Danh sách Blog của Tôi

Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

CHUYỆN ĐƯỢC MẤT (1)

CHUYỆN ĐƯỢC MẤT (1)

Đọc phần 2: Khối người thất nghiệp là con tin của chính trường
Nhân một bạn hỏi tôi về thuyết âm mưu, thực ra thuyết âm mưu là một thuyết mà ngày nay hầu hết các trường khoa học xã hội trên thế giới đã đưa vào chương trình giảng dạy một cách có hệ thống. Cách họ dạy thuyết âm mưu là qua phân tích từng trường hợp cụ thể để tìm ra nguyên nhân đằng sau của những vụ làm ăn, hợp đồng, dự án, v.v... Nó cũng là chủ đề chính của một bộ phim rất đình đám năm 2003, nói về những việc có thực đã xảy ra ở các tập đoàn kinh tế toàn cầu đã từng tham gia: The Yes Man. Tôi biết đến phim này là nhờ con tôi nó mang về một đĩa DVD nguyên bản để xem. Xem xong thấy mình từ trước đến giờ thuộc trường phái thuyết âm mưu, và nhờ nó mà mình có một hướng suy nghĩ khác từ trước đến nay, mà mình chưa bao giờ để ý đến. Nhưng trước khi để hiểu và đánh giá hết công năng của thuyết âm mưu các bạn phải tự trang bị cho mình một nền tảng kiến thức rộng, sâu trên cơ sở triết học các trường phái.

Hôm nay lại thấy bài viết này của TS Kinh tế học Nguyễn Xuân Nghĩa là một bài viết căn bản và hay, nên tôi đem nó về đây làm tư liệu, và cũng để trả lời một phần nào về thuyết âm mưu trong kinh tế học. Ngoài ra, để chứng minh cho các bạn trẻ rằng kinh tế chính trị học trong các trường sau trung học ở Việt Nam đang giảng dạy không phải là triết học. Kinh tế chính trị học không khô khan và khó gặm, mà nó rất hấp dẫn, lôi cuốn, sinh động và hữu ích khi vào đời. Còn chuyện các bạn nuốt không vô là do người dạy chưa đủ trình độ và thực tế sinh động để giảng dạy mà thôi. Tôi sẽ còn theo dõi loạt bài viết này và sẽ xin phe12p copy paste đầy đủ để lưu lại trên blog này với cái tựa đề Chuyện Dược mất trong nhiều kỳ.

Kinh tế cũng là chính trị

Bài học vỡ lòng - mà trường cửu - về kinh tế
 - Nguyễn Xuân Nghĩa

Xuất bản tại Luân Ðôn từ năm Quý Mão 1843 - thời Thiệu Trị của nước ta - tuần báo The Economist của Anh là một “định chế”, trong nghĩa của người viết này, là cơ chế có ảnh hưởng tới cách suy nghĩ và hành xử của người khác. Tờ báo có một tôn chỉ đáng chú ý là “sự hiểu biết của người dân về kinh tế có hy vọng thu hẹp khả năng làm bậy của lãnh đạo!” Xuất hiện trên cột báo này từ Tháng Chín năm ngoái, mục “Kinh tế cũng là Chính trị” phần nào nhắm vào mục tiêu đó khi muốn trình bày mối liên hệ giữa chính trị và kinh tế, hoặc mặt trái chính trị của các quyết định về kinh tế, từ quốc nội đến quốc tế.

Kỳ này, xin đi lại từ đầu. Từ một bài học vỡ lòng về kinh tế mà cũng là hòn đá thử vàng, để qua đó tìm hiểu và còn có thể phê phán các quyết định kinh tế.

****
Trước hết, kinh tế học không là một khoa học chính xác, thí dụ như vật lý học.

Giới kinh tế còn tự châm biếm khi nói kinh tế gia là những kẻ dự đoán trúng chín trong sáu vụ suy trầm đã thực tế xảy ra. Tức là đoán trật lất! Nhưng kinh tế học cũng có thể là... nghệ thuật xuyên tạc vì đưa ra nhiều luận giải sai lầm và còn dựng thành chân lý có giá trị gần như khoa học.

Các chính trị gia thường có sở trường về lãnh vực đó khi dùng lý luận kinh tế để bênh vực các quyết định chính trị. Nếu ta không nắm vững vài nguyên tắc tối thiểu về kinh tế thì dễ bị dẫn dụ vào sự sai lầm nên dù là có dân chủ thì vẫn chưa thực sự làm chủ cuộc sống và có quyết định đúng đắn về chính trị.
Trước hết, hãy nói về vài chuyện đúng sai đó.

Một thí dụ thời thượng là việc các chính khách Mỹ kết án doanh nghiệp đem tiền đầu tư ra ngoài để kiếm lời, cho nên tạo công ăn việc làm cho người dân xứ khác và làm dân Mỹ mất việc. Ðó là lý luận ăn khách của cánh tả bao cấp và bảo hộ mậu dịch bên dưới khẩu hiệu “đầu tư ra ngoài là xuất cảng lao động”, hoặc tội “outsourcing”, tìm nguồn gia công ở nước ngoài.

Lý luận chính trị này sai về kinh tế. Vì Hoa Kỳ là quốc gia tiếp nhận nhiều đầu tư ngoại quốc nhất - khoảng 2.700 tỷ Mỹ kim tài sản kinh doanh tại Mỹ là của doanh nghiệp xứ khác.

Khi các nhà đầu tư Âu Châu, Nhật Bản hay Nam Hàn lập cơ sở kinh doanh tại Mỹ - và tạo việc làm cho dân Mỹ - thì họ có là những kẻ... có tội với quốc gia và nhân dân ở nhà? Người ta chỉ nhìn vào một vế của vấn đề, với một con mắt. Tức là bịt mắt người dân.

Lý luận này còn hàm chứa một sự xuyên tạc khác.

Rằng doanh nghiệp Mỹ đầu tư ra ngoài để tìm lợi thế nhân công rẻ và thực tế thì có góp phần vào tiến trình bóc lột sức lao động của công nhân các nước nghèo. Lý luận nhuốm mùi đấu tranh giai cấp ấy cũng sai trong thực tế. Doanh nghiệp Mỹ có đầu tư ra ngoài nhưng chủ yếu là vào các xứ kỹ nghệ hóa có trị trường rộng vì sức tiêu thụ cao của người dân. Nơi đó là Âu Châu. Phần đầu tư vào các nước đang phát triển hay tân hưng chỉ chiếm khoảng 20% thôi. Và nếu doanh nghiệp Hoa Kỳ vi phạm tiêu chuẩn về lao động hay môi sinh thì chính là giới tiêu thụ Mỹ sẽ phản đối, tẩy chay. Là chuyện không hề có với các doanh nghiệp Trung Quốc.
Một thí dụ khác là khái niệm phổ biến - mà sai - về tư bản Hoa Kỳ, như một thế lực hắc ám có ý đồ xấu xa. Tính trên tổng số lợi tức quốc gia, phần doanh lợi của tư bản Mỹ chiếm chưa đầy 10%, đa số còn lại là lương bổng!

Vài thí dụ trên khiến chúng ta cần thận trọng khi được các chính khách cho uống nước đường. Bây giờ mới nói qua chuyện kinh tế thực tế.

***
Kinh tế học có vài ba khái niệm sơ đẳng mà nếu suy nghĩ một chút thì ai cũng thấy ra.

Thứ nhất, quyết định kinh tế là một sự chọn lựa. Trên một khoảnh đất nếu muốn trồng trà thì không thể trồng cà phê. Nếu dành thời giờ tiền bạc vào việc này thì phải hy sinh việc khác. Muốn đổi xe mới thì có khi phải hoãn đi du lịch, muốn đầu tư thì phải bớt tiêu thụ. Giới kinh tế gọi đó là “phí tổn về thời cơ”. Chỉ có các chế độ độc tài hoặc mị dân mới hứa hẹn mọi thứ cho mọi người mà cuối cùng thì chẳng có thứ gì ra hồn.

Nối tiếp chuyện đó là khái niệm thứ hai: mọi quyết định kinh tế đều phải có phí tổn. Tính ra phí tổn để so sánh với lợi ích là bước đầu và căn bản nhất của quyết định kinh tế. Người ta chọn lựa là căn cứ trên lợi ích đối chiếu với phí tổn thì may ra sẽ có quyết định đúng. Vấn đề là làm sao định nghĩa cho đúng những lợi ích hay phí tổn này để so sánh cho chính xác?

Khi ấy, ta đụng vào một nguyên lý thứ ba, là rất dễ nhìn ra lợi ích - có khi chình ình trước mắt như chiếc xe mới toanh. Mà khó nhìn ra những mất mát phí tổn để đạt lợi ích đó. Có chiếc xe mới nằm trong nhà thì ai cũng thích mà chẳng thể biết được những mất mát, thí dụ như một khu du lịch mà mình chưa đặt chân tới. Không tới thì làm sao biết là đã mất những thú vui nào ở nơi đó?

Quy lại thành một chuyện thì ta dễ thấy cái “được” mà khó nhìn ra cái “mất”.

Vì vậy, việc so sánh có thể bị lệch lạc - mà mình lại không biết là lệch lạc! Khi đưa quyết định kinh tế đó vào chuyện quốc kế dân sinh, là lãnh vực chính trị, ta còn thấy ra chuyện rắc rối hơn. Trong một quyết định kinh tế thì ai được, và được những gì? Mà ai mất, và mất bao nhiêu?

***
Một quyết định hay một chánh sách kinh tế được coi là đúng đắn về khoa học - và tốt đẹp về đạo lý - khi có nhiều người được hưởng lợi ích hơn là những người bị mất vì phí tổn. Cái khó nhất là phải tính ra sự được/mất đó trong thế “động”, qua sự vận hành lâu dài trong tương quan nhân quả của kinh tế, chứ không trong thế “tĩnh”, trên mệnh giá lý thuyết và nhất thời của sự việc.

Khi có thiên tai hoặc chiến tranh, một số nhà bình luận kinh tế mau mắn nói đến việc phát triển nhờ nỗ lực trùng tu và tái thiết. Người ta thấy cái được của tái thiết mà không nhìn ra cái mất của sự tàn phá. Lý luận kinh tế cộng sản hay “xã hội chủ nghĩa” còn đưa việc đó đi xa hơn: kinh tế tư bản cần chiến tranh để đẩy mạnh guồng máy sản xuất, nhất là sản xuất chiến cụ!

Họ bị “hội chứng kính bể”.

Có đứa trẻ nghịch ngợm quăng đá làm bể ô cửa kính tại ngôi nhà kia khiến chủ nhà phải thuê thợ lắp tấm kính mới. Người ta bèn tính ra kết quả của nạn kính bể là thợ làm kính có thêm khách hàng - để “tái thiết” khung cửa. Mà quên mất hậu quả là tổn thất không thấy của chủ nhà: thay vì tốn tiền thay kính, họ có thể dùng tiền đó vào việc khác, cho con cái đi xem hát chẳng hạn. Cái “việc khác” đó không xảy ra nên không ai tính ra.
Nếu đưa lý luận này tới cùng thì cách phát triển một khu phố cho... hoành tráng là cứ thuê trẻ đi đập kiếng. Cách phát triển kinh tế quốc dân sung mãn nhất là gây ra chiến tranh. Vì vậy, tư bản chủ nghĩa mới hay gắn liền với chiến tranh.

Lý luận sai lầm ấy vẫn còn ảnh hưởng qua rất nhiều bài bình luận về kinh tế cực kỳ tào lao. Nó còn được biện minh bởi sự kiện là Hoa Kỳ đứng đầu thế giới về xuất cảng chiến cụ - khoảng bảy tỷ Mỹ kim - trước Liên Bang Nga, chỉ có bốn tỷ rưỡi. Nhưng nếu so sản lượng kinh tế quốc gia, hơn 14,000 tỷ, thì số xuất cảng đó của Mỹ có nghĩa lý gì? Và không là đầu máy chủ động có thể chi phối chánh sách quốc gia như trường hợp kỹ nghệ chiến cụ của Nga, một quốc gia chỉ có sản lượng kinh tế chừng 1,200 tỷ đô la.

***
Ra khỏi chuyện thời chiến để trở lại thời bình là khi kinh tế bị suy trầm vì sản xuất đình đọng, người ta phải tìm cách kích thích bộ máy sản xuất.

Một loại kích thích kinh tế đó là tăng chi. Chính quyền nào cũng thích chuyện đó vì bành trướng ảnh hưởng của chính khách và bộ máy thư lại của nhà nước - lẫn các nghiệp đoàn công chức rất mạnh ở bên trong. Một thí dụ cụ thể thường được nói tới là gia tăng công chi - chi tiêu của khu vực công - chẳng hạn để xây một cây cầu. Trước kia ta không có cây cầu, nhờ kinh tế suy trầm mà địa phương đó được một cây cầu và công nhân viên có thêm việc làm. Cái “được” đó là cây cầu, cái “mất” là gì thì có ai thấy?

Cái mất đó là cả trăm triệu tiền thuế nằm trong ngân sách quốc gia được dùng vào dự án xây cầu. Ngân khoán ấy có thể được dùng vào việc khác, như tiền thay tấm kính bể có thể được chi vào một mục khác. Cái khác đó lại không hiển hiện nên cái mất cũng chẳng thể tính ra. “Phí tổn thời cơ” là việc du di một khoản chi cho việc này làm mất cơ hội cho một việc khác. Nhưng dân biểu nghị sĩ hay doanh nghiệp xây cầu chỉ nói đến cái được mà quên lửng cái mất. Còn chúng ta thì dửng dưng vì không biết.

Nếu tăng chi mãi thì ngân sách bị bội chi và nhà nước phải đi vay. Vay trên thị trường trái phiếu là hút tiền của thị trường vào bộ máy bơm của nhà nước, là làm thị trường mất cơ hội sử dụng khoản tiền đó và làm ngân sách quốc gia phải trả tiền lời khi đi vay. Nghĩa là nhà nước cạnh tranh với tư nhân trong việc hút vốn kinh doanh vào mục tiêu khác. Thí dụ như xây cầu để kiếm phiếu cử tri ở địa phương.

Bị bội chi quá thì nhà nước phải tăng thuế. Tiền bạc trong túi người dân được hút vào ngân sách nhà nước cho viên chức nhà nước sung dụng, phân phối qua những lý luận bề ngoài - phiến diện - về việc được và mất!

Then chốt và hấp dẫn nhất là lý luận đánh thuế nhà giàu để nhà nước lo cho dân nghèo. Kinh tế học định nghĩa “nhà giàu” là người có phương tiện đầu tư, nghĩa là giúp cho doanh nghiệp làm ăn khấm khá để kiếm lời, và khoản lời đó chiếm chừng 10% lợi tức quốc gia. Nhưng khi doanh nghiệp làm ăn thì cũng là lúc họ tuyển dụng nhân viên, tạo ra công ăn việc làm cho người khác.

Vì vậy, bọn nhà giàu là những kẻ trả lương, một ngạch số rất lớn trong lợi tức quốc gia. Bị trả thuế nhiều quá thì họ bớt trả lương, kinh tế lãnh nạn thất nghiệp! Thành phần có lợi tức cá nhân chừng 200 ngàn trở lên - một hộ có hai lợi tức là 250 ngàn một năm - chiếm một tỷ lệ dân số rất nhỏ nhưng đóng góp một khoản thuế khóa rất lớn cho ngân sách quốc gia.

Ða số là chủ các doanh nghiệp loại trung bình và nhỏ, loại doanh nghiệp tạo ra hơn 70% công ăn việc làm cho kinh tế. Họ mà bị đánh thuế nặng hơn thì thất nghiệp sẽ khó giảm...

Trong khi ấy, các chính sách hút tiền thuế từ túi dân vào ngân sách nhà nước lại được một cái quyền khác: ban phát phúc lợi cho địa phương hay thành phần cử tri của mình. Việc “tái phân lợi tức” kiểu đó là đầu mối của nạn tham nhũng và phe cánh.

Những vấn đề ấy đang là thời sự chính trị của Hoa Kỳ, trước và sau cuộc bầu cử hồi đầu tháng.

***
Vì vậy, bài học vỡ lòng về kinh tế - mà chúng ta cần hiểu ra và nhớ mãi vì sẽ là tiêu chuẩn thẩm xét giá trị kinh tế của mọi hứa hẹn chính trị - có thể được tóm lược như sau: “Giá trị của mọi quyết định kinh tế phải được cân nhắc một cách toàn diện và trường kỳ.” Toàn diện là phải thấy rõ hậu quả được và mất cho mọi thành phần kinh tế khác nhau, và trường kỳ là phải nhìn ra kết quả trong lâu dài.

Cụ thể là cái mất của người nghèo khi nhà nước đòi đánh thuế nhà giàu là hậu quả khó thấy. Cũng vậy, nỗi thiệt hại trong trường kỳ về một biện pháp kinh tế nhất thời là điều mà các chính khách thường tránh nói tới. Mà mọi người khác đều phải trả, qua cách này hay cách khác, không phải thế hệ này thì thế hệ sau...

Trong những bài tới, chúng ta sẽ còn trở lại bài học kinh tế vỡ lòng này, qua một số minh diễn thuộc về thời sự.


Asia Clinic, 16h10', ngày thứ Ba, 30/11/2010

CHUYỆN ĐƯỢC MẤT (2)

Nguyễn Xuân Nghĩa
Sau cuộc bầu cử tháng 11, khiến đảng Cộng Hòa chiếm đa số rất mạnh tại Hạ Viện và đoạt thêm ghế tại Thượng Viện, khung cảnh chính trị của Hoa Kỳ đã đổi khác. Khung cảnh kinh tế thì chưa: Sản xuất còn èo uột, thất nghiệp còn cao và tờ lịch vẫn nhảy dần tới kỳ hạn oái oăm: kể từ đầu năm 2011, thuế suất người dân phải thanh toán sẽ tăng trở lại tới mức cũ, của thời Bill Clinton. Chính là khung cảnh kinh tế u ám đã dẫn tới kết quả bầu cử như một cơn động đất chính trị và khi kinh tế còn ảm đạm mà lại tăng thuế thì tả hữu gì cũng đều khốn đốn.

Hoàn cảnh kinh tế bấp bênh trong khung cảnh chính trị đổi khác khiến Quốc Hội và Hành pháp phải tính lại. Ðó là kết hợp yếu tố chính trị mới vào việc giải quyết vấn đề kinh tế cũ và phải thỏa nhượng.

Thứ Sáu mùng ba, khi ông Obama thông báo việc thỏa nhượng thì Bộ Lao Ðộng công bố một thống kê còn bi đát hơn về mức thất nghiệp của tháng 11: Từ 9.6 tăng lên 9.8% lực lượng lao động. Những lập trường quan điểm đang được trình bày đều có lý cớ là “giải quyết chuyện kinh tế và việc làm” nhưng lý do thật là bày binh bố trận cho cuộc tổng tuyển cử 2012.
***
Tổng Thống Barack Obama và đảng Cộng Hòa đi vào bước kết hợp hay chuyển hướng đó với một thỏa thuận mới về thuế khóa. Trên đại thể, ông Obama nhượng bộ phe Cộng Hòa khi đồng ý sẽ hoãn việc tăng thuế thêm hai năm, kể cả cho thành phần giàu có - những người có lợi tức trên 200 ngàn hay những gia đình có lợi tức trên 250 ngàn. Ngược lại, ông cũng đòi hỏi một số nhượng bộ từ phía Cộng Hòa, nổi bật nhất là việc triển hạn trợ cấp thất nghiệp thêm 13 tháng.

Chìm bên trong thỏa thuận là nhiều quyết định tăng chi để kích thích kinh tế - mà trừ ông Clinton, không ai dám dùng chữ “kích thích” nữa vì sự thất bại của kế hoạch kích thích trị giá hơn 800 tỷ vào năm 2009 - với kết quả là hơn 800 tỷ nữa sắp được bơm vào kinh tế trong hai năm tới. Tức là ngân sách sẽ bị bội chi nữa!

Suốt tuần qua, chính trường ráo riết tranh luận về thỏa thuận này. Cánh tả đảng Dân Chủ thì bất bình về sự nhượng bộ của tổng thống đến độ ông Obama phải mời nguyên Tổng Thống Clinton vào cứu giá: Ðứng ra họp báo tại Tòa Bạch Cung để bênh vực quyết định ấy. Ða số phía Cộng Hòa thì ủng hộ, nhưng một số người theo xu hướng bảo thủ - tự do về kinh tế với gánh thuế khóa nhẹ hơn - thì vẫn phàn nàn là bị ông Obama gài bẫy để lại tăng chi. Và họ đòi hỏi nhiều hơn, như cải tổ toàn bộ hệ thống thuế khóa rườm rà và nặng nề để giải phóng sức sản xuất của tư doanh.

Cuộc tranh luận vừa chuyên môn vừa chính trị đã gây nhiễu âm - sự ồn ào vô ích - khiến nhiều người khó biết được lẽ đúng sai của sự thỏa nhượng. Theo dự báo thì Thượng Viện (cũ, của khóa 111) có đủ phiếu thông qua đề nghị hỗn hợp trong ngày Thứ Hai 13. Qua hôm sau, khi quý độc giả đọc bài này, trận đánh sẽ khai diễn với nhiều khó khăn hơn tại Hạ Viện vì có ít nhất 53 dân biểu bên đảng Dân Chủ sẽ chống.

Xin chào mừng quý độc giả vào sân khấu “kinh tế cũng là chính trị”...
***
Người viết sẽ trình bày sơ lược những nhận định của mình về sự thỏa thuận đó trước khi nói tới một nguyên tắc tổng quát hơn, xuất phát từ “bài học vỡ lòng” về kinh tế đã trình bày kỳ trước, trên số báo ra ngày 30 tháng 11. May ra bài học đó có thể giúp chúng ta có cơ sở phân tách chuyện đúng sai thay vì bị lạc trong mê hồn trận của các chính khách.

Ðầu tiên, thỏa thuận giữa Cộng Hòa và Obama có ưu điểm là... không làm bậy nữa. Làm bậy là tăng thuế giữa nạn suy trầm.

Khi tạm hoãn tăng thuế thêm hai năm - từ thuế cho dân trung lưu lẫn người giàu và cả thuế cổ tức lẫn thặng giá tư bản là loại thuế đánh vào động lực sản xuất - thì người ta cho giới sản xuất một án treo là hai năm. Trong hai năm tới, xin yên tâm là không bị gọt đầu nữa, cho nên có thể bung ra kinh doanh và tuyển dụng... Hai năm là thời hạn đủ dài chưa? Phe tự do bên đảng Cộng Hòa thì cho rằng nên vĩnh viễn giảm thuế vì chẳng ai dám đầu tư khi biết là hai năm nữa, thành quả đầu tư sẽ lãnh thuế!

Thỏa thuận này cũng có ưu điểm là thay thế biện pháp “tín thuế” nằm trong kế hoạch kích thích 2009 bằng việc miễn thuế lương bổng thêm một năm cho người lãnh lương. Người trả lương, là doanh nghiệp, thì không được miễn, và vẫn có nghĩa vụ trả thuế cho quỹ an sinh xã hội. Một biện pháp thứ ba là tiếp tục giảm thuế di sản - đánh trên tài sản kế thừa, như tài sản của cha mẹ chia cho con cái trong chúc thư - ở mức 35% thay vì 55%. Và sau cùng, cho các doanh nghiệp được chiết cựu tài sản đầu tư, là khấu trừ khoản tài sản sản xuất này trong căn bản tính thuế.

Nói chung, đây là các biện pháp nâng đỡ sản xuất và trước hết có lợi cho những ai có khả năng đầu tư sản xuất, là bọn nhà giàu. Vì chiều hướng này, cánh tả đảng Dân Chủ mới chống mạnh!

Chuyện thứ hai - cái bẫy của Obama - là kín đáo tăng chi, ngược với khuyến cáo giảm chi của ủy ban hỗn hợp do ông chỉ định. Sau khi tăng chi phứa phựa hai năm liền để cải tạo xã hội hơn là cấp cứu kinh tế, Quốc Hội và Hành pháp Dân Chủ tạm đồng ý là sẽ chỉ tăng chi nếu có phương tiện, tức là phải giảm chi một mục nào khác. Thỏa thuận vừa rồi lại lặng lẽ tăng chi khi triển hạn trợ cấp thất nghiệp thêm 13 tháng. Lý luận ở đây là xã hội - ưu lo cho dân thất nghiệp - và kinh tế: Trợ cấp đó sẽ nâng lợi tức và khuyến khích tiêu thụ, nghĩa là tạo sức hút cho sản xuất. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề trợ cấp thất nghiệp có giảm thất nghiệp hay không trong phần sau.

Chuyện thứ ba, quan trọng nhất, là ngần ấy thỏa thuận đều chỉ là giai đoạn: Hai năm nữa thì đôi ta cùng tính lại. Hai năm nữa, nếu tình hình kinh tế sáng sủa hơn và thất nghiệp giảm thì đấy là công của ta. Nếu chưa thì đấy là tội của đối thủ. Người ta giải quyết chuyện kinh tế vì cái hẹn với cử tri vào cuối năm 2012!
Và từ nay đến đó thì các chính khách tha hồ phát biểu suy diễn lung tung để lung lạc tinh thần cử tri.
***
Chúng ta thấy cuộc tranh luận về kinh tế và chính trị đều xoay quanh một con voi trắng lù lù giữa thị trường và chính trường, là nạn thất nghiệp, cứ mấp mé gần 10% dân số lao động trong gần hai năm sau trận suy trầm từ cuối năm 2007.

Âu Châu thì đã quen với mức thất nghiệp hai số (10% trở lên) vì chánh sách kinh tế bao cấp và xã hội của họ. Hoa Kỳ thì chưa. Lần trước mà bị là vào thời Ronald Reagan với tỷ lệ thất nghiệp là 10.8% năm 1982 khiến ông táo bạo cải cách kinh tế theo hướng tự do và tái đắc cử năm 1984. Lần này tình hình có khác vì xã hội đổi khác.

Hoa Kỳ có sự chuyển dịch qua trạng thái hậu công nghiệp với khu vực dịch vụ chiếm tỷ lệ cao hơn và khu vực chế biến thu hẹp dần như khu vực canh công trước đó. Thất nghiệp của nhân công (“áo xanh”) trong khu vực chế biến trở thành vấn đề... chính trị. Và từ nạn suy trầm 2001 sau vụ bể bóng đầu tư của công nghệ tín học, người ta thấy kinh tế có phục hồi mà thất nghiệp không giảm với cùng tốc độ. Các chính khách gọi đó là hồi phục trong thất nghiệp - jobless recovery - và đả kích đối phương.

Thật ra, đây là vấn đề khách quan - không do chính trị gây ra - và trường kỳ vì thuộc về cơ cấu của xã hội và hệ thống sản xuất. Giải pháp là giáo dục và đào tạo lại nguồn nhân dụng thì lại là chuyện lâu dài, khó có ngay kết quả trong một chu kỳ bầu cử.

Nhưng trong giai đoạn hồi phục bấp bênh sau vụ tổng suy trầm năm 2008-2009, tình hình còn bết bát hơn vì nhiều lý do khác.

Nói cho ngắn gọn thì những lý do đó là: 1) khủng hoảng khu vực gia cư khiến dân chúng khó bán nhà và di chuyển khi tìm ra việc mới; 2) cải tổ y tế khiến chi phí doanh nghiệp tăng khi tuyển thêm người toàn thời, vì vậy doanh nghiệp ngần ngại; 3) khủng hoảng tài chánh năm 2008 đánh vào khu vực ngân hàng và bảo hiểm khiến giới cổ cồn - áo trắng - cũng thất nghiệp như công nhân áo xanh của khu vực chế biến; 4) các doanh nghiệp nhân đó tìm giải pháp “gia tăng năng suất” là duy trì mức sản xuất cũ mà khỏi tuyển lại các nhân viên đã sa thải; 5) không khí chính trị bất trắc khi doanh nghiệp và nhà giầu bị kết tội, bị đe dọa kiểm soát và đánh thuế nên họ ngồi trên một núi bạc, trị giá mấy ngàn tỷ mà không dám đầu tư; 6) lồng trong vấn đề trường kỳ - sự chuyển dịch hình thái sản xuất - là tình trạng có kiến thức mà không thích hợp với nhu cầu của thị trường, tới 44% doanh nghiệp đang tìm người làm mà không ra! Sau cùng, còn một lý do nhỏ mà thành chuyện lớn là việc trợ cấp thất nghiệp kéo dài có thể khuyến khích nạn ỷ lại, không chịu khó kiếm việc. Ảnh hưởng nhỏ nhưng bị phe Cộng Hòa xé ra to, rồi cũng chịu nhượng bộ.

Ngần ấy lý do có hiệu ứng nặng nhẹ khác nhau nhưng đều sẽ kéo dài nạn thất nghiệp trong nhiều năm tới. Khi ấy câu hỏi đặt ra một cách khách quan là “phải làm gì”?
***
Bài học vỡ lòng về kinh tế là “làm gì cũng phải cân nhắc việc được/mất hay lợi và hại trong dài hạn và cho mọi thành phần”. Từ bài học đó mà áp dụng vào bài toán nhân dụng hiện nay, ta có thể nghĩ đến một chuyện dễ hiểu - mà khó áp dụng.

Ðó là xác định mục tiêu chính và mục tiêu phụ. Mục tiêu chính của hệ thống kinh tế quốc gia phải là gia tăng sản xuất, chứ không phải là tạo ra việc làm và đạt lý tưởng “toàn dụng” - ai ai cũng có việc làm - vốn dĩ chỉ là mục tiêu phụ, là hậu quả gián tiếp.

Các chính trị gia thường hay lẫn lộn mục tiêu - sản xuất hay toàn dụng, chuyện nào là ưu tiên - nên mới gây ra vấn đề kinh tế, hoặc khó giải quyết hồ sơ kinh tế trong một chu kỳ đình trệ như hiện nay.

Trong kế hoạch xây dựng Vạn Lý Trường Thành, ta có sự “toàn dụng” vì ai ai cũng bị huy động vào một dự án đầu tư của khu vực công, mà vẫn không gia tăng sản xuất. Các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc hay Việt Namđều có mục tiêu tạo ra công ăn việc làm mà vẫn chẳng có đóng góp tương xứng cho việc gia tăng sản xuất và gây ra rất nhiều lãng phí, bên ngoài tệ nạn tham nhũng là thuộc tính của chế độ độc tài.

Ở thế giới tự do bên này, khi muốn san sẻ việc làm hay lợi tức, người ta nhắm vào mục tiêu toàn dụng - mỗi người chia cho nhau một chút việc làm hay lợi tức để mọi người đều cùng khá hơn - nhưng lại triệt phá sản xuất. Ðó là hậu quả kinh tế của các quyết định xã hội và chính trị, như thuế khóa, như nâng mức lương tối thiểu pháp định, nâng trợ cấp thất nghiệp để dân thất nghiệp vẫn có tiền tiêu thụ, hoặc giảm giờ làm việc mà không giảm lương, v.v...

Chính là mục tiêu gia tăng sản xuất - để kiếm lời - khiến các doanh nghiệp sẽ tuyển thêm người. Chẳng vì lý tưởng công bằng xã hội mà chỉ vì cái doanh lợi rất xấu xa về đạo lý! Nhưng việc tuyển thêm người như vậy là một bước tiến tới toàn dụng. Khi thấy rằng còn sản xuất thì còn có lời, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh sản xuất và tuyển thêm người. Chính quyền nên khuyến khích chứ đừng trừng phạt điều ấy và phải yểm trợ thị trường lao động và kinh doanh để doanh nghiệp tìm ra người thích hợp và công nhân tìm ra việc.

Nhìn ngược lại, việc tăng chi ngân sách hay tăng thuế để bơm tiền vào túi người nghèo vì lý tưởng xã hội và lý luận kinh tế - rằng khoản tiền đó sẽ kích thích tiêu thụ nên kích thích sản xuất - việc đó sẽ dễ kiếm phiếu cho chính khách mà không đẩy mạnh sản xuất. Khi yểm trợ sản xuất, tức khuyến khích cái vế cung trong hai về cung-cầu, người ta dễ mang tiếng là giúp bọn nhà giầu. Khi yểm trợ tiêu thụ, cái vế cầu trong hai vế cung cầu, người ta có thể tăng chi, bơm tiền và ban phát khả năng tiêu thụ để kiếm phiếu. Nhưng quyết định chính trị ấy gây hậu quả là tiếp tục khuyến khích tiêu thụ - nay lên tới 70% tổng sản lượng - và tăng bội chi ngân sách, mà không yểm trợ sản xuất.

Vì không yểm trợ sản xuất nên khó tạo thêm việc làm. Kết quả là xã hội cùng nghèo đi, nguồn thu thuế khóa bị giảm vì sản xuất ít hơn, bội chi ngân sách lại tăng và người người nhìn nhau như thủ phạm. Ðấy là lúc lý luận “đấu tranh giai cấp” trở thành ăn khách và khẩu hiệu “lấy của nhà giàu cho người nghèo” trở thành một tai họa kinh tế. Là chuyện hiện nay tại Hoa Kỳ.

Nếu không vì thiên kiến, người ta thấy rằng trong lịch sử thuế khóa và ngân sách, khi thuế suất được giảm thì nguồn thu thuế khóa gia tăng nhờ sản xuất tăng. Nhưng, thuế có tăng mà ngân sách lại tăng chi nhiều hơn - vì lý do chính đáng hay không - thì nhà nước sẽ bị bội chi. Hoa Kỳ đang gặp cả hai tai họa đó vì thuế suất biên tế - đánh trên đồng lợi tức sau cùng - thuộc loại cao nhất thế giới, trong khi bội chi ngân sách cũng lên tới mức kỷ lục.

Bị kẹt ở giữa là hơn 15 triệu người thất nghiệp.

Thành phần thất nghiệp này là “con tin” - chữ đang thành thông dụng - cho đòn phép chính trị của hai phe tả hữu. Cả hai phe đều tỏ vẻ ưu lo cho họ nhưng lại nhắm vào cuộc tranh cử tới. Chúng ta có thể phân tách và bình luận về chiêu pháp chính trị của đôi bên - hấp dẫn lắm - nhưng không thể quên nạn thất nghiệp sẽ còn lưu cữu. Vấn đề kinh tế ở đây chính là chính trị.

Còn mối họa bội chi ngân sách - có nguy cơ bùng nổ vào năm tranh cử 2012 - chúng ta sẽ tìm hiểu trong một kỳ khác.

Asia Clinic, 16h22', ngày thứ Tư, 15/12/2010

CHUYỆN ĐƯỢC MẤT (3)

Để tiếp tục loạt bài Chuyện được mất trong chủ đề kinh tế cũng là chính trị kỳ này của Nguyễn Xuân Nghĩa các bạn cần đọc 2 bài liên quan kỳ trước: Chuyện được mất 1 vàchuyện được mất 2. Bài này giải thích rõ cho bài Chú Sam của tôi.

Đồng thời các bạn cần nghiên cứu địa chính trị A Phú Hãn (Afghanistan) tại sao quá quan trọng mà, nó đã từng là vũng lầy của Liên Bang Xô Viết cũ 10 năm, để cuối cùng cạn kiệt kinh tế trong chạy đua vũ trang thời chiến tranh lạnh và là một trong những lý do góp phần và sự sụp đổ Liên Xô và Đông Âu hồi cuối thấp kỷ 1980s và đầu 1990s của thế kỷ trước. Và bây giờ A Phú Hãn vẫn còn là vũng lầy của Mỹ trong gần 2 thập niên qua sau khi người Nga đành phải trao lại cho Mỹ. Nên tôi đưa bản đồ A Phú Hãn và một đoạn ngắn về biên giới A Phú Hãn để mọi người hình dung sự quan trọng của A Phú Hãn.

A Phú Hãn là một nước Châu Á. Tuỳ theo mốc quy chiếu mà A Phú Hãn được xem là một nước thuộc Trung hoặc Nam Á. Vị trí địa lý của nó cực kỳ quan trọng với các cường quốc vì nó là một trong những quốc gia thuộc con đường Tơ Lụa từ Á sang Âu và ngược lại. Biên giới của Á Phú Hãn gắn liền với một số đại quốc gia Á Âu trong chiều dài lịch sử tranh cường như sau: Đông và Nam giáp với Pakistan để đến Ấn Độ. Tây giáp với Iran. Phía Bắc giáp với Turkmekistan, Uzbekistan và Tajikistan thuộc Liên Xô cũ. Đông Bắc giáp với Trung Quốc.

Từ đó các bạn sẽ thấy rằng: muốn nhìn một thế giới ở tầm vĩ mô các bạn không chỉ nắm về các vấn đề lịch sử mà còn địa lý, kinh tế, chính trị và nhiều lĩnh vực khác. Để là một người có tư duy độc lập các vấn đề, đòi hỏi phải có một kiến thức toàn diện vững vàng, mà không bị ảnh hưởng bỡi các luồng tư tưởng khác. Bây giờ xin các bạn đọc bài chính của Nguyễn Xuân Nghĩa trong loạt bài này.

Nguyễn Xuân Nghĩa
Những đòn phép trong năm sắp tới...
Theo thông lệ, bài tổng kết cuối năm thường phải đưa ra dự báo cho năm tới, dù có thể... sai bét nếu là về kinh tế. Huống hồ kinh tế quốc tế. Nhưng ít ra, việc dự báo cũng vẽ được một lộ trình hay vạch ra một cơ sở của những đòn phép chính trị để độc giả có thể so sánh sau này.
Trước hết là chuyện kinh tế chính trị Hoa Kỳ.
***
Trận chiến Hoa Kỳ
Sau khi cử tri phản ứng bằng lá phiếu, Tổng Thống Barack Obama lập tức hiểu ra luật chơi mới khi đảng Cộng Hòa chiếm lại đa số tại Hạ Viện và có thế mạnh hơn ở Thượng Viện. Ông bèn thỏa hiệp với Cộng Hòa bất chấp sự phản đối của cánh tả đảng Dân Chủ và đạt kết quả ngoạn mục. Quốc Hội “vịt què” sắp mãn nhiệm đã thông qua một số đạo luật giúp tổng thống mau mắn ban hành. Nhiều người hy vọng là kỷ nguyên “sống chung hòa bình” bắt đầu và Quốc Hội khóa 112 nhậm chức từ ngày Thứ Hai mùng 3 tới đây sẽ hợp tác với Hành pháp để giải quyết nhiều vấn đề nghiêm trọng của nước Mỹ. Sự thật sẽ khó được như vậy.

Vì câu hỏi đặt ra là “giải quyết theo hướng nào?”

Những thỏa hiệp vào giờ chót giữa ba phe, Cộng Hòa bảo thủ, Dân Chủ cấp tiến và Hành pháp mất đa số tuyệt đối, đều có nội dung câu giờ, trì hoãn thêm hai năm các quyết định lớn lao - như chuyện giảm thuế - hoặc chuyển giao hồ sơ cho Quốc Hội mới. Phe cực tả bên đảng Dân Chủ thật ra chưa nhượng bộ, lãnh tụ phe này là Dân Biểu Nancy Pelosi còn tránh không dự lễ ký kết đạo luật giảm thuế. Phe cực hữu bên đảng Cộng Hòa cũng chẳng kém: “Cử tri đưa chúng tôi vào Quốc Hội là để chặn đứng ông Obama. Chứ không để hợp tác.”

Cho nên chúng ta sẽ chứng kiến nhiều màn chính trị nháng lửa tại Hoa Kỳ.

Lý do là trong năm 2011, từ chuyện quốc kế dân sinh đến an ninh và đối ngoại, cánh tả sẽ quyết liệt ủng hộ tổng thống khi ông đứng cùng quan điểm với họ. Và lập tức đả kích ông là “phản bội quyền lợi của quần chúng nhân dân lao động và thành phần trung lưu” khi ông thỏa hiệp với phe Cộng Hòa. Bên đảng Cộng Hòa cũng vậy, mỗi khi muốn thỏa hiệp thì thành phần ôn hòa phải canh chừng sự phê phán gay gắt của cánh hữu và phong trào “Tea Party” nếu họ không triệt để tiết giảm công chi, tiến đến quân bình ngân sách và giản lược hóa toàn bộ hệ thống thuế khóa.

Ðâm ra tình trạng phân cực “tả hữu” xuất hiện gay gắt hơn ngay trong hai đảng và việc giảm chi để quân bình ngân sách có thể bị cản vì ách tắc chính trị và sẽ chi phối cuộc tổng tuyển cử năm 2012. Trong năm 2011, chúng ta sẽ còn trở lại chuyện này khi phân tách nội dung chính trị của từng đề nghị về kinh tế.
***
Trung Quốc, Ấn Ðộ, Pakistan và Nga
Trong khi chính trường Hoa Kỳ là một chiến trường với nhiều trận đánh du kích từ hai cánh cực đoan ở hai phe tả hữu, các quốc gia khác trên thế giới sẽ không ngồi yên. Nhất là các cường quốc đối thủ của Mỹ.

Trung tuần tháng 12 vừa qua, khi chính trường Mỹ còn tiêu hóa kết quả bầu cử thì Thủ Tướng Ôn Gia Bảo của Trung Quốc đã thăm tiểu lục địa Nam Á: Ấn Ðộ ba ngày và Pakistan hai ngày. Ấn Ðộ và Cộng Hòa Hồi Quốc Pakistan là hai nước cựu thù. Họ Ôn dẫn một phái đoàn doanh gia hùng hậu và kẹp nách tập chi phiếu rất dầy để thăm viếng cả hai.

Ông kết thúc chuyển Ấn du với một loạt hợp đồng trị giá 16 tỷ đô la. Ðây là con số tối đa và lý thuyết, nhưng vượt xa số cam kết của Tổng Thống Obama với Ấn Ðộ (10 tỷ) và của Tổng Thống Pháp Nicolas Sarkozy trước đó (13 tỷ). Trong canh phé quốc tế này, Bắc Kinh đã đi tiền rất mạnh ngay từ lá bài đầu.

Ấn Ðộ là đối thủ lâu đời của Trung Quốc và đang có tỵ hiềm nặng với Pakistan, vậy mà vẫn tiếp nhận một lượng tín dụng rất lớn của các ngân hàng Bắc Kinh trong ngân khoản 16 tỷ. Chuyện ấy rất đáng chú ý khi ta nghĩ đến quy luật “kinh tế cũng là chính trị.”

Từ Ấn Ðộ bước qua Pakistan, Ôn Gia Bảo còn có cử chỉ ngoạn mục hơn.

Pakistan là đồng minh kỳ cựu của Trung Quốc từ thời Chiến Tranh Lạnh khi Ấn Ðộ liên kết với Liên Bang Xô Viết. Bây giờ, Pakistan còn nắm chìa khóa cho bài toán của Hoa Kỳ và Ấn Ðộ tại A Phú Hãn nên càng có vị trí then chốt. Vì vậy mới được Bắc Kinh viện trợ khá dồi dào: 229 triệu đô la tái thiết vùng bị lũ lụt hồi mùa Hè, 400 triệu tín dụng vô điều kiện - hấp dẫn vô cùng, chứ không khắt khe như viện trợ Mỹ - và rất nhiều dự án khoáng sản, kỹ nghệ nặng, hải dương, điện tử và không gian, v.v... trị giá gấp đôi các dự án với Ấn Ðộ. Tổng cộng là 35 tỷ đô la!

Nhưng Ấn Ðộ không thể không thấy dụng tâm của Trung Quốc trong quan hệ tay ba đó.

Trong các hợp đồng với Pakistan - kể thêm dự án tân trang một quân cảng của Bangladesh tại Vịnh Bengal - có các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở nối liền Tân Cương của Trung Quốc với xa lộ Karakorum và hải cảng Gwadar của Pakistan. Kỹ sư và Công binh Trung Quốc đã tiến sâu hơn vào lãnh thổ Pakistan - ngay trên nóc nhà của Ấn. Vì vậy, các hợp đồng trị giá 16 tỷ với Trung Quốc không đẩy lui nỗi lo của lãnh đạo Ấn Ðộ.

Ðấy là lúc người ta để ý tới chuyến Ấn du của Tổng Thống Liên Bang Nga Dmitri Medvedev hôm 20 tháng 12 vừa qua.

Nga đang hâm nóng quan hệ truyền thống với Ấn Ðộ qua dự án Tổng Thống Medvedev ký kết hôm sau với Thủ Tướng Ấn Mahmohan Singh: khai triển loại chiến đấu cơ tàng hình đời thứ năm để từ nay đến 2030 sản xuất từ 250 đến 300 chiếc. Trị giá: 30 tỷ đô la! Song song, Nga giúp Ấn đẩy mạnh kỹ nghệ năng lượng hạch tâm và công khai ủng hộ Ấn trong các hồ sơ nhạy cảm nhất: mời Ấn Ðộ chính thức gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải - ngang hàng Trung Quốc cùng các nước Trung Á - và thành hội viên thường trực của Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, là điều xưa nay Bắc Kinh vẫn cực lực phản đối. Chưa biết chuyện hợp tác Ấn-Nga sẽ tiến đến đâu nhưng tất nhiên là Trung Quốc không mấy vui về điều ấy.

Khi đó, ta mới thấy ra một vòng liên hoàn có tâm điểm là A Phú Hãn, mối quan tâm ưu tiên của Hoa Kỳ.

Nhận viện trợ để hợp tác với Mỹ, Pakistan đòi bắt cá hai tay: vừa nhờ Mỹ ngăn chặn Taliban tại Pakistan vừa hợp tác với Taliban tại A Phú Hãn để khống chế xứ này sau ngày Mỹ rút nhưng lại e ngại ảnh hưởng của Ấn Ðộ tại A Phú Hãn. Ấn Ðộ đang cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ nhưng vẫn phải canh chừng Pakistan và Trung Quốc nên càng tận dụng lá bài Liên Bang Nga, một quốc gia đã củng cố được ảnh hưởng bị mất tại khu vực phiên trấn cố hữu và nay muốn có thế lực mở rộng hơn. Cho nên, cuộc thi đua giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn tiếp tục mà không chỉ giới hạn vào khu vực Ðông Á...

Vì vậy, nếu có dự đoán về tình hình 2011, ta thấy ra mớ bòng bong rắc rối, điểm xuyết bằng các dự án hợp tác kinh tế trị giá bạc tỷ. Và Hoa Kỳ không là quốc gia hào phóng nhất mà lại đang cần sự hợp tác của ngần ấy quốc gia!
***
Thế lớn mà lực nhỏ của Trung Quốc
Nhưng cường quốc rộng chi nhất là Trung Quốc cũng không hẳn là ung dung tự tại vì nhiều vấn đề nội tại bên trong.

Ðúng ngày Giáng Sinh, Trung Quốc quyết định nâng lãi suất - lần thứ nhì trong hai tháng - vì lạm phát đã tăng quá 5%, chuyện chưa từng thấy từ nhiều năm nay. Ngay hôm sau, Thủ Tướng Ôn Gia Bảo trấn an dân chúng rằng chính quyền sẽ kiểm soát được vật giá chứ không để lạm phát hoành hành. Chúng ta có thể kết luận rằng trong khi kinh tế Mỹ vẫn èo uột thì đà tăng trưởng hơn 9% của Trung Quốc khiến lãnh đạo xứ này sợ kinh tế bị nóng máy nên phải có biện pháp hạ nhiệt để hạ cánh an toàn.

Sự thật lại không được như vậy.

Trước hết, Trung Quốc đang sợ nguy cơ bong bóng đầu tư - có thể bể trong năm 2011, theo dự báo của nhiều tổ hợp đầu tư quốc tế - nên trù tính thử nghiệm kế hoạch tăng thuế thổ trạch để trái bóng bị xì mà khỏi bể. Kế hoạch thử nghiệm đó lại bị đình hoãn và trong khi Bắc Kinh nâng lãi suất để hạn chế tín dụng và đẩy lui nguy cơ lạm phát thì cũng đưa ra chỉ tiêu tín dụng cho năm tới là bẩy ngàn 500 tỷ Nhân Dân tệ (một ngàn 100 tỷ đô la) - y hệt năm nay: tăng trưởng vẫn là ưu tiên.

Trung Quốc có hai nhu cầu mâu thuẫn là hạ nhiệt kinh tế và cải cách chiến lược phát triển.

Cả hai đều khó đạt nên lãnh đạo xứ này vừa tống ga - giữ nguyên số tín dụng để đạt mức tăng trưởng cao - vừa đạp thắng - nâng lãi suất và sẽ còn tăng mức dự trữ pháp định của ngân hàng - và bàn giao việc cải cách cho thế hệ lãnh đạo kế tiếp, được bầu lên từ Ðại hội khóa 18 vào năm 2012. Nghĩa là lãnh đạo đời thứ tư - Hồ Cẩm Ðào và Ôn Gia Bảo - không kịp lấy quyết định chuyển hướng nên trao lại vấn đề cho thế hệ sau, của Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường và Bạc Hy Lai... Việc trì hoãn ấy khiến vấn đề sẽ càng khó giải quyết hơn.
Khi ấy, người ta mới để ý tới lớp người sẽ lãnh đạo sau này.

Có thể thay thế Hồ Cẩm Ðào làm chủ tịch và thuộc phe “Thái tử đảng,” Tập Cận Bình được Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng đề bạt và ra mặt đố kỵ họ Hồ. Thuộc “đoàn phái” như Hồ Cẩm Ðào vì từ Ðoàn Thanh Niên Cộng Sản lên, Lý Khắc Cường có thể là thủ tướng với chủ trương cải cách, nhưng sẽ gặp trở ngại ngay trên đầu, từ Tập Cận Bình và các phe phái còn lại của Giang Trạch Dân.

Ðã thế, bí thư Trùng Khánh ngày nay, Bạc Hy Lai là một nhân vật quái dị khác trong lớp lãnh đạo mới: cũng thuộc thành phần con ông cháu cha như Tập Cận Bình, họ Bạc nổi tiếng thanh liêm và diệt trừ tham nhũng theo kiểu... Mao. Người đầu tiên tận dụng các phương tiện hiện đại của mạng lưới xã hội - kiểu Twitter, YouTube hay Microblogs - chính là Bạc Hy Lai. Nhưng để quảng bá... tư tưởng Mao Trạch Ðông trong chiến dịch phát huy “văn hóa đỏ” vào lớp trẻ.

Khi chủ nghĩa Ðại Hán được nhuộm đỏ và khuếch âm bằng khẩu hiệu Mao Trạch Ðông, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều chuyện rất ly kỳ. Có khi là kỳ cục!

Tức là trong khi Hoa Kỳ bị ách tắc chính trị giữa hai phe tả hữu, Trung Quốc cũng gặp hiện tượng tương tự trong nội bộ và khó giải quyết vấn đề cấp bách là cải tổ cơ chế kinh tế và chiến lược phát triển. Cho nên, trong năm 2011, nếu ta có thấy nhiều màn du kích chiến trong chính trường Mỹ - chuẩn bị cho việc đổi ngôi vào năm tranh cử 2012 - thì Trung Quốc cũng có nhiều màn đấu đá gay gắt. Khi ấy, mọi quyết định kinh tế cũng đều có ẩn ý chính trị, mà mình cần nhìn cho ra.

Ðể thấy rằng Bắc Kinh không thể tự tung tự tác trên thế giới như nhiều người vẫn lo sợ.
***
Liên Âu âu sầu
Sau cùng, vì kinh tế cũng là chính trị, nên năm 2011 có thể là một năm thử thách cho Liên hiệp Âu châu. Hôm 16 tháng 12 vừa qua, nguyên thủ các nước Âu Châu lại tái diễn chuyện cố quá mà có khi thành quá cố cho đồng Euro.

Chúng ta nên nhớ lại bối cảnh làm cơ sở thẩm xét những chuyện sắp tới.

Trên đà hồ hởi sau khi Liên Xô tan rã và Chiến Tranh Lạnh kết thúc, năm 1992, các nước Âu Châu quyết định hội nhập về chính trị để lập ra Liên Hiệp Âu Châu. Sau đó, vào năm 1999, một số nước Liên Âu còn thống nhất tiền tệ để lập ra khối Euro. Mười năm sau, kiến trúc hoa mỹ về chính trị và kinh tế đó bắt đầu rạn nứt mà ban đầu người ta nhìn không ra, cứ đổ lỗi cho vụ khủng hoảng tài chánh tại Hoa Kỳ năm 2008.

Cơ chế chính trị Liên Âu không là thể chế liên bang như Hoa Kỳ nên gặp mâu thuẫn đầu tiên là từng quốc gia hội viên trao cho hệ thống Liên Âu một số quyền lực nhất định nhưng vẫn giữ lại nhiều quyết định thuộc chủ quyền quốc gia. Hệ thống Liên Âu vì vậy có một số thẩm quyền tiêu cực mà không có khả năng cưỡng hành tích cực. Các nước xé rào để trục lợi trong thế liên hiệp thật ra không bị chế tài và quan trọng nhất, Liên Âu không có quân đội hay hệ thống thuế khóa thống nhất để đòi các hội viên phải chấp hành. Ngược lại cơ chế siêu quốc gia - Hội Ðồng Liên Âu hay Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu - không thể có quyết định lớn nếu không được tất cả hội viên đồng ý, nên thực tế là không có thực quyền và khó linh động đối phó với những biến động và dị biệt quá lớn bên trong.

Sau giải pháp chính trị nửa vời đó, chuyện hoang tưởng thứ hai là Âu Châu muốn là một lực đối trọng với cái thế độc bá của Hoa Kỳ nên muốn đồng Euro thành phương tiện giao hoán có thể cạnh tranh với Mỹ kim. Trong 10 năm liền, đồng Euro đứng vững nhờ kinh tế Cộng Hòa Liên Bang Ðức với ưu thế và kỷ cương của dân Ðức. Vì vậy, nhiều quốc gia đã ỷ thế mà tăng chi bừa phứa và vay mượn lung tung cho tới khi gặp nguy cơ vỡ nợ khi thế giới bị vụ tổng suy trầm 2008-2009.

Hàng ngàn tỷ đã được tung ra mà không đẩy lui được khủng hoảng và các nước sau đây đã và sẽ còn bị chấn động nặng: Ái Nhĩ Lan (Ireland), Hy Lạp, Bồ Ðào Nha, Tây Ban Nha, Ý Ðại Lợi, Bỉ và Pháp. Bây giờ, Âu Châu phải chấn chỉnh chi thu và giải quyết hàng loạt vấn đề: trả nợ đậy cho các khách nợ bị phá sản, giăng lưới trợ cấp cho các quốc gia bị khủng hoảng và cứu vớt đồng Euro. Tốn kém sơ sơ có thể là ba ngàn tỷ đô la. Những ai sẽ thanh toán các khoản chi tiêu vĩ đại này? Và có chính quyền nào chấp nhận chi tiền mà không đòi quyền kiểm soát việc chi tiêu vô trách nhiệm của xứ khác không?

Suốt năm 2010, nhiều vụ xuống đường biểu tình và đập phá đã bùng nổ và đe dọa mọi chính sách kinh tế khắc khổ và mọi chính quyền có ý cải cách. Vì vậy, Âu Châu sẽ gặp bế tắc, đồng Euro có thể vỡ thành nhiều mảnh và giải pháp hợp lý mà không hợp tình là nước Ðức sẽ đòi cải tổ cơ chế kinh tế và chính trị Âu Châu để kiểm soát được việc chi thu và thậm chí cả chánh sách tài chánh của xứ khác. Nếu không? Ðèn nhà nào nhà ấy rạng, mạng người nào người ấy giữ!

Cả hai trường hợp đều khó nuốt như nhau và năm 2011 sẽ còn là một năm sóng gió cho Âu Châu. Còn dữ dội hơn những đòn phép chính trị tại Hoa Kỳ.
***
Năm Canh Dần 2010 là một năm có quá nhiều thiên tai và biến động, từ ngày đầu năm đến những ngày cuối. Ai cũng mong ước là qua năm Tân Mão 2011 tình hình sẽ lắng đọng hơn và thế giới hồi phục sau vụ Tổng suy trầm kinh tế 2008-2009, nhưng sự tình có khi lại chẳng được như vậy. Xin hãy cài dây lưng an toàn và chờ xem kết quả trong bài tổng kết năm tới.


Nguồn: Thế Chính Trị và Lực Kinh tế

Tư gia, 22h11' ngày thứ Ba, 28/12/2010 

16 nhận xét: