Danh sách Blog của Tôi

Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012

Hướng giải quyết nợ xấu

Tuesday, July 31, 2012

Hướng giải quyết "nợ xấu"

Xem bài trước: Nợ xấu đe dọa ai

Bây giờ, bàn về nợ xấu như là mốt thời thượng. Tuy chưa định dạng được nợ xấu là pháp nhân nào nhưng ở mọi nơi, mọi lúc, từ quán trà cà phê đến internet, ai ai cũng bàn đến cách giải quyết nợ xấu như một trọng trách quốc gia.

Từ chuyên gia kinh tế đến bà hàng rau, cùng nhất trí ở một điểm chung. Đó là, phải tái cơ cấu doanh nghiệp và thành lập công ty mua bán nợ dưới sự kiểm soát của Nhà nước (ở xứ ta có cái gì ra khỏi sự kiểm soát của nhà nước). Số vốn cần thiết để vận hành công ty mua bán nợ thì mỗi nơi tính mỗi kiểu. Người bảo phải cần đến 200 ngàn tỷ đồng để mua các tài sản nợ, có người nói chỉ cần 10 ngàn tỷ là đủ, và trung dung có người yêu cầu chỉ cần 50 ngàn tỷ. Mua bán nợ có phải là một khái niệm mới, khái niệm thời thượng khi khủng hoảng kinh tế.

Mua nợ là một nghề cũ như nghề nông, nghĩa là nghề này song hành với nghề nông từ khi nghề nông cần phải có vốn về giống má, vốn vật tư nông nghiệp, thuỷ lợi phí etc. Trong sản xuất nông nghiệp, nghề mua nợ người ta gọi là mua lúa non, người nông dân cần tiền ứng trước để thanh toán tiền vật tư và các loại phí nông nghiệp gọi là bán lúa non. Mua bán lúa non tức là mua bán nợ vậy.

Trong lĩnh vực phi nông nghiệp cũng phổ biến hiện tượng bán lúa non. Đó là các nhà đầu tư xây dựng chung cư thiếu vốn thi công phải bán sỉ cho đầu nậu để lấy tiền mặt với giá chiết khấu 30% tức chỉ còn 70% theo giá gốc(*). Đầu nậu bán "ưu đãi" cho người đăng ký mua với giá gốc và chiết khấu 2% theo thông lệ, lãi kỳ vọng phải nói là như mơ.

Nhưng thị trường không đơn giản như vậy. Đầu nậu ngày hôm qua trở thành con nợ của ngày hôm nay nếu hàng không bán được. Và dưới đây là đơn cử những lô hàng không bán được đã trở thành vấn đề của xã hội hôm nay.

Khu nhà liền kề Nam An Khánh

Khu nhà biệt thự Nam An Khánh

Khu biệt thự Vạn Phú

Khu Lê Trọng Tấn

Chung cư Kiến Hưng

Chung cư Tứ Hiệp

Văn phòng dự án không còn tiền để may cờ mới

Trái với lãnh nợ(**), mua nợ được xem là nghề béo bở vì kỳ vọng mua được hàng với giá rẻ của kẻ khốn cùng.

Nguyên lý mua nợ: mua rẻ hôm nay kỳ vọng được giá ngày mai
Về tình trạng của các doanh nghiệp BĐS, theo Bộ Xây dựng (số liệu thường quan liêu) có đến 54% số lượng DN BĐS đã phá sản. Còn giới BĐS cập nhật hơn thì cho rằng đến 90% DN BĐS đã "chết lâm sàng".

Theo số liệu của Sở Xây dựng TP HCM, toàn địa bàn có 20 ngàn DN BĐS đang hoạt động, suy rộng ra cả nước có không ít hơn 30 ngàn DN BĐS đang hoạt động. Tính 90% những DN này chỉ làm môi giới hưởng hoa hồng thì sẽ có 3000 DN bỏ vốn và vay vốn đầu tư BĐS.

Mỗi DN có khoản nợ vay 2-3 lần vốn chủ sở hữu (cá biệt nhiều DN tỷ lệ này là 4-5 lần) nên không thể đồng loạt giải cứu 3000 DN BĐS cùng một lúc được. Tỷ lệ nợ vay lớn hơn vốn của chủ sở hữu nói lên Ngân hàng đã nhiều lần cứu DN để duy trì số lãi khủng của ngân hàng từ việc duy trì số dư nợ khổng lồ trong lĩnh vực BĐS.

Mua tất cả những món nợ này sẽ là nhiệm vụ bất khả hoặc gây ra lạm phát nhiều con số, cái mà chính phủ đã kềm hãm thành công bằng Nghị quyết 11, đưa lạm phát còn 5.35% trong tháng 7 vừa rồi. 

Vậy cách "giải cứu" các DN BĐS bị ứ đọng vốn hiệu quả nhất là tiếp tục tăng tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu lên một tầm cao mới. Biện pháp này vừa giữ được giá BĐS, tránh đổ vỡ nền kinh tế, vừa tiết kiệm vốn mua nợ, không gây lạm phát tiền tệ.

-----
(*)Giá gốc: giá hợp đồng bán lẻ của dự án. Trong những lúc lên cơn sốt, mua được giá gốc nghĩa là giá hời. Người mua thứ cấp phải trả thêm khoản phí chênh lệch gọi là "suất mua", suất này có thể lên tới 3-5 tỷ cho 1 căn nhà.

(**)Lãnh nợ: là một trong 4 điều nên tránh vì cả 4 điều ấy khó đáp ứng được đòi hỏi của tất cả mọi người.

Nguồn tham khảo:
90% doanh nghiệp địa ốc đã 'chết lâm sàng' (VTC)
Ngân hàng vẫn lãi "khủng" 90% lợi nhuận từ cho vay (Thanh niên)
Có 10.782 khách hàng có hệ số nợ/vốn chủ sở hữu từ 3 lần trở lên. (buildviet.info)

2 nhận xét: