezovsky - Roman Abramovich (Kì 12): Những đồng tiền bẩn
Berezovsky đã rửa những đồng krysha (bảo kê chính trị) bằng vụ đầu tư vào Devonia. Lời cáo buộc này được xem là một bước trong kế hoạch tố Berezovsky là “bố già chính trị”, là kẻ cắp la làng của phe Abramovich.
Đồng tiền krysha

Không có cái gọi là “đe dọa và ép giá” trong vụ mua bán cổ phần Sibneft. Trong ngày xử ngày thứ 5, Roman Abramovich khẳng định, 1,3 tỉ USD (800 triệu bảng) mà ông chuyển cho bố già năm 2000 không vượt quá ý nghĩa của một món quà, món “nợ danh dự” và krysha (bảo kê về mặt chính trị) để đáp lại những gì bố già đã “giúp đỡ” ông chủ Chelsea trong suốt những năm 1990.

Khi nhắc tới krysha, Roman Abramovich đã khéo léo nhắc lại cho nữ thẩm phán Elizabeth Gloster cùng bồi thẩm đoàn những lời cáo buộc của luật sư Jonathan Sumption trong những phiên xử trước đó, rằng những doanh nhân muốn làm ăn yên ổn như Roman Abramovich thì buộc phải có những khoản tiền “bôi trơn chính trị” mà người Nga gọi bằng thuật ngữ là krysha. Bố già đã thu về bao nhiêu krysha trong những năm tháng làm mưa làm gió ở Điện Kremlin? Chẳng ai biết được, nhưng riêng số tiền mà Roman Abramovich và các đồng nghiệp dưới quyền phải cung cấp là 2,3 tỉ bảng để đổi lấy sự yên ổn. Riêng công ty dầu mỏ Sibneft, theo luật sư Sumption, bố già đã dùng quyền lực Kremlin để “ăn cướp” chứ không đóng góp bất cứ một khoản đầu tư nào.
Boris Berezovsky tới tòa cùng bạn gái Yelena

Thế nên, ông chủ Chelsea mới khẳng định trên tòa, mình và bố già không phải là đồng nghiệp hay bạn bè gì trong các vụ làm ăn. Tức là mối quan hệ giữa họ chỉ dừng lại ở krysha. Và số tiền 1,3 tỉ USD mà Berezovsky đưa ra trên tòa chính là khoản krysha cuối cùng mà ông chủ
Chelsea ban phát cho Berezovsky như một món quà, trước khi bố già bắt đầu cuộc đời mới bằng thân phận của một kẻ tị nạn chính trị trên đất Anh.

Rửa sạch ở U.A.E

Nước Nga từ thời Tổng thống Boris Yeltsin, Vladimir Putin cho đến Dmitry Medvedev ngày nay đều từ chối điều tra và phủ nhận những cáo buộc liên quan đến những hoạt động mờ ám trong kinh doanh của Roman Abramovich, trên danh nghĩa, đương nhiên những đồng Rúp mà ông chủ Chelsea kiếm được là hợp pháp. Nhưng khi những đồng Rúp đến tay Berezovsky, tức là nó đã chuyển sang hình thức krysha - một dạng “tiền bẩn”. Vậy bố già “rửa sạch” 1,3 tỉ USD tiền krysha bằng cách nào?

Luật sư Sumption khẳng định rằng, Berezovsky đã rửa những đồng krysha vào năm 2001 bằng cách đầu tư vào công ty sản xuất xe hơi Devonia của Sheikh Sultan bin Khalifa bin Zayed al-Nahyan, vị Hoàng thân có anh trai hiện là Tổng thống U.A.E. Theo những tài liệu mà ông Sumption có trong tay, nhận thấy những vấn đề bất ổn từ số tiền của Berezovsky, ngân hàng Clydesdale đã ngừng giao dịch, nhưng bố già đã thuê luật sư nổi tiếng Stephen Curtis tìm cách hợp pháp hóa những khoản tiền của mình, bù lại Curtis nhận được khoản “bồi dưỡng” lên tới 18 triệu USD của bố già. Luật sư Curtis đã tử nạn trong một vụ tai nạn máy bay năm 2004, khi đang trên đường trở về tòa lâu đài của mình ở đảo Dorset, khối tài sản mà Curtis mua được từ các hoạt động giúp đỡ những “đầu sỏ chính trị” như Boris Berezovsky.

Boris Berezovsky đã rửa những đồng krysha bằng vụ đầu tư vào Devonia. Lời tố cáo này được xem là một bước trong kế hoạch tố cáo Berezovsky là “bố già chính trị”, là kẻ cắp la làng của phe Abramovich.

Người đàn bà đẹp

Phản ứng của Berezovsky về vụ Devonia là khá yếu ớt. Tuy nhiên, Yelena Gorbunova bất ngờ lên tiếng, tạm cứu bố già thoát khỏi những cáo buộc rửa tiền bằng cách “tấn công” ông chủ Chelsea. Yelena Gorbunova, người đàn bà quý phái luôn theo sát Boris Berezovsky tại tòa
London không phải là thứ đồ trang sức cho bố già. Người đàn bà ấy là một quân bài quan trọng của bố già trong canh bạc trị giá 3,2 tỉ bảng với ông chủ Chelsea.
Đeo kính đen, mặc đồ D&G lịch lãm, luôn nở nụ cười bí hiểm mỗi khi rời tòa, Yelena là một người đàn bà đẹp, quý phái, mặn mà theo đúng phong cách Nga

Ngay từ phiên xử đầu tiên vào ngày 3/10, cùng với đám vệ sĩ và luật sư của Berezovsky, người ta đã nhìn thấy Yelena Gorbunova luôn theo sát bố già trên các phiên tòa. Yelena là người tình được bố già sủng ái nhất trong vòng 15 năm qua và dĩ nhiên Abramovich không lạ gì người đàn bà này. Theo Abramovich, một phần trong số 300 triệu USD (180 triệu bảng) tiền cổ phần Sibneft mà Berezovsky bán cho ông chủ Chelsea trong giai đoạn 1996-1998 đã được bố già dùng vào việc mua đồ trang sức cho Yelena.

Đeo kính đen, mặc đồ D&G lịch lãm, luôn nở nụ cười bí hiểm mỗi khi rời tòa. Trong con mắt của người
London, Yelena là một người đàn bà đẹp, quý phái, mặn mà theo đúng phong cách của con gái nước Nga. Và dù Yelena đã bước sang tuổi 44, người ta vẫn so sánh Yelena với người mẫu Dasha Zhukova, bạn gái của Roman Abramovich, dẫu Zhukova không đời nào được ông chủ Chelsea đưa theo đến tòa.

Nhưng phiên tòa thương mại trị giá bạc tỉ ở
London không phải bàn nhậu để các đại gia khoe mỹ nhân. Yelena cũng vậy, người đẹp này không phải thứ đồ trang sức cho bố già trong canh bạc với ông chủ Chelsea. Và Yelena đã chứng minh sự hiện diện của mình trên tòa không phải là một sự vô nghĩa lý bằng cách bất ngờ lên tiếng tố cáo ông chủ Chelsea đã dùng… hộ chiếu giả.

Khi nữ thẩm phán Elizabeth Glosters hỏi có bằng chứng gì chứng minh ông Abramovich dùng hộ chiếu giả và những con dấu giả ở đâu mà có, thì Yelena thản nhiên nói “Tôi không biết”. Than ôi! Đàn bà mãi mãi chỉ là… đàn bà. Câu trả lời của Yelena khiến tòa pháp đình
London bớt căng thẳng hơn đôi chút bằng những nụ cười nhạt thếch, trong đó có cả cái nhếch mép của ông Abramovich.

Nhưng sau đó, khuôn mặt của ông chủ
Chelsea đã tái đi đôi chút, bởi ông nhận ra, ả đàn bà này biết nhiều và nguy hiểm nhiều hơn những gì ông nghĩ…
Cuộc chiến giữa hai ‘trùm sò’ Boris Berezovsky - Roman Abramovich (Kì 13): Đóa hồng gai của bố già1

Yelena Gorbunova khẳng định, cô có mặt tại tòa lâu đài ở Cap d’Antibes, nơi diễn ra “cuộc gặp thượng đỉnh” tháng 12/2000 nên đương nhiên trở thành nhân chứng quan trọng cho bố già...
Boris the Bigamist

Yelena Gorbunova là vợ hay người tình của Boris Berezovsky? Bố già và Yelena chưa đăng ký kết hôn hay tổ chức hôn lễ với người đàn bà này. Tuy nhiên, trong khoảng 20 năm trở lại đây, Yelena luôn theo sát bố già như hình với bóng, kể cả trong các phi vụ làm ăn.

Nhưng theo một nguồn tin từ Nga, vào ngày 22/1/1999, thời điểm Boris Berezovsky vẫn đang làm mưa làm gió ở Điện Kremlin, bố già đã bí mật tổ chức hôn lễ với Yelena, một hôn lễ được miêu tả là sa hoa và lớn nhất nước Nga tại thành phố St Petersburg. Kể từ thời điểm ấy, bố già được người ta gọi bằng biệt danh là “Boris the Bigamist” (Boris 2 vợ). Bởi khác với năm 1991, trước khi cưới Galina Besharova, Berezovsky đã làm thủ tục ly hôn với cô vợ đầu tiên mang tên Nina.
Yelena là bạn gái kiêm nhân chứng của Berezovsky...

Mãi tới cuối tháng 7/2011 vừa qua, tức chỉ hơn 2 tháng sau khi đưa ông chủ
Chelsea ra tòa thương mại, Berzovsky và Galina mới chính thức chia tay một cách hợp pháp ở London. Theo phán quyết của tòa án, bố già đã phải bồi thường cho Galina 100 triệu bảng (có nguồn tin cho rằng 220 triệu), gấp đôi (hoặc tư) số tiền 48 triệu bảng mà nhà tỷ phú ngành bảo hiểm John Charman phải chi ra cho cô vợ cũ năm 2006.

Bố già là “Boris the Bigamist”, nhưng không phải “bà cả” Galina mà “bà hai” Yelena mới là người luôn bên cạnh bố già. Thế nên Yelena khẳng định cô không lạ gì Roman Abramovich, thậm chí cô còn là “chị em thân thiết” của Irina, vợ cũ của ông chủ Chelsea. Và rằng, khi Abramovich chưa “phản bội” Berezovsky, năm nào “2 gia đình” cũng đi nghỉ Giáng sinh tại biển Caribbe và nghỉ hè ở Địa Trung Hải bằng du thuyền…

Lâu đài Cap d’Antibes

Cuộc gặp gỡ của bố già và Roman Abramovich tại tòa lâu đài ở Cap d’Antibes (Pháp) vào tháng 12/2000 là khởi nguồn của vụ kiện trị giá 3,2 tỉ bảng tại
London hiện nay. Trước cuộc gặp này vài ngày, Nikolay Glushkov - cựu phó Giám đốc điều hành hãng hàng không Aeroflot, bạn thân của Berezovsky đã bị bắt tại Moscow.

Theo cáo buộc của Boris Berezovsky, tại Cap d’Antibes, Roman Abramovich đã nói thẳng ra rằng mình là đại diện của Điện Kremlin và đưa ra một thông điệp cho Berezovsky và doanh nhân Badri Patarkatsishvili rằng: Nhà nước Nga muốn quốc hữu hóa đài ORT. Nikolay Glushkov phải bán toàn bộ cổ phần nếu muốn ra tù. Tương tự, Berezovsky và Patarkatsishvili cũng phải bán cổ phần ORT nếu không muốn chịu chung số phận như Glushkov. Ngoài vụ ORT, ông chủ
Chelsea cũng ép buộc bố già phải từ bỏ mọi lợi ích của mình trong 2 công ty khổng lồ tại Nga là Sibneft (dầu mỏ) và Rusal (nhôm).

Khi Roman Abramovich, Boris Berezovsky và Badri Patarkatsishvili đang làm cho bầu không khí của tòa lâu đài kín cổng cao tường ở Cap d’Antibes trở nên căng thẳng, thì có một nhân vật nghe lén ở bậc cầu thang, đó là Yelena Gorbunova - bông hồng của bố già. Nhưng bông hồng ấy nhanh chóng phải biến mất, sau cái nhìn của Roman Abramovich.
...trong vụ kiện Abramovich

Rồi tại tòa thương mại London, bông hồng năm nào ở Cap d’Antibes, trong trang phục vest đen và kính đen lên tiếng tố cáo “hành động đen tối” của ông chủ Chelsea như một nhân chứng duy nhất: “Tôi không biết rõ từng chi tiết trong cuộc trao đổi giữa Berezovsky, Patarkatsishvili và Abramovich, nhưng 15 phút chứng kiến cuộc gặp gỡ đó đủ cho tôi nhận ra rằng, ông Abramovich đã đe dọa và ép giá”, Yelena Gorbunova quả quyết.

Ông chủ
Chelsea ở đâu?

Như vậy, Boris Berezovsky đã có được nhân chứng đầu tiên trong cáo buộc “đe dọa và ép giá” vụ Sibneft, mà hậu quả của vụ ép giá ấy tại Pháp là bố già phải bán cổ phần Sibneft cho Abramovich với cái giá thấp hơn 25% giá trị vào thời điểm đó và thấp hơn 75% so với giá trị ở vào thời điểm hiện tại. Còn “bông hồng” Yelena Gorbunova thì đã chứng tỏ mình không phải đồ trang sức cho bố già trong cuộc chiến bạc tỉ với ông chủ
Chelsea.

Jonathan Sumption, luật sư của Abramovich thừa nhận, Boris Berezovsky có lâu đài ở Cap d’Antibes, không phải một, mà bố già sở hữu tới hai tòa ở thiên đường nghỉ mát đó. Đồng thời ông Sumption khẳng định, hai tòa lâu đài trên được Berezovsky mua bằng số tiền 300 triệu USD mà ông chủ Chelsea đã “bơm” trong giai đoạn 1996-1998 từ tiền cổ phần Sibneft.

Nhưng luật sư Jonathan Sumption khẳng định, Yelena Gorbunova đã khai láo trên tòa. Bởi vào thời điểm tháng 12/2000, Roman Abramovich không có mặt tại Pháp mà vẫn sinh sống tại Nga. Sumption nhấn mạnh: “Bà Yelena không phải là nhân chứng hợp pháp. Không có cuộc gặp nào liên quan đến ông Abramovich tại Pháp vào tháng 12/2000, khi mà ông ấy đang có mặt tại Moscow”.

Vậy vào tháng 12/2000, ông chủ
Chelsea đã ở đâu, Cap d’Antibes hay Moscow? Sau Yelena Gorbunova, bố già lại đưa ra một người phụ nữ quá quen thuộc với ông chủ Chelsea lên tòa…
Cuộc chiến giữa hai ‘trùm sò’ Boris Berezovsky - Roman Abramovich (Kì 14): Thêm một ả đàn bà
Sau Yelena Gorbunova, lại thêm một người phụ nữ nữa xuất hiện trên tòa London với tư cách nhân chứng của Boris Berezovsky để chống lại ông chủ Chelsea...
Natalia Nosova

Người phụ nữ ấy là Natalia Nosova. Ông chủ
Chelsea, Roman Abramovich không xa lạ với nhân vật này. Trước khi chạy sang Anh tị nạn chính trị như Berezovsky vào năm 2000, Natalia Nosova từng được bố già bổ nhiệm vào vị trí Phó GĐĐH LogoVAZ, một công ty do Berezovsky lập nên cùng doanh nhân Badri Patarkatsishvili.

Trên tòa thương mại London, Natalia và chồng của mình, ông Michael Lindley chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là chứng minh Roman Abramovich đã có mặt tại Cap d’Antibes (Pháp) vào tháng 12/2000, nơi mà Berezovsky tố cáo ông chủ Chelsea đã “đe dọa và ép giá” vụ mua bán cổ phẩn ORT, Rusal và đặc biệt là Sibneft.

Natalia khẳng định mình có mặt tại
Paris vào tháng 12/2000 và đã tận mắt nhìn thấy ông chủ Chelsea xuất hiện ở sân bay Le Bourget cùng với Berezovsky. Natalia còn cho biết, sau cuộc gặp tay ba Berezovsky, Patarkatsishvili và Abramovich tại lâu đài ở Cap d’Antibes ít ngày, cô và Patarkatsishvili đã gặp nhau tại khách sạn George V ở Paris và Patarkatsishvili đã kể lại toàn bộ câu chuyện “đe dọa và ép giá” của ông chủ Chelsea.
Các nhân chứng của Berezovsky đều không buộc tội được Abramovich

Natalia nói với nữ thẩm phán Elizabeth Gloster: “Thưa quý bà! Trách nhiệm của tôi ở đây là bảo vệ tài sản hợp pháp cho Berezovsky và gia đình ông ấy. Khi nào công lý chưa được thực thi, chúng tôi vẫn theo đến cùng, kể cả trường hợp ông Berezovsky chết”.

Thỏa thuận “Bờ biển Bắc”

Nhưng phe của Roman Abramovich hiểu rằng, Natalia Nosova và ông chồng Michael Lindley - một đối tác kinh doanh cũ của Boris Berezovsky xuất hiện trên tòa không chỉ vì “tình xưa, nghĩa cũ”. Tất cả là vì tiền.

Và dĩ nhiên, phe Abramovich biết đối phó ra sao với “ả đàn bà” thứ 2 của bố già. Theo tài liệu mà luật sư của ông chủ Chelsea, Jonathan Sumption đưa ra trên tòa, tháng 12/2009, bố già đã triệu tập Natalia Nosova và Michael Lindley đến biển Bắc. Trong cuộc gặp đó, hai bên đi đến thỏa thuận, nếu vợ chồng Natalia chịu ra làm nhân chứng cho Berezovsky, thì họ sẽ có được 1% số tiền mà bố già nhận được nếu thắng kiện Roman Abramovich. Luật sư Sumption gọi cuộc gặp trên là “Thỏa thuận Bờ biển Bắc”.

Luật sư Sumption chất vấn nhân chứng Natasha: “Bà và chồng bà nhận được lời hứa được hưởng 140 triệu USD (1% số tiền Berezovsky đòi đền bù) nếu giúp ông Berezovsky thắng kiện có đúng không?”.

Natalia buộc phải thừa nhận:
“Đúng, chính xác hơn là tôi muốn ông Berezovsky thắng kiện”. Lời thừa nhận về cái gọi là “Thỏa thuận Bờ biển Bắc” khiến phe Berezovsky đuối lý rõ rệt, vì nó mâu thuẫn với lời khẳng định “không dùng tiền để mua chuộc nhân chứng” mà Berezovsky đã khẳng định trước đó, khi đoàn luật sư của Roman Abramovich cáo buộc bố già đã “hợp tác và mua chuộc” Michael Chernoy, một phần tử đang bị Interpol truy nã…
15/Cuộc chiến giữa hai ‘trùm sò’ Boris Berezovsky - Roman Abramovich (Kì 15): Bóng ma Tel Aviv đe dọa Abramovich
Để lôi kéo phe cánh đánh bại Roman Abramovich, ngoài “Thỏa thuận Bờ biển Bắc” với vợ chồng Natalia Nosova tháng 12/2009, bố già Boris Berezovsky còn bí mật thỏa thuận với Michael Chernoy tại Tel Aviv, Israel.
Thỏa thuận Tel Aviv

Nếu như ở “Thỏa thuận Bờ biển Bắc”, vợ chồng Natalia Nosova - Michael Lindley được Berezovsky hứa chi cho 1% số tiền thắng kiện (nếu làm nhân chứng giúp bố già thắng kiện 3,2 tỉ bảng (6 tỉ USD), thì ở “Thỏa thuận Tel Aviv”, số tiền mà Michael Chernoy nhận được lên tới 5%.
Chernoy sẽ làm chứng cho Berezovsky từ Tel Aviv

Boris Berezovsky khẳng định, sẽ đưa Michael Chernoy ra tòa làm nhân chứng vào cuối tháng này và Chernoy sẽ chứng minh được Abramovich đã “đe dọa và ép giá” trong vụ Sibneft. Vậy Michael Chernoy là ai? Sinh năm 1946, Michael Chernoy là nhà tài phiệt
Israel gốc Uzbekistan. Những năm 1990, Michael Chernoy, Boris Berezovsky, Roman Abramovich và Oleg Deripaska là những chiến hữu thân thiết nhất trong các phi vụ làm ăn và cùng sở hữu công ty nhôm Russian Aluminum (Rusal).

“Thỏa thuận Tel Aviv” được luật sư Jonathan Sumption của Abramovich nhắc tới trên tòa London bằng câu hỏi trực diện tới Berezovsky: “Ngài đã thỏa thuận sẽ chi cho Michael Chernoy 5% số tiền thắng kiện, tức khoảng 300 triệu USD có đúng không”. Câu trả lời đanh thép của bố già là: “Không, bởi tôi không dùng tiền để mua chuộc nhân chứng”.

Câu phủ định “không” của bố già hoàn toàn mâu thuẫn với câu khẳng định “có” (nhận 1% tiền thắng kiện) của vợ chồng Natalia Nosova như đã đề cập ở kỳ trước. Một mâu thuẫn bất lợi cho bố già trên tòa.


“Giết gà không dùng dao mổ bò”

Một bất lợi nữa cho Berezovsky trong việc sử dụng Michael Chernoy, ấy là vị chiến hữu này của bố già không thể có mặt trực tiếp tại tòa, mà chỉ có thể xuất hiện qua màn hình được camera truyền trực tiếp đến London từ Tel Aviv.

Số là Michael Chernoy đang bị cảnh sát Nga, FBI (Cục điều tra Liên bang Mỹ) truy nã vì “hoạt động tội phạm” và giết người. Đặc biệt hơn, tháng 5/2009, Chernoy còn bị Tòa án Tối cao Tây Ban Nha khởi tố vì tội danh liên kết với băng đảng khét tiếng TBN - Avispa, rửa tiền ở Alicante và Levante thông qua hoạt động mafia. Sau sự kiện này, cảnh sát quốc tế (Interpol) cũng đã phát lệnh truy nã Chernoy.
Abramovich và bạn gái Zhukova vẫn thảnh thơi trên khán đài Stamford Bridge

Khác với mối quan hệ ngoại giao Nga-Anh, giữa Tây Ban Nha và Anh có ký thỏa thuận dẫn độ tội phạm hình sự, nên nếu Chernoy xuất hiện tại xứ Sương mù, nhà tài phiệt
Israel này sẽ bị bắt và bị dẫn độ sang xứ Đấu bò xét xử.

Một kẻ chỉ còn Tel Aviv là chốn dung thân, một kẻ đang bị người Nga, người Tây Ban Nha, người Mỹ và Interpol truy nã lại được bố già sử dụng như một quân bài quyết định cho canh bạc trị giá khoảng 6 tỉ Mỹ kim với ông chủ Chelsea, phải chăng bố già đã cùng quẫn?

Abramovich không dám xem thường ông bạn cũ Chernoy ở Tev Aviv. Quả thật, ông chủ
Chelsea đã nghĩ tới “Người đàn ông mạnh nhất nước Nga” Alexander Voloshin. Nhưng “giết gà” cớ gì phải dùng tới “dao mổ bò”. Ở Moscow, Oleg Deripaska đánh tiếng sẽ đi tới xứ Sương mù một chuyến, nếu “bóng ma Tel Aviv” xuất hiện qua màn hình tại tòa London. Vì ân oán của Deripaska và Chernoy cũng chồng chất như thù hận giữa Abramovich và Berezovsky. Và vì số phận đã sắp đặt cho họ làm bạn của nhau, để chia sẻ quyền lợi với nhau, để phản bội nhau và để giết nhau…
>

Z d < W �%T Normal>