Danh sách Blog của Tôi

Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

Quy luật giàu nghèo

Tạo thịnh vượng cho quốc gia

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, mở đầu cho năm mới, xin đề nghị ông trở lại một vấn đề căn bản của các quốc gia là tạo ra của cải hay sự thịnh vượng. Nhiều thính giả theo dõi tiết mục chuyên đề này của chúng ta có thể thắc mắc với câu hỏi đó khi hàng ngày phải phấn đấu để tạo ra của cải cho gia đình sớm thoát khỏi cảnh nghèo khổ và cũng rất thích cách ông đặt vấn đề kinh tế dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Ông nghĩ sao về đề nghị này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi cho rằng đây là đề tài hữu ích nhưng đòi hỏi nhiều chương trình liên tục để giải thích cho tường tận, có khi đến Tết chưa xong! Tôi xin được tạm gọi chung đề tài là "những quy luật của giàu nghèo", trong tinh thần phân tích xem là nhờ đâu mà một quốc gia trở thành thịnh vượng và vì sao lại có nhiều nước chưa thoát khỏi sự nghèo khốn. Nhưng trước hết, mình nên khởi sự bằng cách phơi bày nhiều sự ngộ nhận khá phổ biến.
Vũ Hoàng: Nghĩa là ông muốn bác bỏ một số lý luận mà ông cho là ngộ nhận hoặc hiểu sai?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa đúng thế vì nếu không thấy ra cái sai, ta sẽ khó tìm ra cái đúng và sự lầm lẫn ấy còn có thể dẫn đến những chính sách kinh tế bất lợi cho yêu cầu thịnh vượng.
Đầu tiên, trước khi thế giới tìm ra và tổng hợp các kiến thức để có khoa kinh tế chính trị học, tức là chỉ từ vài trăm năm trở lại, loài người đã có bài toán kinh tế. Đó là con người ta đều muốn có phương tiện sinh hoạt lớn lao hơn khả năng sản xuất của mình. Giải quyết sự khan hiếm ấy là bài toán kinh tế ngàn đời. Khi tìm cách giải quyết, người ta phải tìm hiểu lý do của sự khan hiếm hoặc nguyên nhân của nghèo khó. Nhưng ta khó tìm ra giải pháp nếu cứ đơn giản cho rằng sự nghèo khó của xứ này là do xứ khác gây ra. Xin gọi đó là lý luận hàm hồ của sự bóc lột.
Đến nay, nhiều người còn nói rằng một quốc gia có thể làm giàu bằng cách khai thác xứ khác. Nguyên ủy là từ lập luận hồ đồ của Marx về lợi nhuận và giá trị thặng dư, Lenin khai triển ra quy mô quốc tế lý luận về chủ nghĩa đế quốc theo đó các nước tư bản làm giàu bằng cách bóc lột các nước nghèo. Lý luận này đề ra một tương quan nhân quả nhiều khi sai lạc về sự giàu nghèo. Nôm na là sự nghèo khốn của xứ này là do xứ khác gây ra và ngược lại, sự giàu có của nước này là kết quả của chính sách bần cùng hóa xứ khác.
Tôi xin đi vào chuyện cụ thể của trăm năm trước, khi Lenin viết ra cuốn sách về Chủ nghĩa Đế quốc, y hệt như chuyện của hiện tại, là quả thật rằng các nước tư bản Tây phương có đầu tư ra ngoài, nhưng chủ yếu là đầu tư vào các nước tư bản khác. Còn kim ngạch đầu tư vào các nước nghèo, hay đang phát triển như ta nói bây giờ, chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Vậy mà ngày nay các nước nghèo vẫn đang tìm cách chiêu dụ và thu hút đầu tư của các nước tư bản. Khi còn lấn cấn trong đầu cái lý luận hàm hồ của sự bóc lột thì mình khó nhìn ra bài toán khan hiếm và giải pháp về phát triển.
Vũ Hoàng: Nhưng ta không thể phủ nhận được sự hiện hữu của chủ nghĩa thực dân và sự bành trướng của chủ nghĩa đế quốc từ Âu Châu qua các lục địa khác. Ông trả lời sao về câu hỏi này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Quả thật là các nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hay Anh, Pháp đã trước sau chinh phục nhiều khu vực và có gây ra thảm họa cho nhiều dân tộc khác trên thế giới. Nhưng câu hỏi đầu tiên là vì sao họ chinh phục được các vùng đất rộng lớn hơn lãnh thổ của họ và khuynh đảo được một dân số đông gấp bội? Tức là từ trước đó, các nước thực dân đế quốc đã có sức mạnh kinh tế, quân sự hay kỹ thuật gì đó mà các nước kia không có. Vì sao lại như vậy? Và vì sao nhiều nước tự cô lập và không hề bị chiếm làm thuộc địa mà vẫn cứ nghèo khốn hoặc còn tự làm cho họ nghèo đi? Ta sẽ còn cơ hội nhắc đến những trường hợp cụ thể này.

Yếu tố địa lý

052_01178563-250.jpg
Trẻ em con nhà nghèo và trẻ em con nhà giàu ở Sài Gòn. AFP photo
Vũ Hoàng: Ông hay nói đến địa dư hình thể, kể cả đất đai hay tài nguyên thiên nhiên. Liệu đó có là những yếu tố giải thích sự thịnh vượng của nhiều quốc gia không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng địa dư hình thể có chi phối cách giải quyết bài toán khan hiếm và đem lại lợi thế cho sự thịnh vượng nhờ diện tích khả canh nhiều hay ít, có mạng lưới sông ngòi hay khí hậu thuận tiện hay không, v.v.... Nói chung, các nền văn minh lớn của nhân loại đều xuất phát từ vùng châu thổ của các con sông lớn và khu vực núi non hiểm trở thì khó phát triển và thường đi sau vùng đồng bằng.
Nhưng địa dư không là thực thể bất biến hay trở lực vĩnh viễn. Thác nước kia có thể là một chướng ngại cho đến khi con người nghĩ ra máy xoay nước và dùng sức nước làm ra điện. Nhiều tài nguyên thiên nhiên như quặng mỏ dầu khí có thể là thứ vô dụng trong cả vạn năm, cho đến khi con người khám phá ra công dụng mới.
Nói chung, các nền văn minh lớn của nhân loại đều xuất phát từ vùng châu thổ của các con sông lớn và khu vực núi non hiểm trở thì khó phát triển và thường đi sau vùng đồng bằng.
Nguyễn-Xuân Nghĩa
Khi ấy ta mới chú ý đến trí tuệ của con người trong bài toán khan hiếm. Vương quốc Á Rập Saudi là nước sản xuất nhiều dầu thô nhất thế giới, lại được trời cho những giếng dầu dễ khai thác, nghĩa là ít tốn kém so với dầu thô của nhiều xứ khác. Nhờ vậy, xứ này có nhiều hoàng thân tỷ phú, nhưng lợi tức bình quân một đầu người chỉ bằng 42% lợi tức của Singapore là một xứ không có dầu và còn phải mua nước của Malaysia. Israel là một quốc gia không được thiên nhiên ưu đãi, chẳng có một giọt dầu nào và thường xuyên bị đe dọa, nhưng người dân vẫn giầu hơn hầu hết các nước Á Rập có dầu ở chung quanh. Nghĩa là ăn thua vẫn ở cách tổ chức của con người. Trong một kỳ khác, chúng ta sẽ nói riêng về địa dư hình thể và không quên trường hợp Nhật Bản, Nam Hàn hay Đài Loan trong khu vực Á châu Thái bình dương.
Vũ Hoàng: Nhắc đến Nhật Bản, ông có thấy rằng xưa kia xứ này là một nước nghèo hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Mới chỉ nửa thế kỷ trước thôi, người ta còn xem thường sản phẩm chế tạo tại Nhật là đồ dỏm, rẻ tiền và dễ hư nếu so sánh với các sản phẩm Âu-Mỹ. Ngày nay, xe hơi, máy ảnh và nhiều đồ gia dụng khác của Nhật là tiêu chuẩn cao nhất và dân Nhật cũng thuộc loại giàu nhất. Nhìn trong lịch sử lâu dài thì cho đến thế kỷ 19, Nhật Bản còn là một quốc gia nghèo và khá lạc hậu vì khép cửa với bên ngoài trên một lãnh thổ có ít tài nguyên. Nhưng chỉ một thế kỷ thôi, họ đã thay đổi và thoát ra khỏi cái nghiệp nghèo khốn này.
Nhân chuyện đó, chúng ta cũng thấy ra một sự thật khác. Người ta cứ tưởng các nước nghèo là một khối bất động, chết kẹt trong sự nghèo khổ từ cả trăm năm hoặc còn lâu hơn nữa. Ngày nay, nhiều người còn gọi chung các xứ đó là "Thế giới Thứ ba" hay Đệ tam Thế giới ở giữa khối tư bản và khối cộng sản. Đây là một sự lầm lẫn, vì không thấy ra sự chuyển dịch chậm rãi lâu dài của các quốc gia.
Chẳng hạn như cách đây trăm năm, Argentina ở Nam Mỹ đã là cường quốc giàu mạnh hơn hai đại cường Âu Châu là Đức và Pháp. Thế rồi, với sức người, áo cơm cũng có thể biến thành sỏi đá và ngày nay Argentina trở thành một nước "đang phát triển" còn thua xa nhiều nước Đông Âu mới thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản có hai chục năm. Cũng thế, Singapore hay Nam Hàn đều đã từng là nước nghèo, thuộc loại gọi là Đệ tam Thế giới, ngày nay họ là nước "tân hưng" trong khi Miến Điện lại tụt hậu mất nửa thế kỷ sau khi là một nước giầu của Đông Nam Á.

Làm sao tránh tụt hậu

000_GYI0061844677-250.jpg
Trong một cửa hàng bán hàng giá rẻ tại New York hôm 28/9/2010. AFP photo
Vũ Hoàng: Như ông vừa trình bày thì mình có thề thấy rằng quốc gia nào trên thế giới cũng từng có lúc là nước nghèo, thuộc loại gọi là Thế giới Thứ ba. Nhưng sau đấy họ đã giải quyết được bài toán khan hiếm để hành quốc gia thịnh vượng. Và vì vậy, chúng ta mới tìm hiểu xem họ giải quyết như thế nào và vì sao có nhiều nước thì nghèo vẫn cứ hoàn nghèo và nhiều nước còn tự làm cho mình nghèo đi....
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa đúng thế và ta cũng thấy rằng giải thích sự nghèo khổ chưa hẳn là có ích bằng việc tìm ra giải pháp cho thịnh vượng. Và mình nên tìm hiểu chuyện ấy trong một bối cảnh dài có thể cả trăm năm. Hiểu ra quy luật chung thì sẽ tránh được cái họa tụt hậu.
Nói chung thì xứ nào cũng từng đã có lúc là quốc gia chậm tiến và nghèo khó nhưng lại vươn lên trong khi nhiều quốc gia đã từng dẫn đầu thế giới về sự thịnh vượng, có khi trong cả chục thế kỷ như trường hợp Trung Quốc, rồi sau đó lại lụn bại không vì ách thực dân đế quốc hay bị liệt cường sâu xé. Vì Trung Quốc lụn bại từ trước nên mới bị ngoại bang khuất phục, hậm hực mất trăm năm. Khi nhìn rõ hơn cái tương quan nhân quả về sự giàu nghèo thì mình tránh được việc quy trách cho người khác cái hoạn nạn do chính mình gây ra cho mình.
Vũ Hoàng: Qua từng bước phân tích như vậy, ông làm sáng tỏ được một số điều về lẽ thịnh suy hay giàu nghèo của các quốc gia. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu thêm từng yếu tố của quy luật giàu nghèo. Kết thúc chương trình kỳ này và quy vào trường hợp Việt Nam sau khi suy ngẫm về kinh nghiệm của các nước khác, ông cho rằng yếu tố nào là quan trọng và đáng suy ngẫm nhất?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trên địa cầu hay trong một quốc gia, ta đều thấy là có sự giàu nghèo. Muốn người nghèo hay nước nghèo thoát ra khỏi tình trạng này thì người ta cần rất nhiều điều kiện, từ dân số đến văn hóa, v.v... Nhưng nếu muốn nói đến điều kiện có thể là then chốt nhất, tôi nghĩ đến nền tảng pháp lý, quyền tư hữu và nếp văn hóa của sự tin cậy.
Và nếu những ai tạo ra của cải lại bị nhà nước trấn lột vì luật lệ thiếu nghiêm minh, là chuyện đang xảy ra tại Việt Nam, thì nghèo vẫn hoàn nghèo....
Nguyễn-Xuân Nghĩa
Một người nghèo mà có sáng kiến kinh doanh, dù ban đầu chỉ thuộc loại cò con, cũng khó thoát khỏi kiếp nghèo nếu không huy động được vốn để khai triển sáng kiến. Nhiều người nghèo tại các nước công nghiệp tiên tiến đã tìm ra vốn và kinh doanh thành công để trở thành triệu phú trong khi cũng tạo ra việc làm và sự thịnh vượng cho xã hội. Thế thì vì sao họ làm nổi việc đó?
Họ làm được vì ban đầu đã có tiền từ người giàu. Người giàu có thể yên tâm đưa tiền cho người nghèo mà có khả năng kinh doanh để cùng nhau phân chia lợi nhuận. Thế rồi khi cần mở mang doanh nghiệp và vay tiền loại người giàu không hề quen biết, như qua ngân hàng hay thị trường chứng khoán, thì doanh gia này phải có hồ sơ kế toán và thông tin xác thực về thành tích đã qua.
Sở dĩ những người đó làm được như vậy vì xã hội đã có luật lệ hẳn hoi - nhất là về quyền tư hữu – và được áp dụng nghiêm minh. Nền tảng ấy mới tạo ra niềm tin, hay sự tín cẩn, tín nhiệm. Thiếu nền móng từ pháp lý đến văn hóa ấy thì người ta chỉ còn tin nhau trong phạm vi rất hẹp của bạn hữu và gia đình nên chỉ làm được việc nhỏ, với lợi ích giới hạn về kinh doanh và kinh tế. Và nếu những ai tạo ra của cải lại bị nhà nước trấn lột vì luật lệ thiếu nghiêm minh, là chuyện đang xảy ra tại Việt Nam, thì nghèo vẫn hoàn nghèo....
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về thí dụ thấm thía này, và xin hẹn ông kỳ sau mình sẽ nói tiếp về những điều kiện khiến cho một quốc gia có thể trở thành giàu có thịnh vượng.

Pháp quyền và thịnh vượng

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Khởi đi từ chương trình đầu tiên của năm 2013, khi đề cập về quy luật của sự giàu nghèo giữa các quốc gia, chúng ta đã lần lượt tìm hiểu nhiều khía cạnh khác biệt về sự thịnh vượng, nào là địa dư hình thể và tài nguyên thiên nhiên, nào là dân số rồi dân trí, và cả văn hóa lẫn di dân, v.v....
Qua các chương trình này, chúng tôi nghiệm thấy một số yếu tố đáng chú ý là cách đo đếm về thống kê để so sánh sự giàu nghèo của các nước qua nhiều thời kỳ khác nhau, rồi có một số quốc gia tương đối khá giàu rồi lại bị tụt hậu trong nhiều thế kỷ, như trường hợp Trung Quốc. Có quốc gia như Nhật Bản thật ra còn nghèo và ít tài nguyên mà lại vươn lên rất nhanh thành một nền kinh tế thịnh vượng và tiên tiến. Vì sao lại như vậy?
Thưa ông, khi kiểm lại thì ta thấy quốc gia nào trên mặt địa cầu đều đã từng là một nước nghèo, chẳng khác gì các nước mà ngày nay ta gọi là chậm tiến hay chưa phát triển, thế rồi họ lại thành trù phú phồn thịnh. Như vậy, vấn đề đáng chú ý và tìm hiểu ở đây không phải là sự nghèo khốn mà là sự thịnh vượng. Ta sẽ đi vào phần kết để tìm ra cái gì đã tạo ra sự thịnh vượng đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Vì đây là một đề tài bao quát nên ta sẽ tập trung dần vào các yếu tố then chốt như khi tìm một cái đòn bẩy rồi suy tính về điểm tựa và điểm động để hiểu ra quy luật vận hành của sự phồn thịnh. Tôi xin tạm lấy một thời điểm làm cơ sở suy tư vì có thể đánh dấu thời kỳ sau này ta gọi là Hiện đại. Đó là năm 1789, khi Pháp và Mỹ có cuộc cách mạng làm thay đổi vận mệnh quốc gia. Đó cũng là năm của chiến thắng Đống Đa khi Quang Trung Hoàng đế đại thắng trong có năm ngày một lực lượng xâm lăng đông đảo gấp bội của nhà Mãn Thanh.
Chiến thắng Đống Đa năm 1789 là hình thái chiến tranh cổ điển giữa hai nước và có nhiều nguyên nhân sâu xa dù Việt Nam khi đó chưa thống nhất. Trước đấy, vào thời nội chiến Trịnh Nguyễn rồi giữa nhà Nguyễn với Tây Sơn, Việt Nam đã tiếp xúc với các nước Tây phương và nói chung thì chẳng thua kém gì nhiều. Nhưng so với Âu Châu Việt Nam lại tụt hậu sau khi thống nhất nên đúng 70 năm sau trận Đống Đa thì không cưỡng nổi sức ép của Pháp khi họ tấn công Việt Nam và bắn đại bác vào Đà Nẵng năm 1859. Cái gì đã xảy ra là điều ta nên tìm hiểu...
Năm 1789 cũng là khi nền quân chủ Pháp bị khủng hoảng về nhiều mặt. Cái nhân có thể là tôn giáo hay chính trị, nhưng cái duyên, hay yếu tố châm ngòi cho một chuỗi biến động sau đó, lại là kinh tế khi công khố kiệt quệ nên triều đình phải triệu tập hội nghị có sự hiện diện của một đẳng cấp mới, Đệ tam Đẳng cấp, là đại diện cho sức mạnh kinh tế và thực tế tài trợ cho công cuộc phát triển quốc gia. Chính là hội nghị này mới làm tan rã chế độ quân chủ và mở ra cuộc cách mạng. Bảy chục năm sau, nước Pháp bị kiệt quệ ấy đã khuất phục được nước ta.
Nói ra thì kỳ chứ cuộc Cách mạng Độc lập của Mỹ khởi đi từ một chuyện nhỏ mà có ý nghĩa và hậu quả lớn lao. Chuyện nhỏ vì chỉ là vấn đề thuế khóa của các thuộc địa Anh. Mà hậu quả lớn lao là khi đã đóng thuế, tức là góp phần xây dựng quốc gia, thì người ta có quyền tham gia vào tiến trình quyết định về chính trị, nghĩa là đổi lại luật chơi và xây dựng nền tảng pháp chế khác.
Chuyện Việt Nam
000_Hkg8093802-250.jpg
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (P) và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh tham dự phiên khai mạc cuộc họp Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam tại Hà Nội vào ngày 10 tháng 12 năm 2012. AFP photo
Vũ Hoàng: Ông hay có lối trình bày lung khởi về bối cảnh rồi tập trung vào chuyện then chốt nhất. Trong ba thí dụ vừa nhắc lại cho thính giả, ông nhấn mạnh đến cái quyền được đại diện để tham gia vào tiến trình quyết định và từ đó xây dựng nền tảng pháp chế khác. Đấy là tiến trình mà sau này chúng ta gọi là dân chủ. Nhưng trường hợp của Việt Nam thì sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ngày nay, chúng ta đều có thể hiểu rằng kinh tế chính là sự chọn lựa. Mà cái quyền chọn lựa giải pháp có lợi nhất cũng là một động lực của thịnh vượng và phát triển.
Đàng Trong của nước Nam trong thời Nội chiến Nam Bắc là nơi mà người ta đã có quyền tự do tương đối trong sự chọn lựa nên thật sự đã trở thành một nước thịnh vượng của Đông Nam Á. Nhưng khi nước Nam thống nhất từ thời Gia Long thì ta lại trở về trật tự cũ trên cả nước, lại theo mẫu mực tù túng lạc hậu của nhà Thanh, nên triều đình quyết định tất cả trong sự hỗn loạn và bất mãn chung của xã hội ở dưới, để rồi xứ sở kiệt quệ dần cho đến khi bị nước Pháp khuất phục. Kỹ thuật chiến tranh, hay đại bác và pháo hạm không giải thích được tất cả. Chính là sự lạc hậu tù túng mới khiến xứ sở không thể canh tân và nâng cao được dân trí và mở ra nhiều chọn lựa khác.
Khi kiểm lại chuyện Âu-Mỹ-Á từ thời Hiện đại, sau khi nhớ đến sự thăng trầm thịnh suy của các nước, ta thấy ra một yếu tố quyết định then chốt nhất trong tiến trình làm cho quốc gia trở thành thịnh vượng. Đó là nền tảng pháp lý hay luật lệ pháp chế.
Vũ Hoàng: Chúng ta tiến dần vào điểm then chốt mà ông gọi là pháp chế. Thưa ông, nó thể hiện như thế nào trong thực tế kinh tế?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chiến tranh hay loạn lạc hoặc tình trạng vô luật pháp tại vùng núi non hiểm trở là những trở ngại cho sinh hoạt kinh tế. Cho nên tối thiểu thì kinh tế cần đến sự ổn định và một nền tảng pháp quyền chung cho mọi người ở mọi nơi mà không quá tốn kém khi áp dụng.
Các chế độ độc tài có thể bảo đảm được sự ổn định ấy bằng một hệ thống luật lệ hà khắc và một bộ máy cưỡng hành to lớn cồng kềnh. Liên bang Xô viết đã có sự ổn định tốn kém này trên một lãnh thổ có nhiều tài nguyên, cho nên nếu so sánh với thời đại của các Sa hoàng của họ, thì nước Nga có thể giàu hơn trước. Nhưng so với Âu Châu thì vẫn là một xứ nghèo đói và 70 năm sau thì kinh tế tự sụp đổ dưới sức nặng của hệ thống kiểm soát và bộ máy sản xuất kiệt quệ vì chế độ tập trung quản lý, tức là một chế độ triệt tiêu cái quyền chọn lựa kinh tế của người dân.
Chính là sự lạc hậu tù túng mới khiến xứ sở không thể canh tân và nâng cao được dân trí và mở ra nhiều chọn lựa khác.
Ông Nguyễn-Xuân Nghĩa
Vũ Hoàng: Cứ như vậy thì ta tiến dần đến trường hợp của Trung Quốc và Việt Nam khi nói đến yêu cầu ổn định bằng luật lệ và yêu cầu phát triển bằng chế độ pháp quyền. Thưa ông, có phải là kinh tế hai xứ này đã thịnh vượng hơn trước là nhờ có hệ thống luật lệ thông thoáng hơn chăng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng hai quốc gia này có thịnh vượng hơn khi so với chính mình trong quá khứ. Chứ so với các nước khác thì vẫn còn rất nghèo mà lại không có tương lai vì chính hệ thống pháp quyền của họ. Tôi xin được lần lượt giải thích.
Chúng ta đều biết kinh tế chỉ tăng trưởng và tạo ra của cải khi có sự ổn định, không bị chiến tranh. Nhưng hệ thống luật lệ và chế độ pháp quyền của hai xứ ấy có thể giúp người dân khỏi chết đói chứ không thể làm quốc gia phú cường được vì bản chất thiên lệch của nó. Chế độ pháp quyền này có mục tiêu ưu tiên là đảm bảo quyền lực đảng hơn là bảo vệ pháp quyền nhà nước, nôm na là đảng vẫn cao hơn nhà nước, như được ghi trong hiến pháp lạc hậu của họ.
Thuần về kinh tế thì hậu quả của chế độ pháp quyền có kỳ thị đó là những gì? Trước hết, nó gây tốn kém vì nhiều lãng phí trong chọn lựa, tức là phải tốn nhiều công sức hơn xứ khác để tạo thêm một sản phẩm. Mà đằng sau những thống kê về sản lượng hay lợi tức bình quân thì tốn sức của ai và để cho ai hưởng? Câu hỏi đó cho thấy là ngoài sự tốn kém hay phản kinh tế lại còn có sự bất công vì đào sâu khoảng cách giàu nghèo trong sự tăng trưởng. Vừa rồi, chính lãnh đạo Trung Quốc đã xác nhận chuyện bất công này khi công bố chỉ số Gini, là khác biệt đào sâu giữa các nhóm ngũ phân hay 20% giàu nhất và nghèo nhất trong xã hội.
Thứ ba là chế độ pháp quyền này dung dưỡng nạn tham nhũng vì tạo ra cơ hội trục lợi bất chính của những kẻ nằm trong, hoặc có quan hệ với, hệ thống quyết định kinh tế. Tham nhũng cũng là một biểu hiện của bất công vì không có tiền đút lót là không có cơ hội làm giàu, nên cơ hội làm giàu chỉ dành cho một thiểu số. Một quốc gia không thể phát triển và người dân không có được sự thịnh vượng khi mà chế độ pháp quyền lệch lạc lại thực tế định chế hóa hành vi tham nhũng. Mà chưa hết....
Nạn tham nhũng
Vũ Hoàng: Ông vừa đưa ra một số phê phán nghiêm khắc mà chính xác về những nhược điểm nay đã được công khai hóa về chế độ pháp quyền của Trung Quốc và Việt Nam. Như sự tốn kém rất nhiều công sức đầu tư để tạo thêm một sản phẩm qua hệ số người ta gọi là ICOR, hoặc những bất công xã hội và sự xuất hiện của một tầng lớp tư bản đỏ các đại gia hay Thái tử đảng sống phè phỡn trên sự lầm than còn quá lớn của xã hội. Hoặc như nạn tham nhũng mà ông gọi là được định chế hóa. Vậy mà ông còn nói là chưa hết! Chế độ này còn nhược điểm nào khác?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng sự thiên lệch và mờ ám của nó còn tác động vào chính sách kinh tế để bảo vệ quyền lợi cho một khu vực hay thành phần kinh tế và mặc nhiên gây thiệt hại cho đa số còn lại. Quốc gia không thể thịnh vượng, người dân không thể giàu có và chế độ này không có tương lai chính là vì lý do đó.
Các tập đoàn kinh tế nhà nước tại Trung Quốc và Việt Nam là những thí dụ mà ai cũng biết. Chế độ kiểm soát ngoại hối của Trung Quốc hoặc kế hoạch cấp cứu khu vực bất động sản bị nạn bong bóng đầu cơ tại Việt Nam là loại thí dụ khác. Cứu những ai và bỏ những ai và với tài nguyên công quỹ bị mắc nợ đến chừng nào là loại vấn đề về chính sách. Đằng sau các thống kê mờ ám, nó cho thấy tình trạng thiếu bình đẳng và minh bạch của chế độ pháp quyền lệch lạc.
Tình trạng cướp đất hay bồi thường không thỏa đáng khi giải phóng mặt bằng cho cái gọi là công nghiệp hóa và đô thị hóa là biểu hiện khó chấp nhận được của cả hai chế độ tự xưng là "xã hội chủ nghĩa".
Ông Nguyễn-Xuân Nghĩa
Căn bản nhất, chế độ ấy vẫn chưa xác định và bảo vệ quyền tư hữu, cụ thể là quyền tư hữu một phương tiện sản xuất cần thiết là đất đai. Tình trạng cướp đất hay bồi thường không thỏa đáng khi giải phóng mặt bằng cho cái gọi là công nghiệp hóa và đô thị hóa là biểu hiện khó chấp nhận được của cả hai chế độ tự xưng là "xã hội chủ nghĩa".
Thực chất thì đấy là chủ nghĩa tư bản hoang dại và vô pháp trong khi các nước theo tư bản chủ nghĩa đều trước tiên xây dựng pháp quyền nhà nước và bảo vệ quyền tư hữu để mọi người có thể kinh doanh và làm giàu nhờ sự hợp tác trong tinh thần tin cậy lẫn nhau. Nếu chỉ tin nhau trong một phạm vi rất nhỏ hẹp của gia đình và thân tộc thì làm sao có thể thịnh vượng khi cần làm ăn với thế giới bên ngoài? Có thể là kỳ sau mình sẽ kết thúc loạt bài này bằng cái quyền chọn lựa, trước mình khi ăn Tết và chúc nhau an khang thịnh vượng.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa và xin hẹn quý thính giả kỳ sau.

Dân số và sự giàu nghèo

Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Tiếp theo chương trình kỳ trước, về những quy luật của sự giàu nghèo tại các quốc gia trong lịch sử và ngay trong hiện tại, xin đề nghị ông   trình bày một yếu tố mà ngày nay nhiều người đang nói tới, là dân số. Người ta nói tới là vì hiện tượng lão hóa dân số trong các nước công nghiệp hoá và vì sức đua tranh hiện nay của hai nền kinh tế đang phát triển có dân số đông nhất địa cầu, là Trung Quốc và Ấn Độ.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Như thường lệ, tôi sẽ nói về bối cảnh trước và trước hết xin giải độc ở một số ngộ nhận tai hại. Trong một giai đoạn quá lâu, người ta cứ cho rằng các nước nghèo sở dĩ gặp phải phận nghèo vì dân số quá đông cho nên có một cái bánh mà phải chia cho quá nhiều người thì ai cũng phải nhận một phần nhỏ hơn. Đây là một sai lầm về lý luận kinh tế và còn dẫn đến tinh thần giành giựt miếng ăn mà không nhìn ra cách sản xuất một cái bánh to hơn.
Người ta sở dĩ sai lầm như vậy vì từ mấy trăm năm nay, từ các nước kỹ nghệ hoá đã xuất hiện lời báo động về nạn "nhân mãn", nói nôm na là "quá đông người". Ta nhớ rằng mục sư Malthus là kinh tế gia người Anh đã cảnh báo từ thế kỷ 18 rằng nếu không có biện pháp ngăn ngừa thì dân số nhân loại gia tăng theo cấp số nhân sẽ vượt quá phương tiện sinh hoạt chỉ gia tăng theo cấp số cộng và thế giới sẽ khủng hoảng. Sau này, ta thấy cái nhìn bi quan ấy là không đúng.
Vũ Hoàng: Thưa ông, có thể là không đúng trong các nước tư bản công nghiệp hóa nhờ cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật với nhiều ứng dụng trong sản xuất kinh tế, chứ tại các nước nghèo thì chúng ta có thấy sự bùng phát dân số nhanh hơn sản lượng kinh tế chứ? Ông giải thích thế nào về chuyện này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa là trong một giai đoạn nhất định thì chuyện ấy có thể đã xảy ra nên mới dẫn đến lý luận sai lạc về nạn nhân mãn. Một cách giản dị cho dễ nhớ về một thí dụ tiêu biểu thì người ta cho rằng liều thuốc kháng sinh trị giá mấy đồng bạc có thể cứu được mạng sống của một người nghèo trong một xứ gọi là chậm tiến, nhưng nếu phải nuôi người đó trong cả đời thì xứ này sẽ không có đủ phương tiện, vì thế mới báo động về nạn nhân mãn và đề cao việc giới hạn đà gia tăng dân số tại các nước nghèo.
Sự thật nó lại rắc rối hơn vậy và tôi cho rằng đây mới là một lý luận chậm tiến, lạc hậu, vì người ta lầm lẫn về tương quan nhân quả của sự giàu nghèo. Cũng vì vậy mà mình mới phải có loạt bài cơ bản này. Câu chuyện còn rắc rối hơn khi nhiều nước nghèo lại bị mê hoặc bởi lý luận Mác-xít nên là nạn nhân của cả Malthus lẫn Marx và Lenin mà không nhìn ra sự thật.
Vũ Hoàng: Ông hay có lối nói ví von để gợi ý tò mò. Thưa ông, thế nào là nạn nhân của cả Malthus lẫn Marx và Lenin?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Xuất phát từ lý luận tiêu cực của Malthus, người ta cho rằng các nước đang phát triển, thuộc Đệ tam Thế giới hay Thế giới Thứ ba, sở dĩ nghèo đi là vì nạn nhân mãn nên nghĩ đến việc kiểm soát dân số hay kế hoạch hóa gia đình. Thế rồi, nhiều người theo lý luận Mác-Lenin lại cho rằng các quốc gia ấy sở dĩ gặp cảnh nghèo khó là vì bị tư bản bóc lột chứ không vì dân số quá đông. Họ đả phá lập luận bi quan của Matlhus và đề cao lý luận lạc quan của Marx về cuộc cách mạng để giành lấy phần hơn của một cái bánh vẫn có kích thước như cũ mà không nhìn đến giải pháp phát triển thực sự. Bây giờ ta trở về sự sai lầm về "nhân mãn".

Sự sai lầm về "nhân mãn"

Dan-so_3-250.jpg
Giao thông trên đường phố Hà Nội. RFA photo
Vũ Hoàng: Ông cho rằng khái niệm "nhân mãn" này là một sự sai lầm?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Không những thiếu chính xác vì không phản ảnh thực tế mà còn có thể dẫn đến liều thuốc đổ bệnh và làm cho lãnh đạo các nước nghèo lấy quyết định sai lầm.
Trước hết, thế nào là "nhân mãn" hay "overpopulation", nói theo Anh ngữ? Là quốc gia có dân số đông hơn khả năng cung ứng của địa lý hay thiên nhiên chăng? Thí dụ như nếu tính theo dân số trên diện tích đất đai chẳng hạn thì ta có "mật độ dân số" là số bình quân của người dân trên một cây số vuông. Liệu mật độ quá cao có thể giải thích vì sao quốc gia ấy nghèo hay chăng?
Xét theo tiêu chuẩn ấy, Việt Nam có 90 triệu dân trên 330 ngàn cây số vuông thì có mật độ là 265 người cho một cây số vuông. So với mật độ của Đài Loan là 642 người, của Nam Hàn là 490 người thì Việt Nam chưa bị hiện tượng nhân mãn và đáng lý phải giàu hơn chứ? Sự thật lại trái ngược như ai cũng có thể thấy. Nếu có tính cho tinh vi hơn, như là xem trên diện tích chung đó có bao nhiêu cây số vuông là khả canh, tức là có thể canh tác nhờ điều kiện địa dư hoặc kỹ thuật nông nghiệp, hoặc ở bên dưới còn có những tài nguyên thiên nhiên nào có thể khai thác thì vấn đề vẫn y như vậy. Việt Nam có điều kiện địa dư và khoáng sản cao hơn mà vẫn nghèo hơn. Lý do của sự giàu nghèo nó phải nằm ở chỗ khác, thí dụ khả năng khai thác tài nguyên thiên nhiên nằm dưới lòng đất, nghĩa là ở cái đầu của con người.
Vấn đề của Việt Nam không là dân số mà là dân trí và trình độ của lãnh đạo.
Nguyễn-Xuân Nghĩa
Vũ Hoàng: Chưa kể là nếu một quốc gia có dân cư quá thưa thớt thì việc giao lưu buôn bán chưa chắc đã có lợi bằng một xứ có mật độ dân số cao hơn và tập trung hơn. Có phải thế không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa ông đúng như vậy. Các nước Châu Phi trong vùng sa mạc Sahara có khi chẳng bị nạn nhân mãn như Đài Loan hay Nhật Bản mà vẫn nghèo là vì lý do khác. Kỳ trước, ta nhắc đến trường hợp Argentina tại Nam Mỹ. Xứ này giàu tài nguyên đủ loại, không quá đông dân và bước vào thế kỷ 20 thì là một trong 10 nước giàu nhất thế giới, hơn hẳn Đức, Pháp mà nay họ bị tụt hậu và nghèo đi thì chẳng phải vì bị nạn nhân mãn mà vì sai lầm của lãnh đạo.
Lý luận về nhân mãn, là vì quá đông dân mà quốc gia nghèo đi, không giải thích được tương quan nhân quả về sự giàu nghèo. Khả năng khai thác tài nguyên có sẵn từ cả vạn năm ở nơi đó, như là thác nước hay giếng dầu, cũng là một biểu hiện khác của sự giàu có và đưa bài toán dân số vào đó chẳng giải quyết được vấn đề mà còn mình có cái nhìn lệch lạc về chính sách kinh tế.
Vũ Hoàng: Chúng ta trở lại trường hợp của Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia đông dân nhất thế giới hiện nay. Ông giải thích thế nào về yếu tố dân số trong sự phát triển của hai xứ này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trung Quốc đang là cường quốc kinh tế và lò chế biến của thế giới nhờ dân số rất cao là một tỷ 350 triệu dân với mật độ chỉ có chừng 140 người trên một cây số vuông. Sở dĩ như vậy là vì xứ này cải cách kinh tế từ 30 năm qua chứ không còn mù quáng theo chính sách bế quan toả cảng và chế độ tập trung quản lý của quá khứ. Ấn Độ đi sau, kém 100 triệu dân và có mật độ cao gấp bội là 370 người, và mới chỉ cải cách từ hơn 20 năm thôi.
Nhưng lãnh đạo Trung Quốc đã sợ nạn nhân mãn mà kế hoạch hóa gia đình với chính sách mỗi hộ một con áp dụng từ năm 1978. Ngày nay, họ bắt đầu thấy ra hậu quả là dân số chậm tăng, bị lão hóa và mất sức cạnh tranh. Trong khi ấy, dù đông dân và có mật độ cao hơn, Ấn Độ lại theo hướng khác và ngày nay có dân số trẻ hơn, và nhờ vậy sẽ có ngày bắt kịp sản lượng Trung Quốc. Vì vậy, quy luật ở đây không là dân số hay cái lượng mà là cái phẩm, là khả năng đóng góp của mỗi người vào sự thịnh vượng chung của cả cộng đồng.

Trường hợp Việt Nam

Hoc-sinh_1-250.jpg
Dân số trẻ ở Việt Nam, ảnh minh họa. RFA photo
Vũ Hoàng: Qua phần cuối, ta nói về trường hợp Việt Nam. Quốc gia này cũng có một dân số khá đông và phải nói là khá trẻ sau mấy chục năm chiến tranh liên tục. Liệu dân số hay nhân khẩu có là một vấn đề trong bài toán giàu nghèo của Việt Nam hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi còn nhớ 20 năm trước có lãnh tụ Đông Nam Á nhận xét là nếu họ có lãnh thổ như Việt Nam thì đã nuôi nổi 200 triệu dân. Bản thân tôi còn thấy nhiều giới chức tại Đài Loan mở tấm bản đồ xứ mình giải thích rằng họ có thể phát triển khu vực này hay ngành nghề nọ, như Pháp nói về Đông Dương ngày xưa vậy! Đau lòng lắm khi thấy sau đó họ thực hiện các dự án như đã trù hoạch từ trước.... Vấn đề của Việt Nam không là dân số mà là dân trí và trình độ của lãnh đạo.
Vũ Hoàng: Xin ông giải thích cho điều ông vừa phát biểu.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ lãnh đạo một nước không thể chủ quan duy ý chí mà quyết định về dân số hay tỷ lệ sinh nở cao thấp của người dân. Đây là yếu tố văn hóa và xã hội với hậu quả lặng lẽ, rất chậm và rất mạnh mà mình chỉ thấy trong trường kỳ, nếu có viễn kiến.
Khi hiểu ra điều ấy thì người ta phải thấy rằng mỗi công dân sinh ra đời có thể là một miệng ăn nhưng sẽ là đôi tay làm và được hướng dẫn bằng cái đầu, bằng trí tuệ. Nếu thực tình tin vào khả năng tiến hóa của con người thì nên lạc quan nghĩ đến khả năng đóng góp và giải quyết bài toán kinh tế của công dân hơn là bi quan cho rằng mỗi người sinh ra sẽ là một của nợ, một gánh nặng.
Từ đó, thì lãnh đạo phải tạo điều kiện mở mang dân trí và bản thân phải nâng cao trình độ quản lý, tức là phải ý thức được những giới hạn của mình, là chuyện không hề có tại Việt Nam.
Một cách cụ thể thì họ phải xây dựng hạ tầng yểm trợ người dân trong công cuộc phát triển. Hạ tầng đó gồm có nền tảng pháp quyền, là luật lệ thông thoáng minh bạch cho kinh doanh sản xuất như ta đã nói kỳ trước.
Hạ tầng đó cũng là cơ sở khai thác tài nguyên và chuyên chở để giải quyết bài toán khan hiếm và phân phối tại những nơi xa xôi nhất. Quan trọng hơn cả và nói về dân trí hay khả năng sản xuất của một dân số rất đông và trẻ, ta nên nghĩ đến giáo dục và đào tạo.
Khi lãnh đạo còn bắt giam những người trẻ vì sự khát khao của họ thì đấy không còn là vấn đề dân trí mà là chuyện "quan trí" - hay lòng ái quốc không hề có của những kẻ đang cầm quyền.
Nguyễn-Xuân Nghĩa
Vũ Hoàng: Đó là câu kết luận, thưa ông, giáo dục và đào tạo dân số của Việt Nam có vấn đề gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nếu sự giàu có hay thịnh suy của xứ sở nằm trong cái đầu người dân hơn chỉ là cái miệng đòi ăn thì việc giáo dục từng người từ cấp trung tiểu học phải là nhiệm vụ ưu tiên và lâu dài của chính quyền. Nôm na là phải có nền giáo dục miễn phí cho mọi người trong mươi mười hai năm đầu để có nền tảng dân trí tối thiểu và sự bình đẳng cho toàn dân.
Sau bậc trung học thì hệ thống giáo dục và đào tạo tay nghề hay chuyên môn phải được mở ra cho tư nhân tham gia vì họ ý thức được yêu cầu của thự tế, của thị trường. Tức là phải tư nhân hóa, hay "xã hội hóa" nói theo người Hà Nội bây giờ. Việt Nam lại làm ngược với các nước Đông Á nghèo hơn mà có trình độ phát triển cao hơn.
Đó là thả nổi giáo dục trung tiểu học cho tư nhân khai thác, tức là nhà nước phủi tay với đại đa số con trẻ và tạo ra một rào cản bất công vì không trợ cấp học phí. Sau đó, nhà nước lại còn kiểm soát hệ thống giáo dục ở cấp cao đẳng và đại học vì muốn bảo vệ tư tưởng của chế độ nên mới gây ra khủng hoảng về đào tạo trong khi cả một thế hệ năng động đang khát khao học hỏi kiến thức mới lạ của thế giới văn minh bên ngoài.
Khi lãnh đạo còn bắt giam những người trẻ vì sự khát khao của họ thì đấy không còn là vấn đề dân trí mà là chuyện "quan trí" - hay lòng ái quốc không hề có của những kẻ đang cầm quyền.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi thật hào hứng này.

Di dân và Đa Văn hoá là Yếu tố thịnh vượng

Vũ Hoàng: Xin trân trọng kính chào tái ngộ ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, như đã hẹn, ta sẽ tiếp tục trao đổi về các động lực tạo ra sự giàu nghèo của các nước trong nhiều thời kỳ khác nhau. Câu hỏi đầu tiên xin được nêu ra là một thành ngữ gốc Trung Hoa, "phi thương bất phú"- không có thương nghiệp thì không thể làm giàu.
Chúng ta đều biết câu nói này xuất phát từ nền văn hóa Trung Hoa, như mình có thể thấy qua nguyên văn bằng Hán ngữ. Thế nhưng hình như là trong chuyện này lại có một nghịch lý.
Một đàng là lý luận Khổng Nho có tính chất thống trị trong nền văn hóa và chính trị Trung Quốc cứ đề cao người có học đi làm quan, như ta thấy qua bốn thành phần xã hội là "sĩ, nông, công, thương", tức là thương nhân đứng hạt chót. Đằng kia là chữ "phi thương bất phú" và thành tựu kinh doanh đáng kể của Hoa kiều lưu tán tại các nước Đông Nam Á, kể cả Việt Nam. Ông giải thích thế nào về chuyện này?

Một cộng đồng dân tộc trên một khu vực địa dư thường có chung một số động thái do cùng chia sẻ một số giá trị tinh thần mà ta gọi là "văn hoá".
Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nghịch lý ông vừa nêu lên là một chuyện rất thú vị dù là hơi dài nếu ta muốn đi vào nguyên ủy của vấn đề. Tôi xin được tóm gọn như sau. Thời Chiến Quốc từ thế kỷ thứ năm trước Tây lịch ở bên Tầu đã có một giai đoạn đa nguyên với nhiều tư tưởng phong phú, và trong "bách gia chư tử" của họ đã có một phái là "kế hoạch gia" mà ta hiểu nôm na là kinh tế học và nghệ thuật làm giàu. Nhân vật Đào Chu Công tức là Phạm Lãi của nước Việt là một người nổi tiếng của phái đó. Nhưng qua đời Hán từ năm 200 trước Tây lịch thì người ta xoá bỏ  hệ thống tư tưởng đa nguyên, lấy lý luận Khổng Nho là chân lý nhằm bảo vệ quyền lực triều đình với việc đề cao sĩ phu và nông nghiệp mà coi thường thương nghiệp và kỹ thuật. Dù sao, đấy là phần nổi ở trên, chứ quần chúng ở dưới thì vẫn cứ làm ăn buôn bán và khi xiêu dạt qua xứ khác, họ đem theo thói quen rất thực tiễn và cố gắng làm ăn nên mới thành công. Cũng câu hỏi đó mới khiến ta để ý đến văn hoá và vai trò của di dân trong việc tạo ra sự thịnh vượng.
Vũ Hoàng: Ông có thói quen nêu vấn đề rất lạ, và cho rằng văn hóa và di dân có thể tạo ra sự thịnh vượng. Chúng ta sẽ khởi đi từ đó....
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin được lấy một định nghĩa thông tục để khỏi dài dòng về phạm trù "văn hóa". Đó là "các yếu tố tinh thần, dù là bất thành văn, vẫn chi phối cách suy nghĩ và hành xử của một tập thể sống chung trên cùng một lãnh thổ". Nghĩa là một cộng đồng dân tộc trên một khu vực địa dư thường có chung một số động thái do cùng chia sẻ một số giá trị tinh thần mà ta gọi là "văn hoá".
Khi ấy, ta nhớ đến một quy luật có trình bày một kỳ trước, đó là "nói chung, các nền văn minh lớn của nhân loại đều xuất phát từ vùng châu thổ của các con sông lớn và khu vực núi non hiểm trở thì khó phát triển và thường đi sau vùng đồng bằng." Yếu tố quyết định ở đây là sự giao tiếp giữa nhiều thói quen khác biệt mà ta gọi là văn hóa, bên dưới là sự chuyển giao công nghệ.
000_Hkg8121501-250.jpg
Một nhóm du khách nước ngoài đi bộ ở khu phố cổ của Hà Nội vào ngày 21 Tháng 12 năm 2012. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam.
Trên vùng núi non hiểm trở người ta chậm phát triển vì khó giao tiếp với bên ngoài và vẫn giữ nét văn hoá riêng mà không đổi mới. Tại vùng đồng bằng, bên các son sông lớn hoặc biển cả, người ta có nhiều cơ hội tiếp cận và trao đổi với bên ngoài nên dễ tìm ra giải pháp mới cho nhiều bài toán cũ. Và như vậy, tính chất đa văn hoá lẫn tinh thần cởi mở để đón nhận di dân có thể là yếu tố đóng góp cho sự thịnh vượng. Ngược lại, nếu cứ tự đóng kín với thế giới bên ngoài thì người ta có thể chết đói trên một kho vàng do tổ tiên để lại vì không biết cách khai thác.
Vũ Hoàng: Trong có vài câu khá cô đọng, ông nói ra những điều khá phức tạp nên xin đề nghị ông trình bày ra một số thí dụ minh diễn có được không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin khởi đi từ Trung Hoa với bóng rợp văn hoá của họ trong cả ngàn năm làm dân ta lụn bại dần mà không biết. Nhiều người Trung Hoa từ thời Chiến Quốc tức là 25 thế kỷ trước, đã mường tượng rằng trái đất hình tròn. Nhưng văn hoá xứ này lại tin rằng thế giới là mặt phẳng, ở giữa có Trung Quốc là trung tâm của thiên hạ và coi dân khác là man rợ. Cũng vậy, xứ này đã phát minh ra thuốc súng, nhưng văn hoá của họ lấy phát minh này làm pháo bông cho đến khi bị pháo hạm và đại bác Tây phương khuất phục và nay mới bắt đầu Tây phương hóa.
Một thí dụ khác gần gũi hơn với chúng ta là sau năm 1558, khi một đại quan của triều Lê là Nguyễn Hoàng từ Thăng Long vào Thuận Hóa lánh nạn, ông khai sáng ra chín đời Chúa Nguyễn và mở mang lãnh thổ trên một vùng đất mới, có tài nguyên và điều kiện sinh hoạt mới. Vì nội chiến Trịnh-Nguyễn, các Chúa Nguyễn thoát khỏi nếp văn hoá bị Hán hóa ở Đàng Ngoài mà phát triển Đàng Trong theo lối thực tiễn cởi mở hơn, và nhờ đó phát huy tinh thần "bốn bể một nhà" của dân lưu tán. Khi đó, Đàng Trong giao thiệp và buôn bán bình đẳng với mọi sắc dân Âu-Á để trở thành cường quốc kinh tế của cả Đông Nam Á. Khi Gia Long thống nhất đất nước thì lại xây dựng chế độ trên cơ sở Trung Hoa lạc hậu đời Thanh nên chỉ 70 năm sau Chiến thắng Đống Đa năm 1789, nước Nam đã bị Âu Châu khuất phục khi Pháp bắn vào Đà Nẵng năm 1859. Từ mấy thí dụ gần đó, ta có thể suy ra những trường hợp hiện đại và thời sự hơn về kinh tế.

Sự tin cậy trong kinh doanh

Vũ Hoàng: Bước sang chuyện hiện đại thì ông thấy những thí dụ nào là có vẻ tiêu biểu nhất?

Sự khai phá trong tầm nhìn và tinh thần hợp tác phải dẫn đến một luật chơi chung, là cơ sở pháp lý cần thiết để có được sự tin cậy trong kinh doanh.
Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trong một kỳ trước, chúng ta có nói đến xứ Argentina, vào đầu thế kỷ 20 đã là một trong 10 quốc gia giàu mạnh của thế giới. Mình có thể hỏi là ở đâu ra sự giàu mạnh đó tại Nam Mỹ? Thí dụ đầu tiên là di dân gốc Đức đã đem theo kiến thức về canh tác lúa mì khiến xứ này đang từ tình trạng nhập khẩu bột mì trở thành một trong mấy nước xuất khẩu lớn nhất thế giới trên một lãnh thổ đã có sẵn điều kiện thuận lợi cho canh tác. Di dân gốc Anh thì đem theo kỹ thuật và công nghệ hỏa xa qua Ấn, qua Phi và giúp Argentina phát triển hạ tầng vận chuyển và tạo ra sự trù phú. Nhưng rồi chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và ách độc tài của chế độ Juan Peron đã khiến đầu tư và di dân quốc tế tháo chạy khiến xứ này mới nghèo dần và lụn bại.
Suy ngẫm ngược lại thì di dân gốc Âu Châu đã đem theo văn hoá và kiến thức của họ phát triển các vùng đất mới tại Hoa Kỳ, Canada hay Úc Châu nên không mất trăm năm để học lại từ đầu. Và trên vùng đất mới có nhiều tài nguyên mà thổ dân bản địa không biết khai thác, di dân đã mở ra nhiều cơ hội và xây dựng nên những nét văn hóa khác biệt với Âu Châu. Một thí dụ gần gũi khác là tại vùng Thung lũng Điện tử ở miền Bắc California, rất nhiều doanh nghiệp loại nhỏ là do di dân lập ra và thành công mỹ mãn để trở thành những tập đoàn lớn.
Vũ Hoàng: Từ những thí dụ ấy mình có thể rút tỉa được nhiều bài học hữu ích. Theo ông thì những bài học nào là đáng nhớ nhất?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thí dụ về Argentina cũng áp dụng cho nhiều xứ khác tại Trung Nam Mỹ. Điều kiện địa dư, hình thể và khí hậu thì vẫn có sẵn, nhưng các định chế và tổ chức, nghĩa là nếp văn hoá và nền tảng pháp lý lại không khai thác điều kiện tự nhiên này cho đến khi di dân xứ khác tới nơi đã tạo hoàn cảnh cho thịnh vượng.
000_Hkg8127374-250.jpg
Văn Miếu Hà Nội vào ngày 24 tháng 12 năm 2012. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam.
Từ vài thế kỷ gần đây, hiện tượng di dân mở rộng trên địa cầu cho phép nhiều sắc dân và nếp văn hoá giao tiếp với nhau và tìm ra các giải pháp mới mà quê hương cũ hay xã hội tiếp cư mới lại không có trước đó. Chúng ta đều hiểu đa số di dân là người nghèo, thực chất là tha phương cầu thực để kiếm sống, với một bản năng sinh tồn và sức chịu đựng rất cao. Khi được tự do làm ăn, các đức tính ấy đã giúp họ làm giàu và tạo ra sự thịnh vượng trong xã hội tiếp cư. Nếu xã hội tiếp cư lại kỳ thị hoặc ruồng bỏ di dân từ cõi lạ thì xã hội đó để mất thời cơ và khó phát triển.
Bài học ở đây chính là cách mở mang tầm nhìn và có tinh thần hợp tác không kỳ thị, đấy là các yếu tố góp phần cho thịnh vượng. Nhưng sự khai phá trong tầm nhìn và tinh thần hợp tác phải dẫn đến một luật chơi chung, là cơ sở pháp lý cần thiết để có được sự tin cậy trong kinh doanh.
Vũ Hoàng: Chúng ta đi tới phần cuối là bài học cho Việt Nam. Khi nói đến quy luật của giàu nghèo cùng yếu tố di dân và đa văn hóa, người Việt ta có thể học được gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nếu nhớ đến địa dư hình thể và nếp văn hóa bị Hán hóa tại miền Bắc được coi là "ngàn năm văn vật", ta có thể nhìn ra một hiện tượng. Đó là những người thông minh, biến báo hoặc liều lĩnh nhất của miền Bắc đã phát triển và trở thành dân miền Trung rồi người Nam. Trên vùng đất mới, họ thoát khỏi nếp văn hoa sơ cứng của miền Bắc mà giao tiếp và sinh hoạt trong tinh thần tự do và cởi mở hơn để tạo ra sức mạnh kinh tế khá đặc biệt của miền Nam, không phải là sau năm 54 hay 75 của thế kỷ 20 mà ngay từ thời còn là Đàng Trong.
Đàng Trong ngày xưa và miền Nam ngày nay đã đi trước không chỉ nhờ địa dư trù phú hơn mà là nhờ cái đầu thông thoáng hơn và nhất là nhờ không có tinh thần kỳ thị, sợ sệt hoặc mặc cảm. Người dân nơi đây làm ăn và giao tiếp với thế giới một cách dung dị và bình đẳng nên tìm ra các giải pháp mới mà miền Bắc khó thể có. Khi lãnh đạo ngày nay lại áp đặt khuôn khổ văn hoá chính trị độc tôn, về bản chất vẫn là tự Hán hóa theo màu sắc Trung Quốc cộng sản, thì chế độ làm xứ sở nghèo đi, nghĩa là lại kéo đất nước về tình trạng lạc hậu cũ.
Một thí dụ hiện đại và thời sự không kém là cách giao tiếp với người Việt tại hải ngoại, là thành phần bắt buộc phải học hỏi cái mới của thiên hạ để tồn tại và thành công trong xã hội tiếp cư. Cộng đồng người Việt này không chỉ đem tiền về mà còn mang theo kiến thức và cách suy nghĩ của thế giới khác để có thể đóng góp cho sự thịnh vượng của quê hương cũ. Chế độ sẵn sàng nhận tiền, thậm chí còn làm tiền họ, nhưng nghi kỵ những tư tưởng mới mà họ gọi là phản động hay "có âm mưu lật đổ". Đâm ra di dân Việt Nam có thể làm giàu cho xứ khác mà không làm giàu cho nước mình nếu không chui qua hai chân của lãnh đạo và nộp tiền cho kẻ cầm quyền.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi lý thú này.

Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

Những bài thơ Đường bất hủ

PHIẾM BÀN NGẮN VỀ PHONG KIỀU DẠ BẠC
Nguyễn Đại Hoàng

Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế đời Đường là bài thơ ngàn năm, chỉ với 4 câu :

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

Bài thơ chỉ có 28 từ nhưng có tới 7 động từ ! Đó là : lạc, đề, mãn, đối, bán, thanh, đáo.


Chúng ta cần chú ý rằng chủ từ của các động từ trên là các chữ đứng ngay trước.Và điều này có thể được thấy rõ hơn khi chúng ta nhìn lại bài thơ với các động từ đã được in đậm như sau :

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

Vậy thì chung thanh có thể không phải là tiếng chuông mà là chuông vang. Theo ý nghĩa này thì tiếng chuông chùa phải là chủ thể chủ động tìm đến thuyền khách, chứ không phải ngược lại như câu thơ dịch lừng danh sau đây của Tản Đà : Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.


Đây là một thủ pháp đặc sắc của thơ Đường “ tá thanh truyền ảnh ”. Tiếng chuông ngân nga vọng đến từ Hàn San tự gợi ra hình ảnh của một đêm vắng. Tiếng chuông tìm đến con thuyền để chia sẻ nỗi cô đơn với khách hải hồ. Và chữ đáo chính là nhãn tự của cả bài thơ.


Và còn nữa , dạ bán có thể không phải là nửa đêm mà là đêm qua quá nửa. Bởi vậy những bản dịch nào dịch chữ dạ bán thành nửa đêm là vô hình trung coi dạ bán cũng là bán dạ rồi !


Vâng thường thì quá nửa đêm thì trăng mới lặn, quạ mới kêu, sương mới rơi đầy trời, và chuông chùa mới đánh !


NGUYỄN ĐẠI HOÀNG

3/2013
Trăng thì lặn
Trời thì sương
Tiếng quạ kêu
Lạc lõng

Cây thì lặng

Đèn chài khuya
Chấp chới
Ánh đỏ vàng

Chùa thì xa 

Thấp thoáng
Bên Cô Tô
Thành cũ

Chuông thì ngân

Đêm vắng
Buông từng tiếng
Vọng muôn đời. 

Phương Anh T4/2013

Trăng lặn

Trời sương



Tiếng quạ kêu


Lạc lõng



Cây lặng


Đèn chài khuya
Chấp chới
Ánh đỏ vàng


Chùa xa
Thấp thoáng


Bên Cô Tô


Thành cũ

Chuông ngân
Đêm vắng


Buông một tiếng


Vọng ngàn đời. 

http://bloganhvu.blogspot.com/2013/04/nua-em-oc-hoa-phong-kieu-da-bac.html


LƯƠNG CHÂU TỪ 

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi 
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi 
Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu 
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi 

Lương Châu Từ do Vương Hàn (687-726) làm ra năm 713 khi ông bị triều đình nhà Đường đày ra Lương Châu do tính bộc trực của mình. Lương Châu là vùng biên giới gồm phần lớn là đất sa mạc Tân Cương (Gobi desert) và là nơi rợ Hồ từ mạn Bắc và Tây Bắc xua quân xuống quấy nhiễu liên tục. Lương Châu Từ đồng thời cũng lấy tên từ một điệu hát cổ Trung Hoa nói về trận mạc, biên giới.





Thông cảm với sự gian khổ của lính tráng thuộc cấp của mình, Vương Hàn viết ra bài thơ tứ tuyệt này, không ngờ đã để lại cho hậu thế một áng văn chương truyệt vời, nhất là đối với người Việt. Giá trị của bài thơ này vượt thời gian và rất phù hợp với người chiến binh VNCH trong trận chiến huynh đệ tương tàn. Nhà thơ Hữu Loan viết trong "Đồi Tím Hoa Sim":





Lấy chồng chiến binh, mấy người đi trở lại




Nhạc sĩ Lê Thương diễn tả trong "Hòn Vọng Phu":





Qua Thiên San kìa ai tiễn rượu vừa tàn


Vui ca vang rồi đi tiến binh ngoài ngàn


..........................


Vui ra đi rồi không ước hẹn ngày về


Ai quên ghi vào gan đã bao nguyện thề




Những từ ngữ như "bỏ mạng nơi sa trường," "chén rượu ly bôi" v.v... phảng phất ảnh hưởng của bài thơ tứ tuyệt này.





Trong văn chương Việt Nam, chữ sa trường đã trở thành đồng nghĩa với chiến trường, tự điển Tuttle Compact Vietnamese Dictionary dịch chữ sa trường là battlefield (nguồn).





Thành thử có câu: "Quân trường đổ mồ hôi, chiến trường (hoặc sa trường) bớt đổ máu."




Tôi rất đồng ý với nhận xét của ông thầy cũ vì quả thật chữ Hoa tượng hình, tượng nghĩa, nhất là thể thơ Đường thất ngôn tứ tuyệt luôn diễn tả những ý nghĩa cô đọng có tính cách phổ quát, rộng lớn, không bó buộc vào sự việc cá nhân, nhỏ nhặt nên càng phân tích, càng thấy ra nhiều điều mới lạ và dễ đi vào tranh cãi vì mỗi người có một cách cảm nhận khác nhau.





Theo thiển ý, thưởng thức một bài thơ tứ tuyệt tương tự như ngắm một bức tranh nổi tiếng, chẳng hạn như bức "La Joconde" của Leonard de Vinci. Chỉ có thể cảm nhận mà khó phân tích được.





Bài "Lương Châu Từ" đã cho tôi cái cảm xúc của bức tranh "Le dernier carré de la Vieille Garde," bi thảm và hùng tráng.












Le Dernier Carré


Litho d'après le tableau de R.Hillingford "The Last Stand of The Imperial Guard."


(Trích nguồn)
Trở lại chủ đề chính, bài dịch "Lương Châu Từ: được chấp nhận nhiều nhất là do Trần Trọng San dịch thành:


Rượu bồ - đào, chén dạ quang
Muốn say, đàn đã rền vang giục rồi
Sa trường say ngủ ai cười
Từ xưa chinh chiến mấy người về đâu


Bùi Khánh Đản có bài dịch khá hay:

Bồ đào, rượu rót chén lưu ly
Muốn uống, tỳ bà giục ngựa đi
Bãi cát say nằm, chê cũng mặc
Xưa nay chinh chiến mấy ai về .


Bài thơ này có hai chỗ gây tranh cãi nhiều nhất là về:



1/ Cây đàn tỳ bà. Nhiều người cho rằng đàn tỳ bà làm sao thúc quân nổi? Cách lý giải của Lai Quang Nam khá hay là thời thế kỷ thứ 8, Hồ cầm (đàn của người Hồ) được dùng ngoài chiến trận sa mạc để làm hiệu lệnh nhờ gọn và âm sắc cao hơn tiếng gió vùng sa mạc. Hồ cầm du nhập vào Trung Hoa thành cây đàn tỳ bà, cũng như thành cây Balalaika vùng biên giới Liên Sô cũ. Người Hồ (Mông Cổ) nổi tiếng về tài cưỡi ngựa và chiến đấu bằng ngựa nên sử dụng hồ cầm vừa nhẹ vừa tiện để dùng trong trận mạc là phải. Quân đội Trung Hoa đóng ngoài biên cương Lương Châu cũng sử dụng hồ cầm để tập họp quân lính là điều dễ hiểu.



2/ Say rượu nằm lăn ngoài chiến trường thì còn gì sức chiến đấu? Theo tôi, phải hiểu chiến trường không có nghĩa là lúc nào cũng đối đầu với quân thù mà là nói chung ngoài mặt trận, có đồn lính, có canh gác, tuần tiễu và thỉnh thoảng mới có đụng độ. Những lúc rảnh rang, uống rượu say mèm trong đồn thì là lẽ thường tình. Thời xưa hay nay gì cũng vậy.



Tôi có thêm một nhận xét nhỏ về chữ "quân" trong câu ba. Chữ này dùng ở ngôi thứ ba ám chỉ "người ta." Tuy nhiên tác giả dùng chữ "quân" thay vì "nhân" chắc có ý nói chung chung "vua, thượng cấp, thuộc cấp, các chiến hữu..." xin đừng cười trách vì: Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.
http://bloganhvu.blogspot.com/2013/09/chu-nhat-oc-bai-binh-luong-chau-tu.html
http://bloganhvu.blogspot.com/2013/03/nghi-troi-at-vo-cung.html
“Đăng U Châu đài ca”

Tiền bất kiến cổ nhân


Hậu bất kiến lai giả


Niệm thiên địa chi du du


Độc thương nhiên nhi thế hạ

Đài U Châu thời Đường chỉ là một thành trì nhỏ, về sau được xây dựng thành Bắc Kinh. Trần Tử Ngang (661-702) tự Bá Ngọc là một viên quan dưới thời Võ Tắc Thiên, đỗ tiến sĩ lúc 23 tuổi. Nhà thơ sống cuối thời Sơ Đường, tiên phong trong việc yêu cầu sáng tác phải có “ký thác”. “Kí thác" tức là “gửi vào thơ” tâm tình của mình trước hiện thực đời sống, lìa bỏ hẳn thơ sắc tình và ca công tụng đức. Nói rõ hơn, Trần tiên sinh đòi hỏi thi ca phải có lý tưởng cao cả, phải gắn với hiện thực cuộc sống (Sau này phong cách thơ ký thác của họ Trần ảnh hưởng tới sáng tác của các thi gia hàng đầu như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị).

Trong nền thi ca TQ cổ điển có những “dấu hiệu chung” gọi là “mã nghệ thuật” (một khái niệm hiện đại) các nhà văn thơ có thể dùng chung. “Đăng cao” (lên cao) là một trong nhiều mã nghệ thuật của Đường thi. “Chiều cao” của không gian được gợi ý một tư tưởng, lý tưởng cao cả. Đỗ Phủ viết bài thơ “Đăng cao” (Trèo lên cao), Lí Bạch viết bài “Độc tọa Kính Đình sơn” (Ngồi một mình trên đỉnh núi Kính Đình),Thôi Hiệu trèo lên lầu cao Hoàng hạc (Hoàng hạc lâu), Trần Tử Ngang viết “Đăng U châu đài ca” (trèo lên đài U châu mà ca).v.v…. cho đến ông Hồ Chí Minh vừa ra khỏi nhà tù Quảng Tây cũng thích “đăng cao” (Tân xuất ngục học đăng sơn): “Bồi hồi dạo bước Tây Phong lĩnh/trông lại trời Nam nhớ bạn xưa” (Bài chót của Nhật ký trong tù). “Lên cao, trèo cao” chỉ là tưởng tượng, ước lệ, chứ thực ra thi nhân ngồi ở thư phòng, nằm trong lữ quán mà viết thơ… Nếu không hiểu được “mã nghệ thuật đăng cao”, bạn đọc dễ lạc đường khi đọc thơ và bình luận.


Trên cơ sở đó ta đọc- hiểu bài “Đăng U châu đài ca”.


Bài thơ viết theo cấu trúc (5.5.6.6) chủ yếu thuộc loại thơ cổ phong và đang tiến gần tới dạng tứ tuyệt.


Thi nhân trèo lên đài cao để tìm người, không phải để hóng gió hay ngoạn cảnh.


Tìm ai ?


Tìm một người tương tự như “cổ nhân” viết hoa, tức một triết gia, một lãnh tụ anh hùng hay một minh quân (tỷ như vua Nghiêu, vua Thuấn, vua Vũ...), tóm lại là tìm một ngọn cờ để hướng theo. Nhưng buồn thay “tiền bất kiến cổ nhân ». Thực tế nhà thơ tìm mãi ở đời này mà chẳng có ai được như cổ nhân (viết hoa).


Nhà thơ lại hy vọng một mẫu người mới (lai giả - viết hoa), có thể khác với cổ nhân, nhưng sẽ là nhân vật lý tưởng cho thời đại mới. Nhưng than ôi «hậu bất kiến lai giả » ! Nhìn mãi trước sau chưa thấy nên rơi thầm nước mắt.


Lãng tử nghĩ rằng bài thơ mang cảm hứng lớn, cảm hứng đất nước. Cái người mà nhà thơ trông đợi ấy phải là một nhân vật lý tưởng của thời đại, bậc anh hùng cái thế, minh quân của đất nước. Tìm người theo mẫu mực truyền thống (cổ nhân), hoặc là một hình mẫu con người mới (lai giả) đều là tốt.


Trần thi nhân nghĩ về vận mệnh đất nước hơn là buồn thân phận cá nhân. Nỗi cô đơn của ông là tâm sự của một người ưu thời mẫn thế, không phải một kẻ cô đơn thiếu bạn hữu, thiếu bạn tình.


Nhà thơ đứng trên đài cao, khoảng giữa Trời và Đất, khoảng giữa Quá khứ và Tương lai.


Nhà thơ hiện ra như một nhân vật có tầm vóc vũ trụ, chẳng phải kẻ rỗi hơi đi tìm mưa ngắm mây hóng gió.


Nhà thơ Chế Lan Viên mượn ý Trần Tử Ngang từng viết :


Ôi thương thay những thế kỉ vắng anh hùng

Những thế kỉ thiếu người cầm thanh gươm nghìn cân ra trận

(“Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi”).


Phải chăng Chế Lan Viên viết cùng một cảm hứng lớn lao như Trần Tử Ngang ? Nhìn chung nhà thơ Việt Nam hiện đại ưa giãi bày rõ ràng trực tiếp mà thiếu vẻ kín đáo như thi nhân cổ điển. Mặt khác họ Chế chuẩn bị không khí cho một “minh quân” tên Nguyễn Ái Quốc xuất hiện cuối bài thơ đấy chứ, đâu phải Chế đang chờ tìm ai. Vậy ra họ Chế vẫn làm thơ minh họa, chẳng thể nào sánh được với cổ nhân.


Lại nhớ Bài ca Xuân 61 của Tố Hữu nổi đình đám một thời, có đoạn :


Chào 61 đỉnh cao muôn trượng

Ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng
Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau
Trông Bắc trông Nam, trông cả địa cầu

Tố Hữu cũng là một người am hiểu Đường thi nhưng ông đã trở thành một kẻ đạo văn siêu hạng ! Thực chất Tố Hữu đã copy tứ thơ của Trần Tử Ngang... Tố Hữu coi năm 1961 (sau Đại hội Đảng III năm 1960) như một cái U châu đài, để ông ta trèo lên, ngạo nghễ ca bài ba hoa khoác lác.(Theo cách phán xét sơ thẩm của Lãng tử thì nhà thơ Tố Hữu xứng với công 3 tội 7, coi như đi buôn bị lỗ).


Bài thơ của Trần Tử Ngang có thể gieo vào bạn đọc những cảm xúc, liên tưởng bất ngờ khác nhau, nếu bình thơ chệch hướng thì coi đó là bài phóng tác hay bài “họa”...


Lãng tử chợt thấy mình cũng rơi vào tâm trạng Trần tiên sinh. Năm 2013 liệu có xuất hiện “cổ nhân” hay “lai giả”đủ tâm đủ tầm làm thay đổi đất nước Việt Nam trì trệ và đau thương này không ? Bao giờ ?


Lãng tử chỉ biết loay hoay với thơ và suy ngẫm như trên, xin chia sẻ cùng bạn hữu.


Giang Nam lãng tử

An Giang 26/3/2013
Người xưa nói: “Thi trung hữu họa” (trong thơ có họa)

“Nghệ thuật không có biên giới”

Người xưa còn nói “Thi trung hữu nhạc” (trong thơ có nhạc)
Đó cũng là trường hợp của bài Tầm Ẩn Giả Bất Ngộ. Hãy xem nguyên tác:

Tùng hạ vấn đồng tử

Ngôn: sư thái dược khứ
Chỉ tại thử sơn trung
Vân thâm bất tri xứ 

Một bài thơ ngẳn ngủi mà có tới 3 nhân vật (đồng tử, sư và khách), 4 thiên nhiên: (tùng, dược, sơn, vân), 3 tĩnh từ (hạ, trung, thâm) và  đặc biệt có tới 7 động từ (vấn, ngôn, thái, khứ, chỉ, tại, tri)! 7 động từ cho 20 từ! Có bài thơ ngắn tương đương nào có tỉ lệ động từ cao như vậy chưa? Và càng nhiều động từ thì càng động! Phải không?

Bởi vậy suy nghĩ cho kỹ thì đây đâu chỉ là một bài thơ động, mà hơn thế còn là một bức họa động!

Và nếu như cho tới nay chưa có bức họa nào có thể “vẽ” hết được những điều mà ngôn ngữ bài thơ hàm chứa, thì cũng chưa có bản dịch nào có thể “chuyển” được những điều mà ý thơ muốn nói! Cái Có của bài thơ không chỉ là cái Có trong nó mà quan trọng hơn là cái Không Có trong nó! Ai cũng có thể diễn được cái có, nhưng mấy ai diễn được cái không?


Người khách đã tới chốn sơn lâm mong gặp ẩn giả, và đã hỏi chuyện tiểu đồng. Chưa có câu trả lời. 


Chưa biết khách sẽ ngộ hay bất ngộ sư. Và đến hôm nay, đã hơn ngàn năm trôi qua, cũng chưa có câu trả lời! Người hỏi và người được hỏi vẫn đứng ngàn năm dưới cội tùng!


Tôi có cảm giác mình cũng là một khách vân du đi tìm cố nhân, tôi muốn hỏi chú tiểu đồng những câu hỏi mà năm xưa chú đã được hỏi. Tôi nghĩ chú vẫn sẽ chỉ vào chốn xa xôi, mây núi chập chùng.


Tôi nghĩ mình sẽ qua đêm tại chốn sơn lâm cùng cốc đó để đợi một điều có thể nên đợi và không nên đợi. Ngộ hay bất ngộ đều như nhau! Tôi chỉ biết ngàn năm đang trôi. Tôi chỉ biết tôi vẫn là một người khách của thời gian. Và sư vẫn hái thuốc chưa về!


Bởi vậy một đêm tự nhiên tôi có một “bản vẽ” như thế này:  


Dưới bóng tùng hỏi thăm

Sư hái thuốc xa xăm
Người đi về lối ấy
Mây núi đã ngàn năm …

Giang Nam tiên sinh đã chính xác khi cho rằng  bản dịch “không tải hết được nội dung nguyên tác vốn hàm súc (hình tượng em bé / quan niệm của em về đường đi, phương hướng nơi núi rừng, nỗi băn khoăn lo ngại của khách nhìn mây dày đặc (vân thâm)”.


Vâng đúng vậy thưa Giang Nam tiên sinh cùng quý vị, như trên tôi đã nói, một bài thơ quá Động thì dịch phải nói là chuyện vô cùng khó. Bởi chỉ có Tĩnh mới chế được Động, mà trong cuộc đời này, cái Tĩnh cũng chính là cái chúng ta đang tìm kiếm và nuôi dưỡng hàng ngày.


Tuy nhiên hôm nay tới thăm Giang Nam tiên sinh, tôi tìm thấy một chút Tĩnh cho mình. Đó là bài phiếm bình tôi viết hôm nay.Sư, tiểu đồng và vị khách đi về đâu?


Tôi nghĩ là không ai biết cả, nhưng mà tôi có thể nói như thế này:


Người đi về lối ấy

Mây núi đã ngàn năm …

Quý vị có thấy tôi chỉ đường có hay hơn anh tiểu đồng năm xưa không?  


Nguyễn Đại Hoàng

http://bloganhvu.blogspot.com/2013/03/phiem-binh-ve-bai-tho-tam-gia-bat-ngo.html