Danh sách Blog của Tôi

Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

Những bài thơ Đường bất hủ

PHIẾM BÀN NGẮN VỀ PHONG KIỀU DẠ BẠC
Nguyễn Đại Hoàng

Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế đời Đường là bài thơ ngàn năm, chỉ với 4 câu :

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

Bài thơ chỉ có 28 từ nhưng có tới 7 động từ ! Đó là : lạc, đề, mãn, đối, bán, thanh, đáo.


Chúng ta cần chú ý rằng chủ từ của các động từ trên là các chữ đứng ngay trước.Và điều này có thể được thấy rõ hơn khi chúng ta nhìn lại bài thơ với các động từ đã được in đậm như sau :

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

Vậy thì chung thanh có thể không phải là tiếng chuông mà là chuông vang. Theo ý nghĩa này thì tiếng chuông chùa phải là chủ thể chủ động tìm đến thuyền khách, chứ không phải ngược lại như câu thơ dịch lừng danh sau đây của Tản Đà : Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.


Đây là một thủ pháp đặc sắc của thơ Đường “ tá thanh truyền ảnh ”. Tiếng chuông ngân nga vọng đến từ Hàn San tự gợi ra hình ảnh của một đêm vắng. Tiếng chuông tìm đến con thuyền để chia sẻ nỗi cô đơn với khách hải hồ. Và chữ đáo chính là nhãn tự của cả bài thơ.


Và còn nữa , dạ bán có thể không phải là nửa đêm mà là đêm qua quá nửa. Bởi vậy những bản dịch nào dịch chữ dạ bán thành nửa đêm là vô hình trung coi dạ bán cũng là bán dạ rồi !


Vâng thường thì quá nửa đêm thì trăng mới lặn, quạ mới kêu, sương mới rơi đầy trời, và chuông chùa mới đánh !


NGUYỄN ĐẠI HOÀNG

3/2013
Trăng thì lặn
Trời thì sương
Tiếng quạ kêu
Lạc lõng

Cây thì lặng

Đèn chài khuya
Chấp chới
Ánh đỏ vàng

Chùa thì xa 

Thấp thoáng
Bên Cô Tô
Thành cũ

Chuông thì ngân

Đêm vắng
Buông từng tiếng
Vọng muôn đời. 

Phương Anh T4/2013

Trăng lặn

Trời sương



Tiếng quạ kêu


Lạc lõng



Cây lặng


Đèn chài khuya
Chấp chới
Ánh đỏ vàng


Chùa xa
Thấp thoáng


Bên Cô Tô


Thành cũ

Chuông ngân
Đêm vắng


Buông một tiếng


Vọng ngàn đời. 

http://bloganhvu.blogspot.com/2013/04/nua-em-oc-hoa-phong-kieu-da-bac.html


LƯƠNG CHÂU TỪ 

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi 
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi 
Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu 
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi 

Lương Châu Từ do Vương Hàn (687-726) làm ra năm 713 khi ông bị triều đình nhà Đường đày ra Lương Châu do tính bộc trực của mình. Lương Châu là vùng biên giới gồm phần lớn là đất sa mạc Tân Cương (Gobi desert) và là nơi rợ Hồ từ mạn Bắc và Tây Bắc xua quân xuống quấy nhiễu liên tục. Lương Châu Từ đồng thời cũng lấy tên từ một điệu hát cổ Trung Hoa nói về trận mạc, biên giới.





Thông cảm với sự gian khổ của lính tráng thuộc cấp của mình, Vương Hàn viết ra bài thơ tứ tuyệt này, không ngờ đã để lại cho hậu thế một áng văn chương truyệt vời, nhất là đối với người Việt. Giá trị của bài thơ này vượt thời gian và rất phù hợp với người chiến binh VNCH trong trận chiến huynh đệ tương tàn. Nhà thơ Hữu Loan viết trong "Đồi Tím Hoa Sim":





Lấy chồng chiến binh, mấy người đi trở lại




Nhạc sĩ Lê Thương diễn tả trong "Hòn Vọng Phu":





Qua Thiên San kìa ai tiễn rượu vừa tàn


Vui ca vang rồi đi tiến binh ngoài ngàn


..........................


Vui ra đi rồi không ước hẹn ngày về


Ai quên ghi vào gan đã bao nguyện thề




Những từ ngữ như "bỏ mạng nơi sa trường," "chén rượu ly bôi" v.v... phảng phất ảnh hưởng của bài thơ tứ tuyệt này.





Trong văn chương Việt Nam, chữ sa trường đã trở thành đồng nghĩa với chiến trường, tự điển Tuttle Compact Vietnamese Dictionary dịch chữ sa trường là battlefield (nguồn).





Thành thử có câu: "Quân trường đổ mồ hôi, chiến trường (hoặc sa trường) bớt đổ máu."




Tôi rất đồng ý với nhận xét của ông thầy cũ vì quả thật chữ Hoa tượng hình, tượng nghĩa, nhất là thể thơ Đường thất ngôn tứ tuyệt luôn diễn tả những ý nghĩa cô đọng có tính cách phổ quát, rộng lớn, không bó buộc vào sự việc cá nhân, nhỏ nhặt nên càng phân tích, càng thấy ra nhiều điều mới lạ và dễ đi vào tranh cãi vì mỗi người có một cách cảm nhận khác nhau.





Theo thiển ý, thưởng thức một bài thơ tứ tuyệt tương tự như ngắm một bức tranh nổi tiếng, chẳng hạn như bức "La Joconde" của Leonard de Vinci. Chỉ có thể cảm nhận mà khó phân tích được.





Bài "Lương Châu Từ" đã cho tôi cái cảm xúc của bức tranh "Le dernier carré de la Vieille Garde," bi thảm và hùng tráng.












Le Dernier Carré


Litho d'après le tableau de R.Hillingford "The Last Stand of The Imperial Guard."


(Trích nguồn)
Trở lại chủ đề chính, bài dịch "Lương Châu Từ: được chấp nhận nhiều nhất là do Trần Trọng San dịch thành:


Rượu bồ - đào, chén dạ quang
Muốn say, đàn đã rền vang giục rồi
Sa trường say ngủ ai cười
Từ xưa chinh chiến mấy người về đâu


Bùi Khánh Đản có bài dịch khá hay:

Bồ đào, rượu rót chén lưu ly
Muốn uống, tỳ bà giục ngựa đi
Bãi cát say nằm, chê cũng mặc
Xưa nay chinh chiến mấy ai về .


Bài thơ này có hai chỗ gây tranh cãi nhiều nhất là về:



1/ Cây đàn tỳ bà. Nhiều người cho rằng đàn tỳ bà làm sao thúc quân nổi? Cách lý giải của Lai Quang Nam khá hay là thời thế kỷ thứ 8, Hồ cầm (đàn của người Hồ) được dùng ngoài chiến trận sa mạc để làm hiệu lệnh nhờ gọn và âm sắc cao hơn tiếng gió vùng sa mạc. Hồ cầm du nhập vào Trung Hoa thành cây đàn tỳ bà, cũng như thành cây Balalaika vùng biên giới Liên Sô cũ. Người Hồ (Mông Cổ) nổi tiếng về tài cưỡi ngựa và chiến đấu bằng ngựa nên sử dụng hồ cầm vừa nhẹ vừa tiện để dùng trong trận mạc là phải. Quân đội Trung Hoa đóng ngoài biên cương Lương Châu cũng sử dụng hồ cầm để tập họp quân lính là điều dễ hiểu.



2/ Say rượu nằm lăn ngoài chiến trường thì còn gì sức chiến đấu? Theo tôi, phải hiểu chiến trường không có nghĩa là lúc nào cũng đối đầu với quân thù mà là nói chung ngoài mặt trận, có đồn lính, có canh gác, tuần tiễu và thỉnh thoảng mới có đụng độ. Những lúc rảnh rang, uống rượu say mèm trong đồn thì là lẽ thường tình. Thời xưa hay nay gì cũng vậy.



Tôi có thêm một nhận xét nhỏ về chữ "quân" trong câu ba. Chữ này dùng ở ngôi thứ ba ám chỉ "người ta." Tuy nhiên tác giả dùng chữ "quân" thay vì "nhân" chắc có ý nói chung chung "vua, thượng cấp, thuộc cấp, các chiến hữu..." xin đừng cười trách vì: Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.
http://bloganhvu.blogspot.com/2013/09/chu-nhat-oc-bai-binh-luong-chau-tu.html
http://bloganhvu.blogspot.com/2013/03/nghi-troi-at-vo-cung.html
“Đăng U Châu đài ca”

Tiền bất kiến cổ nhân


Hậu bất kiến lai giả


Niệm thiên địa chi du du


Độc thương nhiên nhi thế hạ

Đài U Châu thời Đường chỉ là một thành trì nhỏ, về sau được xây dựng thành Bắc Kinh. Trần Tử Ngang (661-702) tự Bá Ngọc là một viên quan dưới thời Võ Tắc Thiên, đỗ tiến sĩ lúc 23 tuổi. Nhà thơ sống cuối thời Sơ Đường, tiên phong trong việc yêu cầu sáng tác phải có “ký thác”. “Kí thác" tức là “gửi vào thơ” tâm tình của mình trước hiện thực đời sống, lìa bỏ hẳn thơ sắc tình và ca công tụng đức. Nói rõ hơn, Trần tiên sinh đòi hỏi thi ca phải có lý tưởng cao cả, phải gắn với hiện thực cuộc sống (Sau này phong cách thơ ký thác của họ Trần ảnh hưởng tới sáng tác của các thi gia hàng đầu như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị).

Trong nền thi ca TQ cổ điển có những “dấu hiệu chung” gọi là “mã nghệ thuật” (một khái niệm hiện đại) các nhà văn thơ có thể dùng chung. “Đăng cao” (lên cao) là một trong nhiều mã nghệ thuật của Đường thi. “Chiều cao” của không gian được gợi ý một tư tưởng, lý tưởng cao cả. Đỗ Phủ viết bài thơ “Đăng cao” (Trèo lên cao), Lí Bạch viết bài “Độc tọa Kính Đình sơn” (Ngồi một mình trên đỉnh núi Kính Đình),Thôi Hiệu trèo lên lầu cao Hoàng hạc (Hoàng hạc lâu), Trần Tử Ngang viết “Đăng U châu đài ca” (trèo lên đài U châu mà ca).v.v…. cho đến ông Hồ Chí Minh vừa ra khỏi nhà tù Quảng Tây cũng thích “đăng cao” (Tân xuất ngục học đăng sơn): “Bồi hồi dạo bước Tây Phong lĩnh/trông lại trời Nam nhớ bạn xưa” (Bài chót của Nhật ký trong tù). “Lên cao, trèo cao” chỉ là tưởng tượng, ước lệ, chứ thực ra thi nhân ngồi ở thư phòng, nằm trong lữ quán mà viết thơ… Nếu không hiểu được “mã nghệ thuật đăng cao”, bạn đọc dễ lạc đường khi đọc thơ và bình luận.


Trên cơ sở đó ta đọc- hiểu bài “Đăng U châu đài ca”.


Bài thơ viết theo cấu trúc (5.5.6.6) chủ yếu thuộc loại thơ cổ phong và đang tiến gần tới dạng tứ tuyệt.


Thi nhân trèo lên đài cao để tìm người, không phải để hóng gió hay ngoạn cảnh.


Tìm ai ?


Tìm một người tương tự như “cổ nhân” viết hoa, tức một triết gia, một lãnh tụ anh hùng hay một minh quân (tỷ như vua Nghiêu, vua Thuấn, vua Vũ...), tóm lại là tìm một ngọn cờ để hướng theo. Nhưng buồn thay “tiền bất kiến cổ nhân ». Thực tế nhà thơ tìm mãi ở đời này mà chẳng có ai được như cổ nhân (viết hoa).


Nhà thơ lại hy vọng một mẫu người mới (lai giả - viết hoa), có thể khác với cổ nhân, nhưng sẽ là nhân vật lý tưởng cho thời đại mới. Nhưng than ôi «hậu bất kiến lai giả » ! Nhìn mãi trước sau chưa thấy nên rơi thầm nước mắt.


Lãng tử nghĩ rằng bài thơ mang cảm hứng lớn, cảm hứng đất nước. Cái người mà nhà thơ trông đợi ấy phải là một nhân vật lý tưởng của thời đại, bậc anh hùng cái thế, minh quân của đất nước. Tìm người theo mẫu mực truyền thống (cổ nhân), hoặc là một hình mẫu con người mới (lai giả) đều là tốt.


Trần thi nhân nghĩ về vận mệnh đất nước hơn là buồn thân phận cá nhân. Nỗi cô đơn của ông là tâm sự của một người ưu thời mẫn thế, không phải một kẻ cô đơn thiếu bạn hữu, thiếu bạn tình.


Nhà thơ đứng trên đài cao, khoảng giữa Trời và Đất, khoảng giữa Quá khứ và Tương lai.


Nhà thơ hiện ra như một nhân vật có tầm vóc vũ trụ, chẳng phải kẻ rỗi hơi đi tìm mưa ngắm mây hóng gió.


Nhà thơ Chế Lan Viên mượn ý Trần Tử Ngang từng viết :


Ôi thương thay những thế kỉ vắng anh hùng

Những thế kỉ thiếu người cầm thanh gươm nghìn cân ra trận

(“Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi”).


Phải chăng Chế Lan Viên viết cùng một cảm hứng lớn lao như Trần Tử Ngang ? Nhìn chung nhà thơ Việt Nam hiện đại ưa giãi bày rõ ràng trực tiếp mà thiếu vẻ kín đáo như thi nhân cổ điển. Mặt khác họ Chế chuẩn bị không khí cho một “minh quân” tên Nguyễn Ái Quốc xuất hiện cuối bài thơ đấy chứ, đâu phải Chế đang chờ tìm ai. Vậy ra họ Chế vẫn làm thơ minh họa, chẳng thể nào sánh được với cổ nhân.


Lại nhớ Bài ca Xuân 61 của Tố Hữu nổi đình đám một thời, có đoạn :


Chào 61 đỉnh cao muôn trượng

Ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng
Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau
Trông Bắc trông Nam, trông cả địa cầu

Tố Hữu cũng là một người am hiểu Đường thi nhưng ông đã trở thành một kẻ đạo văn siêu hạng ! Thực chất Tố Hữu đã copy tứ thơ của Trần Tử Ngang... Tố Hữu coi năm 1961 (sau Đại hội Đảng III năm 1960) như một cái U châu đài, để ông ta trèo lên, ngạo nghễ ca bài ba hoa khoác lác.(Theo cách phán xét sơ thẩm của Lãng tử thì nhà thơ Tố Hữu xứng với công 3 tội 7, coi như đi buôn bị lỗ).


Bài thơ của Trần Tử Ngang có thể gieo vào bạn đọc những cảm xúc, liên tưởng bất ngờ khác nhau, nếu bình thơ chệch hướng thì coi đó là bài phóng tác hay bài “họa”...


Lãng tử chợt thấy mình cũng rơi vào tâm trạng Trần tiên sinh. Năm 2013 liệu có xuất hiện “cổ nhân” hay “lai giả”đủ tâm đủ tầm làm thay đổi đất nước Việt Nam trì trệ và đau thương này không ? Bao giờ ?


Lãng tử chỉ biết loay hoay với thơ và suy ngẫm như trên, xin chia sẻ cùng bạn hữu.


Giang Nam lãng tử

An Giang 26/3/2013
Người xưa nói: “Thi trung hữu họa” (trong thơ có họa)

“Nghệ thuật không có biên giới”

Người xưa còn nói “Thi trung hữu nhạc” (trong thơ có nhạc)
Đó cũng là trường hợp của bài Tầm Ẩn Giả Bất Ngộ. Hãy xem nguyên tác:

Tùng hạ vấn đồng tử

Ngôn: sư thái dược khứ
Chỉ tại thử sơn trung
Vân thâm bất tri xứ 

Một bài thơ ngẳn ngủi mà có tới 3 nhân vật (đồng tử, sư và khách), 4 thiên nhiên: (tùng, dược, sơn, vân), 3 tĩnh từ (hạ, trung, thâm) và  đặc biệt có tới 7 động từ (vấn, ngôn, thái, khứ, chỉ, tại, tri)! 7 động từ cho 20 từ! Có bài thơ ngắn tương đương nào có tỉ lệ động từ cao như vậy chưa? Và càng nhiều động từ thì càng động! Phải không?

Bởi vậy suy nghĩ cho kỹ thì đây đâu chỉ là một bài thơ động, mà hơn thế còn là một bức họa động!

Và nếu như cho tới nay chưa có bức họa nào có thể “vẽ” hết được những điều mà ngôn ngữ bài thơ hàm chứa, thì cũng chưa có bản dịch nào có thể “chuyển” được những điều mà ý thơ muốn nói! Cái Có của bài thơ không chỉ là cái Có trong nó mà quan trọng hơn là cái Không Có trong nó! Ai cũng có thể diễn được cái có, nhưng mấy ai diễn được cái không?


Người khách đã tới chốn sơn lâm mong gặp ẩn giả, và đã hỏi chuyện tiểu đồng. Chưa có câu trả lời. 


Chưa biết khách sẽ ngộ hay bất ngộ sư. Và đến hôm nay, đã hơn ngàn năm trôi qua, cũng chưa có câu trả lời! Người hỏi và người được hỏi vẫn đứng ngàn năm dưới cội tùng!


Tôi có cảm giác mình cũng là một khách vân du đi tìm cố nhân, tôi muốn hỏi chú tiểu đồng những câu hỏi mà năm xưa chú đã được hỏi. Tôi nghĩ chú vẫn sẽ chỉ vào chốn xa xôi, mây núi chập chùng.


Tôi nghĩ mình sẽ qua đêm tại chốn sơn lâm cùng cốc đó để đợi một điều có thể nên đợi và không nên đợi. Ngộ hay bất ngộ đều như nhau! Tôi chỉ biết ngàn năm đang trôi. Tôi chỉ biết tôi vẫn là một người khách của thời gian. Và sư vẫn hái thuốc chưa về!


Bởi vậy một đêm tự nhiên tôi có một “bản vẽ” như thế này:  


Dưới bóng tùng hỏi thăm

Sư hái thuốc xa xăm
Người đi về lối ấy
Mây núi đã ngàn năm …

Giang Nam tiên sinh đã chính xác khi cho rằng  bản dịch “không tải hết được nội dung nguyên tác vốn hàm súc (hình tượng em bé / quan niệm của em về đường đi, phương hướng nơi núi rừng, nỗi băn khoăn lo ngại của khách nhìn mây dày đặc (vân thâm)”.


Vâng đúng vậy thưa Giang Nam tiên sinh cùng quý vị, như trên tôi đã nói, một bài thơ quá Động thì dịch phải nói là chuyện vô cùng khó. Bởi chỉ có Tĩnh mới chế được Động, mà trong cuộc đời này, cái Tĩnh cũng chính là cái chúng ta đang tìm kiếm và nuôi dưỡng hàng ngày.


Tuy nhiên hôm nay tới thăm Giang Nam tiên sinh, tôi tìm thấy một chút Tĩnh cho mình. Đó là bài phiếm bình tôi viết hôm nay.Sư, tiểu đồng và vị khách đi về đâu?


Tôi nghĩ là không ai biết cả, nhưng mà tôi có thể nói như thế này:


Người đi về lối ấy

Mây núi đã ngàn năm …

Quý vị có thấy tôi chỉ đường có hay hơn anh tiểu đồng năm xưa không?  


Nguyễn Đại Hoàng

http://bloganhvu.blogspot.com/2013/03/phiem-binh-ve-bai-tho-tam-gia-bat-ngo.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét